Vàng đen sắp sôi?
Vàng đen sắp sôi?
Dầu giảm giá sau 5 phiên tăng liên tiếp
Chốt phiên giao dịch ngày 16/6, giá dầu Brent đạt 74,39 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 4/2019; dầu thô Tây Texas WTI tăng 3 cent lên 72,15 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 72,99 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent tăng 44% được hỗ trợ bởi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+ cắt giảm nguồn cung, cùng với đó là nhu cầu thị trường hồi phục.
Tuy nhiên, sang đến phiên giao dịch ngày 17/6, giá dầu đột ngột quay đầu giảm mạnh. Theo đó, vào đầu giờ sáng ngày 17/6, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange (NYMEX), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2021 đứng ở mức 71,33 USD/thùng, giảm 0,62 USD/thùng trong phiên. Và nếu so với cùng thời điểm ngày 16/6, giá dầu WTI giao tháng 8/2021 đã giảm tới 0,87 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8 đứng ở mức 73,78 USD/thùng, giảm 0,61 USD/thùng trong phiên và đã giảm 0,57 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 16/6.
Giới chuyên gia cho rằng, giá dầu ngày 17/6 giảm chủ yếu do đồng USD phục hồi mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu về việc sẽ thực hiện điều chỉnh lãi suất cơ bản đồng USD sớm hơn dự báo của thị trường. Đồng bạc xanh tăng giá khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này như vàng, dầu thô... giảm.
Một nguyên nhân khác khiến cho giá dầu hôm nay giảm còn do khả năng các nước xuất khẩu dầu lớn sẽ tăng sản lượng khai thác để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ toàn cầu đang trên đà phục hồi và tranh thủ lúc giá dầu ở mức cao.
Ngoài ra, giá dầu ngày 17/6 giảm còn do nhu cầu tiêu thụ dầu thô cần thời gian khi kinh tế toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn phục hồi.
Giá dầu sẽ đạt 100 USD/thùng?
Mặc dù vậy, các nhà giao dịch ở Phố Wall lại đang đua nhau đặt cược vào khả năng giá dầu thô đạt mức 100 USD/thùng, trên cơ sở sự phục hồi kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong tương lai.
Tờ Wall Street Journal nói rằng các nhà giao dịch đang gom mạnh các hợp đồng quyền chọn đặt cược giá dầu thô Brent và WTI đạt mức 100 USD/thùng trước cuối năm 2022. Lần gần đây nhất là vào năm 2014, giá dầu thế giới đạt mức 100 USD/thùng, trước khi nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ ồ ạt đổ ra thị trường.
Quyền chọn mua (call option) đặt cược giá dầu lên 100 USD/thùng đang là hợp đồng quyền chọn mua phổ biến nhất tại NYMEX. Điều này là một ví dụ nữa cho thấy các nhà giao dịch có sự đồng thuận cao về những đặt cược tưởng chừng thiếu chắc chắn, nhưng lại được họ xem là cách tốt nhất để có được mức lợi nhuận cao.
Ông Adam Webb - Giám đốc giao dịch của Blue Creek Capital Management LLC cho rằng, sự hồi phục nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ sẽ đẩy giá dầu WTI lên ngưỡng 100 USD/thùng. Blue Creek đã bán các hợp đồng quyền chọn bán (put option) để có tiền mua các hợp đồng quyền chọn mua dầu 100 USD/thùng. Ông Webb cho rằng mức giá của các quyền chọn mua này hiện vẫn còn đang rẻ.
Thậm chí, một số nhà giao dịch còn đặt cược giá dầu đạt 100 USD/thùng ngay trong năm nay. Các hợp đồng quyền chọn mua dầu ở mức giá 100 USD/thùng sẽ đáo hạn vào tháng 12/2021 đang có tổng khối lượng 15,9 triệu thùng dầu WTI. Tại thị trường London, hợp đồng tương tự đang chiếm hơn 32 triệu thùng dầu, từ mức 0 thùng vào cuối năm ngoái (theo dữ liệu từ sàn Intercontinental Exchange).
Sự đặt cược vào giá dầu sớm trở lại mốc 100 USD/thùng ở thời điểm hiện nay là một điều đối lập với những gì diễn ra cách đây hơn 1 năm, khi đại dịch Covid-19 đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu lao dốc và giá dầu thô WTI có lúc tụt xuống dưới 0 lần đầu tiên trong lịch sử.
Dù thị trường lạc quan, giới phân tích cho rằng, giá dầu khó sớm trở lại mốc 100 USD/thùng vì nền kinh tế thế giới vẫn đang trong quá trình phục hồi. Theo nhà phân tích Natasha Kaneva của JPMorgan Chase, ngoại trừ trường hợp nhà đầu tư ồ ạt đổ thêm tiền vào thị trường hàng hóa cơ bản hoặc đồng USD sụt giá mạnh, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu phải tăng lên mức cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch trong quý IV, thì giá dầu mới có thể lên ngưỡng 100 USD/thùng trong năm nay.
Cổ phiếu ngành dầu khí bùng nổ
Giá dầu tăng mạnh thời gian qua đã khiến cổ phiếu của nhóm các doanh nghiệp ngành dầu khí trong nước đang có những phiên giao dịch bùng nổ.
Cụ thể, cổ phiếu của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UpCOM: BSR) đã tăng 115% kể từ đầu năm, từ vùng giá 9.900 đồng/cổ phiếu lên vùng giá 21.300 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt, từ ngày 20/5 đến nay, cổ phiếu BSR đã có 14 phiên tăng điểm, trong khi chỉ có 5 phiên giảm điểm.
Giá dầu tăng kéo theo lợi nhuận quý I của BSR tăng đột biến lên 1.856 tỷ đồng, vượt 113% kế hoạch của cả năm 2021. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong 11 quý gần đây của BSR.
Tương tự, với mã PVS của Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) cũng đã tăng 68,5% so với hồi đầu năm, từ vùng giá 17.800 đồng/cổ phiếu, lên vùng giá 30.000 đồng/cổ phiếu.
Mặc dù kết quả kinh doanh của PVS không tăng mạnh như đối với BSR, nhưng doanh nghiệp này cũng mang về 164 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I, tăng 35% so với cùng kỳ, nhờ vào các hoạt động liên kết.
Hay như mã PVT của Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT), tăng 51,4% so với hồi đầu năm, từ vùng giá 14.000 đồng/cổ phiếu, lên vùng giá 21.200 đồng/cổ phiếu. Lịch sử giao dịch cũng cho thấy cổ phiếu này cũng có nhiều phiên tăng điểm liên tiếp, bên cạnh các phiên tăng trần, kéo giá cổ phiếu này đạt mức giá cao nhất trong nhiều năm qua.
Bên cạnh thị giá cổ phiếu tăng cao, hoạt động kinh doanh của PVT cũng tăng trưởng theo, mang về 174 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I cho doanh nghiệp ngành vận tải dầu khí này, mức lợi nhuận này tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Đình Đại
Diễn đàn Doanh nghiệp