Kỳ lạ một chồng 7 chiếc bánh trà nén Trung Quốc được bán với giá hơn 25 tỷ đồng
Kỳ lạ một chồng 7 chiếc bánh trà nén Trung Quốc được bán với giá hơn 25 tỷ đồng
Các loại trà cổ truyền Trung Quốc đang tạo dấu ấn cho mình trong các cuộc đấu giá ở Hồng Kông, với việc các nhà đầu tư và nhà sưu tập trả giá kỷ lục cho chúng, bất chấp sự ảm đạm trong một thành phố bị cản trở bởi nhiều tháng biến động chính trị và suy thoái kinh tế.
Theo nhà đấu giá L & H A, một chồng gồm bảy chiếc bánh trà nén Tong Xing Hao Puer từ những năm 1920 đã được bán đấu giá với giá 1,08 triệu USD (tương đương hơn 25 tỷ đồng), chưa tính đến các khoản phí thêm vào. “Chồng bánh nén trà này đã được đẩy giá lên mức cao hơn gấp rưỡi so với ước tính”, theo Zhou Zi, người sáng lập và giám đốc điều hành của nhà đấu giá thuộc Vịnh Causeway này nói.
“Trà Puer có thể là một phương tiện đầu tư vì giá trị sẽ tiếp tục được tăng thêm”, ông Zhou nói trong một cuộc phỏng vấn. Ông này khẳng định: “Trà này không thể làm giả, là một sản phẩm tiêu thụ với nguồn cung giảm dần theo thời gian và nó có vị ngon hơn khi càng để lâu. Những yếu tố này sẽ giữ cho giá thị trường của trà Puer luôn theo xu hướng tăng”.
Sự tăng giá của các loại trà cổ truyền Trung Quốc đã đi kèm với sự gia tăng “khát khao” sưu tập những kỷ vật địa phương hay đồ quý hiểm của giới giàu có, với việc các mặt hàng như rượu Mao Đài hay giày thể thao phiên bản giới hạn, có khả năng là những “hit” lớn tiếp theo.
Một loạt truyện tranh Old Master Q miêu tả văn hóa xã hội của Hồng Kông qua nhiều thế hệ, cũng được bán với giá gấp năm lần giá ước tính của nó tại một cuộc đấu giá Sothwards hồi năm ngoái. Loạt tem đầu tiên của Hồng Kông, có hình các nhân vật truyện tranh hoài cổ do bưu điện Hongkong phát hành đầu tháng này cũng đã được bán hết ngay lập tức.
Tại phiên đấu giá mùa thu vừa qua, một số lô trà Puer khác cũng đã được mua với giá vượt xa giá trị ước tính của chúng, nhà đấu giá L & H nói. Chúng bao gồm trà Puer được với nước màu đỏ từ những năm 1940 và 1950, và trà Baba Qing Puer được sản xuất vào những năm 1980 và 1990.
“Nhiều người có tiền nhưng không thể tìm thấy những thứ họ muốn bởi vì họ không có phương tiện hoặc kênh liên lạc mua chúng”, ông Zhou nói và cho biết thêm: “Trong tình huống như vậy, giá sẽ tăng lên và có khả năng một mức giá kỉ lục mới sẽ xuất hiện”.
Uống trà Puer thường xuyên được cho là giúp giảm lượng đường và cholesterol trong máu, giảm béo phì và tăng cường khả năng miễn dịch. Uống trà này trước đây là thú vui tao nhã của một số dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, nó không phổ biến cho đến khi thu hút sự chú ý của các gia đình quý tộc trong những năm cuối của triều đại nhà Thanh (1644-1912).
Shan Dabao, người đã tham gia bán lẻ trà 12 năm tại Bắc Kinh, cho biết giá của trà Puer cổ truyền đã đạt đến mức cực kì cao vì nhu cầu đối với chúng là rất lớn.
Tuy nhiên, Shan cũng nói, “hãy cẩn thận bởi vì cách đây không lâu, thị trường trà cổ truyền đã trải qua một chu kỳ bùng nổ và phá sản ở Trung Quốc”.
Trong năm 2017, một thứ giống được gọi là Vua của các loại trà Puer đã giảm giá đột ngột xuống 200.000 nhân dân tệ mỗi kg từ mức 6 triệu nhân dân tệ trước đó, theo báo cáo của Phoenix News, gây ra thiệt hại nặng nề cho các cửa hàng bán trà cồ truyền Trung Quốc.
Ông Zhou Zi. đến từ nhà đấu giá L & H nói rằng điều đó có thể đúng vào quá khứ. “Nhưng giờ đây thị trường đã thay đổi”, ông nói.
“Một trong những đặc điểm của những người mua thời đó, đó là là họ là những nhà đầu tư bán lẻ và sức mạnh tài chính của họ không đủ”, ông nói thêm. “Ngày nay, các nhà đầu tư vào các loại trà cổ điển đang có tình hình tài chính vững chắc hơn, và các nhà đấu giá có thể làm cho thị trường hiệu quả và minh bạch hơn”, ônh nói.
“Để tránh rơi vào bẫy đầu cơ, các nhà đầu tư nên chọn các sản phẩm và thương hiệu chất lượng cao, có tính thanh khoản, uy tín và phiên bản giới hạn”, ông nói.
“Chúng tôi không thể kiểm soát quan điểm của những người mua về việc phê bình trà cổ điển. Chúng tôi chỉ đưa chúng ra thị trường một cách cởi mở và minh bạch, và để thị trường xác định giá của chúng”, ông kết luận.
Thùy Dung
Theo Scmp