Cú hồi sinh ngoạn mục của Vũ Hán, ổ dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới
Cú hồi sinh ngoạn mục của Vũ Hán, ổ dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới
Được cho là nơi khởi phát của virus corona và từng là ổ dịch lớn nhất thế giới, giờ đây Vũ Hán lại là một trong những thành phố an toàn nhất Trung Quốc. Còn Trung Quốc, từ vị trí là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới thì nay đã không còn xuất hiện trong danh sách 100 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 nữa.
Đầu năm nay, người lao động đổ xô đến Changmingzhen, một thị trấn nông nghiệp yên tĩnh được bao quanh bởi những ngọn núi và cánh đồng lúa xanh mướt, nơi mà những người trẻ tuổi từng bỏ trốn để tìm kiếm một công việc tốt hơn ở nơi khác. Dòng người ấy đổ về một nhà máy mới xây của Laoganma, công ty sản xuất sản phẩm sốt tương đậu nổi tiếng khắp Trung Quốc. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi, cái mùi mặn mặn và hăng hăng từ nhà máy lan khắp những con đường mới lát của thị trấn nhỏ Changmingzhen lại là tín hiệu cho thấy kinh tế đang dần phục hồi.
Mỗi buổi tối, những công nhân rủng rỉnh tiền rời khỏi nhà máy khi tan ca. Họ tràn vào các quầy hàng ở chợ gần đó để tìm đồ ăn. Laoganma trả lương cho công nhân sản xuất của mình lên đến 1.200 USD một tháng. "Đó là mức lương không tệ đối với những người lao động ở độ tuổi của chúng tôi", Wang Mingyan, một nhân viên của nhà máy, nói. Chưa kể, để giành được nhân công, Laoganma đãi ngộ nhân viên rất tốt. Họ được ở một căn hộ miễn phí thuê, được ăn miễn phí ở quán cà phê và hưởng nhiều phúc lợi khác.
Không chỉ Laoganma, nhiều công ty khác cũng xây nhà máy ở Changmingzhen sau khi chính phủ cho xây dựng một tuyến đường cao tốc và tàu cao tốc hiện đại nối Quý Châu với một tỉnh lân cận. Thị trấn Changmingzhen giờ đây đầy công nhân xây dựng. Những tiếng ồn ào từ các công trường gần như không dứt.
Ông Zhou Xin, một nông dân đã bán phần ruộng của mình cho Laoganma để xây nhà máy, từng cảm thấy bực bội vì tiếng ầm ầm và tiếng rít liên tục phát ra từ nhà máy. Nhưng bây giờ, ông bảo: "Bạn rồi cũng sẽ quen với âm thanh đó thôi vì đang có hàng tỷ nhân dân tệ được đầu tư vào thị trấn này".
Changmingzhen được xem là minh chứng cho sự hồi sinh tuyệt vời sau đại dịch Covid-19 của Trung Quốc, một sự hồi sinh được hỗ trợ bởi bàn tay chai sạn của những công nhân làm việc ở các nhà máy và công trường xây dựng.
Và trong câu chuyện hồi sinh kinh tế hậu đại dịch ở Trung Quốc, không thể không nhắc đến Vũ Hán...
Ngày 8/4 đánh dấu một năm kể từ khi lệnh phong tỏa hà khắc kéo dài 76 ngày được dỡ bỏ ở Vũ Hán - thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc. Vũ Hán cũng là tâm dịch Covid-19 đầu tiên của thế giới và đến nay, thành phố này đã có gần một năm rưỡi để tự mình vực dậy khỏi thảm họa Covid-19 kinh hoàng ấy. Có những khía cạnh của nền kinh tế đang trên đà khôi phục ổn định, nhưng đâu đó, người ta vẫn thấy ảnh hưởng dai dẳng mà dịch Covid-19 để lại.
Hơn một năm trước, việc Vũ Hán phải đóng cửa rõ ràng là một lời cảnh báo trước về sự nguy hiểm của virus corona cho thế giới nhưng lúc bấy giờ lại dường như chẳng mấy ai để ý. Còn giờ đây, những gì đang diễn ra ở thành phố ấy lại báo trước về một thế giới hậu đại dịch, nơi mọi người cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi những khuôn mặt dù thân thương hay xa lạ thì cũng không còn bị giấu dưới lớp khẩu trang, nơi mọi người có thể gặp gỡ nhau và tổ chức những chuyến đi chơi một cách vô cùng thoải mái.
Ở Vũ Hán, người dân đang được tận hưởng những thú vui bình thường mà hơn một năm trước luôn được xem là mối nguy hiểm và bị cấm, chẳng hạn như việc đi dạo dọc phố mua sắm Giang Hán. Tàu điện ngầm, chỗ phải đóng cửa suốt thời gian phong tỏa thời dịch dã, thì hiện nay đầy ắp nhân viên văn phòng chen lấn giành chỗ ngồi. Các nhà hàng ven sông, quán karaoke và câu lạc bộ âm nhạc cũng ăm ắp tiếng cười nói và hát hò, thứ mà ai cũng cảm thấy vào năm ngoái còn quá ư là xa xỉ.
Bên bờ sông Dương Tử, hội bơi lội Thanh Sơn đã hoạt động trở lại. Hầu như ngày nào các thành viên cũng rủ nhau đến đây bơi. Ngay cả trong thời tiết lạnh giá, bờ sông ấy vẫn thu hút nhiều người. Người bơi dưới nước, người trên bờ chơi saxophone, thậm chí cả những cặp đôi đứng tâm sự tình tứ.
"Vũ Hán bây giờ là thành phố an toàn nhất Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không mắc phải dịch bệnh chết tiệt ấy nữa", ông Song Datong, một tài xế xe bus nghỉ hưu, tự tin khẳng định.
Tuy nhiên, đà phục hồi ở Vũ Hán không đồng đều. Trong khi trung tâm thương mại cao cấp Vũ Hán Plaza đầy ắp người tới mua sắm nhộn nhịp ở các gian hàng của Dior, Louis Vuitton hay Cartier thì trên những con phố cổ ở Vũ Hán, một số cửa hàng vẫn đang đóng cửa im lìm. Còn trong một khu chợ ngoài trời chuyên bán trái cây và thịt tươi, hoạt động kinh doanh cũng rất chậm chạp.
Tất nhiên, trên hành trình đi tìm lại sức sống ấy, 11 triệu dân của thành phố Vũ Hán vẫn luôn giữ lấy trong lòng câu nói: "Đừng nên quên đi nỗi đau dù vết sẹo đã lành", nhằm cảnh báo bản thân về nguy cơ dịch quay trở lại.
Từ đường phố tới các khu mua sắm, nhà hàng ở Vũ Hán đều đang nhộn nhịp người trở lại. Li Li, 26 tuổi, phải xếp hàng gần 2 tiếng đồng hồ trên phố Hanjie nổi tiếng mới được thưởng thức món tôm càng. Dù vậy, việc dùng bữa trong một nhà hàng chật kín khách vẫn khiến cho cô gái này vẫn cảm thấy cực kỳ thoải mái.
Zhei Chenfei, một phi công của hãng hàng không China Southern Airlines, cũng phải chuyển sang lái ô tô để giao nhu yếu phẩm cho người dân và nhân viên y tế trong thời gian Vũ Hán bị phong tỏa. Phải đến tận tháng 9/2020, Zhai mới có thể trở lại buồng lái. "Được trở lại với bầu trời khiến tôi cảm thấy cuộc sống của mình cuối cùng đã trở lại quỹ đạo. Mặc dù số lượng chuyến bay và hành khách vẫn rất thấp song tôi nhận thấy ngành hàng không đang dần phục hồi", Zhai nói.
Cùng với sự hứng khởi của Li Li hay Zhai Chenfei là niềm vui của những chủ doanh nghiệp khi thấy nền kinh tế đang dần phục hồi, với những đám đông xếp hàng chật kín các con phố thực phẩm, lượng khách du lịch tới thành phố nhiều hơn và số lượng việc làm tăng đáng kể.
Là thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, GDP năm 2020 của Vũ Hán giảm 4,7%. Tuy thế, mức này cũng đã cải thiện hơn nhiều so với mức giảm 40,5% chỉ riêng trong quý I cùng năm. Đầu tư vào thành phố trong cả năm ngoái cũng tăng 6,7% lên 930 tỷ nhân dân tệ (142 tỷ USD). Vốn đầu tư vào Vũ Hán tiếp tục tăng trong năm nay. Cụ thể, có 215 dự án lớn có tổng vốn đầu tư là 330,54 tỷ nhân dân tệ được khởi động vào tháng 2 và 112 dự án với tổng vốn đầu tư là 346,2 tỷ nhân dân tệ được khởi động vào tháng 3. Đây cũng là hai tháng ghi nhận dòng vốn đầu tư cao kỷ lục ở Vũ Hán.
Ở lĩnh vực sản xuất, hãy lấy ngành ô tô làm ví dụ bởi đây là ngành sản xuất lớn nhất của Vũ Hán. Dongfeng Honda Automobile - liên doanh ở Trung Quốc của Honda - ghi nhận doanh số tăng 40,6% lên 135.000 chiếc trong tháng 1 và tháng 2 năm nay.
Lĩnh vực dịch vụ cũng đang trên đà phục hồi ổn định. Là chủ một cửa hàng bán món mì khô đặc trưng của Vũ Hán, Lou Sisi giờ phải dậy từ 3h sáng để chuẩn bị đồ ăn vì lượng khách hàng trở lại quán ăn ngày càng lớn. "Doanh số của chúng tôi thậm chí còn cao hơn 10% so với năm 2019", Luo cho biết.
Luo hiện điều hành hơn 70 cửa hàng chi nhánh. Mặc dù hàng chục cửa hàng của anh phải đóng cửa trong thời gian dịch bệnh hoành hành song lại có 27 cửa hàng mới được mở kể từ tháng 6/2020. "Chúng tôi không chỉ sống sót sau đại dịch mà giờ còn có khả năng giúp nhiều người khởi nghiệp hơn nữa".
Thậm chí, các công ty lớn của Trung Quốc như sàn thương mại điện tử JD.com vừa công bố kế hoạch đầu tư vào Vũ Hán trước sự khuyến khích của chính phủ.
Lấy Vũ Hán làm tấm gương, Trung Quốc nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh khi virus lây lan ra toàn quốc.
Kết quả, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới vẫn tiếp tục tăng trưởng trong đại dịch Covid-19. Ngay cả trước khi khủng hoảng đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc kết thúc, dàn lãnh đạo cấp cao đã bắt đầu thúc đẩy quan chức địa phương khởi động lại nền kinh tế với các dự án hạ tầng được "hồi sinh".
Năm 2020, từ quý II đến IV, GDP của Trung Quốc tăng lần lượt 3,2%, 4,9% và 6,5% so với cùng kỳ, sau khi chứng kiến quý I giảm tới 6,8% do ảnh hưởng bởi Covid-19. Tính cả năm ngoái, GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 2,3%. Sang đến năm nay, kinh tế Trung Quốc lần lượt tăng trưởng 18,3% và 7,9% trong quý I và II.
Để phục hồi kinh tế, giới chức Trung Quốc đã thúc đẩy các nhà máy tái khởi động giống như cái cách họ buộc cả đất nước phải đóng cửa khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng.
Thực tế, Trung Quốc đã đóng băng nền kinh tế 15.000 tỷ USD vào tháng 2 năm ngoái. Họ buộc phải sử dụng những biện pháp mạnh để cô lập các tỉnh thành và kéo mọi người vào khu vực cách ly. Và cũng cùng một phương pháp như thế, Trung Quốc đang đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Họ ra lệnh cho các nhà máy mở cửa trở lại và các ngân hàng quốc doanh tăng cường cho vay. Họ yêu cầu các công ty nhà nước khởi động lại.
Chính phủ cũng triển khai các khoản trợ cấp nhằm thúc đẩy hoạt động xây dựng các tuyến đường sắt và nhà máy mới cũng như tái khởi động các nhà máy hoặc dự án xây dựng lớn. Một thực tế là ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Bắc Kinh vẫn cố gắng khiến những bàn tay nhàn rỗi phải làm việc.
Vũ Hán trước được cho là nơi khởi phát của virus corona và là ổ dịch lớn nhất thế giới, giờ đã trở thành một trong những thành phố an toàn nhất Trung Quốc. Còn Trung Quốc từ vị trí là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới thì nay đã không còn xuất hiện trong danh sách 100 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 nữa, theo trang Worldometer.
Mọi thành tựu mà thành phố Vũ Hán nói riêng và Trung Quốc nói chung đạt được đến ngày hôm nay có lẽ là nhờ đến tinh thần trách nhiệm của người dân.
Bà Yuan Baohua, một cư dân của thành phố Vũ Hán, nói về tinh thần trách nhiệm khi đi tiêm vắc xin Covid-19 vì bà tin rằng nó sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch tập thể của thành phố. "Dù đã lớn tuổi nhưng sức khỏe tôi vẫn tốt. Nhiều người cùng tuổi với tôi cũng đã tiêm vắc xin rồi nên tôi nghĩ mình cũng nên đi", bà Yuan nói khi tiêm mũi vắc xin đầu tiên sau khi thành phố mở rộng tiêm chủng cho những người cao tuổi hồi cuối tháng 3.
Cùng đi với bà lần này là con dâu Celia Esquivel Salguero, người đã sống ở Vũ Hán hơn 10 năm. "Tôi đã nói với bố mẹ tôi ở Guatemala về quyết định tiêm vắc xin Covid-19 và họ hoàn toàn ủng hộ tôi" cô nói.
Gia đình của bà Yuan luôn tham gia vào các đợt vận động quần chúng trước đây của Vũ Hán nhằm giúp thành phố chiến thắng dịch bệnh, từ việc cách ly hàng tháng trời tại nhà đến chiến dịch xét nghiệm Covid-19 trên toàn thành phố.
Bà Yuan cho biết: "Việc tiêm phòng sẽ giúp tăng cường khả năng phòng vệ và tôi đang mong chờ ngày chúng ta không còn sợ loại virus này nữa".
Trung Quốc có khoảng 900 triệu người, tương đương hơn 60% tổng dân số, đã được tiêm đủ hai liều vắc xin, Zheng Zhongwei, một quan chức ở Ủy ban Sức khỏe Quốc gia, cho biết ngày 3/9. Trung bình khoảng 13 triệu liều vắc xin được tiêm mỗi ngày trong tháng 7 và tháng 8, thấp hơn mức 19 triệu liều của tháng 6.
Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng kể từ tháng 7 khi xuất hiện biến thể Delta dễ lây lan hơn, khiến các ca nhiễm gia tăng mạnh trên khắp đất nước.
Theo ông Zheng, đến cuối tháng 10, quốc gia này dự kiến sẽ hoàn thành việc tiêm vắc xin theo phác đồ thông thường cho 1,1 tỷ người cũng như tiêm nhắc lại cho nhóm người già và nhân viên có nguy cơ lây nhiễm cao. Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số vào cuối năm nay.
Những gì mà Vũ Hán nói riêng và Trung Quốc nói chung đã trải qua sẽ là những gì mà New York và Mỹ hay New Delhi và Ấn Độ hay bất cứ nơi nào bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trải qua trong quá trình hồi phục.
Tuy nhiên, sau một thời gian khá dài người dân không còn nơm nớp lo sợ dịch Covid-19 thì gần đây Trung Quốc bắt đầu ghi nhận những ca nhiễm mới với biến chủng Delta. Số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tăng trong tháng 7 và 8, cao nhất hơn 110 ca mới trung bình 7 ngày, theo Our World in Data. Đây là mức lớn nhất kể từ tháng 1, khi trung bình 7 ngày là 120 ca nhiễm mới. Dù con số trên vẫn khá thấp so với những nền kinh tế lớn khác, song Trung Quốc vẫn chọn cách tiếp cận không khoan nhượng với mọi đợt bùng phát mới này.
Ví dụ, hồi tháng 8, Trung Quốc đóng cửa một ga quan trọng tại cảng Ninh Ba - Chu Sơn, cảng đông đúc thứ ba thế giới sau khi một công nhân tại đây dương tính với Covid-19. Hồi tháng 6, Covid-19 cũng khiến các cảng quan trọng ở miền Nam Trung Quốc phải đóng cửa, trong đó có cảng Thâm Quyến và Quảng Châu - đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc dừng hoạt động cảng vì Covid-19.
Nhìn chung, để ứng phó với các đợt bùng phát dịch gần đây, Trung Quốc tiếp tục đưa ra một số biện pháp như phong tỏa cục bộ, xét nghiệm hàng loạt và kiểm soát đi lại. Các biện pháp hạn chế biên giới và quy định cách ly bắt buộc với khách nước ngoài của Trung Quốc lâu nay vẫn được đánh giá là một trong những quy định nghiêm ngặt nhất thế giới.
Tuy nhiên, S&P Global Ratings cho biết dù hiệu quả trong giảm số ca nhiễm, các biện pháp này lại dễ dẫn đến sự gián đoạn trong nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro vỡ nợ đối với các doanh nghiệp ngày càng gia tăng.
"Sự cần thiết phải quản lý các đợt bùng phát và phong tỏa theo cách tiếp cận không khoan nhượng Covid-19 tạo ra thêm gánh nặng cho doanh nghiệp Trung Quốc, vốn chưa phục hồi hoàn toàn và đang có xu hướng tín dụng ngày càng yếu", theo S&P Global Ratings.
Nội dung: Kim Dung (tổng hợp)
Thiết kế: Khương Hiền