Tháo ghế tàu cao tốc để chở rau củ, thịt, thủy sản từ miền Tây lên TPHCM
Tháo ghế tàu cao tốc để chở rau củ, thịt, thủy sản từ miền Tây lên TPHCM
Từ ngày 19/7, 5 tàu cao tốc với sức chở trung bình khoảng 20 tấn mỗi chuyến sẽ vận chuyển hàng hóa thiết yếu và trang thiết bị y tế phòng chống dịch theo đường thủy, từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến TPHCM. Tàu sẽ được tháo ghế hành khách để vận chuyển hàng hóa thiết yếu.
Các mặt hàng thiết yếu cụ thể gồm lương thực, thực phẩm như thịt gia cầm, thịt gia súc, trứng gia cầm, rau củ quả, thủy hải sản, gạo, mì gói, bún khô.
Các tàu cao tốc này sẽ đi từ các cảng, bến thủy nội địa tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Võng Long đến bến Bạch Đằng, TPHCM và ngược Lại.
Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết chi phí vận chuyển do Công ty Greenlines DP, đơn vị sở hữu đội tàu cao tốc thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân cần vận chuyển hàng hóa, đảm bảo mức giá phù hợp. Trao đổi với Dân trí, ông Trần Song Hải, Giám đốc công ty, cho biết 7h sáng 19/7, hai chuyến tàu cao tốc đầu tiên vận chuyển hàng hóa thiết yếu sẽ được khởi hành.
Các thuyền trưởng, thuyền viên trên tàu đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 và phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Khi tàu cập bến, chỉ có một thuyền viên lên bờ làm thủ tục cảng vụ, các thành viên khác trên tàu không lên bờ. Việc bốc xếp hàng hóa tại các bến thủy nội địa do các đơn vị cung ứng hàng hóa tại địa phương chịu trách nhiệm.
Trong suốt quá trình di chuyển từ các cảng, bến thủy nội địa ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long, tàu sẽ đi thẳng về bến Bạch Đằng (TPHCM) không dừng dọc đường. Sau mỗi chuyến vận chuyển và hàng hóa được bốc dỡ xong, chủ tàu sẽ thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ phương tiện trước khi khởi hành chuyến mới.
Sở Công Thương các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long sẽ phối hợp với Sở Công Thương TPHCM về cung ứng hàng hóa thiết yếu, chủ trì việc hướng dẫn các doanh nghiệp biết và tham gia cung ứng hàng hóa bằng phương án vận chuyển hàng hóa theo luồng xanh đường thủy từ các tỉnh về TPHCM và ngược lại.
Việt Đức