Tầm nhìn top đầu thế giới, VinFast đang làm ăn ra sao?
Tầm nhìn top đầu thế giới, VinFast đang làm ăn ra sao?
Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 cho thấy mức tăng mạnh trong kết quả kinh doanh bất chấp đây là quý dịch Covid-19 biến chủng mới diễn biến phức tạp trên nhiều địa phương trong cả nước.
Cụ thể, tổng doanh thu thuần hợp nhất trong quý II đạt 38.451 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước, với hầu hết lĩnh vực kinh doanh đều tăng trưởng, đặc biệt là bất động sản và công nghiệp với mức tăng tương ứng 62% và 53%. Lợi nhuận trước thuế trong quý II đạt 3.618 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, cơ cấu doanh thu chuyển nhượng bất động sản chiếm tới 26.880 tỷ đồng trong tổng doanh thu thuần 38.451 tỷ đồng của Vingroup. Doanh thu từ hoạt động sản xuất tuy tăng trưởng gấp rưỡi cùng kỳ song mới chỉ mang lại 4.688 tỷ đồng doanh thu thuần.
Đáng chú ý, giá vốn hoạt động sản xuất tăng hơn 72% so với cùng kỳ lên mức 8.413 tỷ đồng. Như vậy, đến nay, VinFast vẫn đang kinh doanh dưới giá vốn và ghi nhận lỗ gộp (thu về bằng phân nửa chi phí bỏ ra). Nhiều khả năng thì lỗ vẫn nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp vì theo nhận định của một số chuyên gia, VinFast có thể lỗ trong vòng 3-5 năm.
Ngoài ra, báo cáo tài chính cũng tiết lộ khoảng tiền tài trợ mà Vingroup chuyển cho Quỹ Thiện Tâm trong năm là gần 866 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản Vingroup đạt 417.881 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 144.442 tỷ đồng.
Với việc dồn nguồn lực cho lĩnh vực công nghiệp, VinFast đạt gần 16.000 xe bán ra trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, VinFast Fadil đạt doanh số ấn tượng với hơn 10.000 xe, trở thành mẫu xe bán chạy nhất thị trường. Lux A2.0 và Lux SA2.0 cũng đều có sản lượng đứng đầu phân khúc.
Mẫu xe điện đầu tiên của Việt Nam VF e34 đạt 25.000 lượt đặt cọc tính đến cuối tháng 7. Tính đến ngày 18/7,VinFast chính thức vận hành 35 showroom xe máy điện kết hợp trung tâm trải nghiệm tại 24 tỉnh, thành phố trên cả nước, nâng tổng số điểm cung cấp dịch vụ lên hơn 200 showroom và đại lý.
Tham vọng đưa xe Việt ra thế giới của hãng xe này còn được thể hiện qua việc VinFast đưa vào hoạt động các chi nhánh tại Mỹ, Canada, Pháp, Đức, và Hà Lan.
Hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn cho biết đã thu hút đội ngũ chuyên gia ô tô giàu kinh nghiệm đến từ các hãng xe hàng đầu như Volkswagen, Tesla, BMW, Porsche, Toyota, Nissan… tham gia hoàn thiện hệ thống, mở rộng mạng lưới đối tác. Hãng chuẩn bị ra mắt thị trường toàn cầu hai mẫu ô tô điện thông minh VF e35 và VF e36 vào năm 2022 với công nghệ hỗ trợ lái tự động (ADAS) và hệ thống thông tin giải trí thông minh.
Để đưa VinFast tiến đến mục tiêu trở thành một trong những hãng xe điện thông minh và tiện ích nhất thế giới, trong quý II vừa qua, VinSmart đã dừng phát triển tivi và điện thoại di động.
Động thái này được cho là để tập trung phát triển các tính năng thông minh trên phương tiện giao thông, với trọng điểm là phát triển gần 150 tính năng thông tin, giải trí, dịch vụ (Infotainment) cho ô tô VinFast.
Bên cạnh đó, VinSmart cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các mảng nghiên cứu hiện nay về thành phố thông minh, nhà thông minh và các thiết bị Internet of Things liên quan để mang đến trải nghiệm sống vượt trội hơn cho người dùng.
Lĩnh vực khách sạn, giải trí chịu ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu du lịch giảm mạnh. Vinpearl đã chuyển hướng sang đón các lượt khách cách ly, chủ động giảm công suất hoạt động nhằm tiết kiệm chi phí và song song duy trì các hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng và dịch vụ, chuẩn bị tăng tốc khi thị trường du lịch được phép mở cửa trở lại.
Trong lĩnh vực y tế, được sự cho phép của Bộ Y tế, hệ thống Vinmec toàn quốc đã được cấp phép xét nghiệm khẳng định Covid-19.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VIC của Vingroup đóng cửa phiên 29/7 giảm nhẹ 0,1% xuống 105.200 đồng/cổ phiếu do áp lực chốt lời ngắn hạn. Khối lượng giao dịch duy trì trên 1 triệu cổ phiếu/phiên.
Mai Chi