Số phận 5 tỷ USD của tỷ phú Thái sau 4 năm thâu tóm Sabeco
Số phận 5 tỷ USD của tỷ phú Thái sau 4 năm thâu tóm Sabeco
Cổ phiếu SAB của Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mở đầu tháng 9 không mấy thuận lợi khi ghi nhận mức sụt giảm 1.300 đồng tương ứng 0,87% xuống 148.700 đồng ngay trong ngày đầu tháng. Với mức thị giá này, vốn hóa thị trường của SAB hiện ở mức 95.358,5 tỷ đồng.
Thị giá của SAB ở thời điểm này dao động quanh vùng giá giao dịch thấp nhất kể từ đầu năm tới nay của SAB. Hồi đầu năm nay, trong phiên giao dịch ngày 13/1, cổ phiếu SAB từng đạt 205.500 đồng, nhưng đến nay đã sụt giảm gần 28% giá trị (tương ứng giảm 56.800 đồng/cổ phiếu). Thị giá của SAB hiện không bằng phân nửa so với mức giá mà Thaibev từng chi ra với mục đích thâu tóm công ty này vào 4 năm về trước.
Còn nhớ, vào hồi cuối năm 2017, Thaibev (thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage) từng chi ra gần 5 tỷ USD (tương ứng với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu) để sở hữu 53,59% cổ phần Sabeco. Mức giá này được tính toán dựa trên thu nhập lịch sử, vị thế tài chính, kinh nghiệm quản lý, sự tăng trưởng trong tương lai và tiềm năng của thị trường.
Để có tiền lo liệu, Thaibev cho biết, công ty này và công ty con là BeerCo đã phải vay vốn từ 7 ngân hàng địa phương và nước ngoài.
Cụ thể, bản thân Thaibev phải vay khoảng 100 tỷ baht (tương ứng khoảng 3,05 tỷ USD) từ 5 ngân hàng là Bangkok Bank Public, Bank of Ayudhya, Kasikornbank Public, Krung Thai Bank, Siam Commercial Bank với mỗi khoản vay có trị giá khoảng 20 tỷ baht (tương đương 610 triệu USD).
BeerCo, với sự bảo đảm của Thaibev, đã tiến hành vay của 2 ngân hàng ngoại là Mizuho Bank và Standard Chartered Bank - chi nhánh Singapore 1,95 tỷ USD.
Lý do khiến Thaibev quyết tâm chi mạnh tay để thâu tóm Sabeco thời điểm đó được phía Thaibev lý giải: Sabeco là doanh nghiệp sản xuất bia lâu đời với hơn 140 năm kinh nghiệm, sở hữu những thương hiệu bia nổi tiếng của Việt Nam như bia Sài Gòn và bia 333. Ngoài ra, Sabeco chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường bia Việt và là một trong những công ty bia đầu ngành ở ASEAN.
Thaibev cũng đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ngành bia, lớn thứ ba trong ASEAN và chỉ xếp sau Trung Quốc và Nhật Bản. Vì thế, vụ thâu tóm này sẽ giúp tập đoàn đa dạng hóa thị trường về mặt địa lý, giúp hãng mở rộng khu vực và có được mạng lưới phân phối lớn ở Việt Nam.
Về kết quả kinh doanh của Sabeco trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Sabeco tăng 9% tương ứng tăng 1.044 tỷ đồng so với cùng kỳ lên 13.088 tỷ đồng; lãi gộp tăng 12% lên 2.975 tỷ đồng. Trong khi doanh thu hoạt động tài chính tăng 28% lên 634 tỷ đồng thì chi phí tài chính lại giảm 74% còn 10 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng tăng 44% lên 1.945 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm tới 24% còn 267 tỷ đồng. Lãi thuần tăng nhẹ 2% lên 2.458 tỷ đồng. Lợi nhuận khác tăng gấp 7 lần lên 76 tỷ đồng.
Theo đó, tổng kết lại nửa đầu năm 2021, Sabeco có lãi (sau thuế) 2.057 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.
Đại diện Sabeco cho biết, trong 6 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp để tối ưu hóa quản lý kinh doanh và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bán hàng, từ đó giảm ảnh hưởng từ làn sóng thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tuy vậy, trong báo cáo tài chính 9 tháng kết thúc ngày 30/6 (năm tài chính 2021) của Thaibev, tập đoàn này cho biết, hoạt động kinh doanh bia của tập đoàn bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng chống Covid-19 tại ở cả Thái Lan và Việt Nam.
Tổng sản lượng tiêu thụ giảm 1,1% so với cùng kỳ do doanh số bán hàng của Sabeco suy giảm. Nếu loại trừ Sabeco thì doanh số bán hàng của Thaibev vẫn tăng so với cùng kỳ bất chấp ảnh hưởng dịch bệnh.
Doanh thu mảng bia của Thaibev trong 9 tháng năm tài chính 2021 ghi nhận đạt 80,3 tỷ baht, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Với những nỗ lực của đội ngũ tiếp thị nhằm cải thiện doanh số và các chính sách kiểm soát tốt chi phí, EBITDA của mảng kinh doanh bia đã cải thiện, tăng 20,4% lên 10,6 tỷ baht.
Mai Chi