Siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng: Hết hạn vốn góp vẫn 0 đồng, 99% là giả!?
Siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng: Hết hạn vốn góp vẫn 0 đồng, 99% là giả!?
"Chúng tôi sẽ chờ hết ngày để nhận thông tin góp vốn như hồ sơ đăng ký. Nếu hết ngày mà doanh nghiệp không thực hiện, chúng tôi thông báo cho người đại diện doanh nghiệp biết để thực hiện các nghĩa vụ về điều chỉnh vốn. Hiện nay, vẫn chưa có động thái gì cả", nguồn tin từ Sở KH&ĐT TPHCM cho hay.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn từ Nghị định 47/2021, hướng dẫn thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2014, Nghị định 50/2016/NĐ-CP về xử phạt các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư khẳng định, các trường hơp doanh nghiệp không vốn góp đủ trong 90 ngày theo luật định, doanh nghiệp được gia hạn thêm 60 ngày để điều chỉnh vốn góp.
Sau 60 ngày tiếp theo, nếu không có động thái góp đủ vốn, doanh nghiệp phải làm thủ tục hủy đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Bước cuối cùng, nếu doanh nghiệp, cá nhân, pháp nhân không thực hiện các quyền được pháp luật cho phép sẽ bị xử lý phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Chuyên gia về đăng ký doanh nghiệp (đề nghị giấu tên) cho rằng, đối với trường hợp doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng tại TPHCM, có đến 90% là giả, nhưng luật pháp vẫn phải thừa nhận quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp.
Vị chuyên gia này cho rằng: "Cơ quan Kế hoạch và Đầu tư vẫn cần đôn đốc cá nhân, doanh nghiệp góp đủ vốn, theo dõi tiếp doanh nghiệp trong thời hạn để điều chỉnh vốn đăng ký nhằm không tạo tiền lệ xấu, cũng như không tạo rào cản, môi trường cho doanh nghiệp".
"Nếu hết 90 ngày theo quy định, doanh nghiệp nói trên không đóng góp đủ số vốn, cá nhân đóng góp không đủ cổ phần, họ sẽ có 60 ngày để điều chỉnh quy mô vốn về 10 tỷ đồng, 1 tỷ đồng hoặc vài trăm triệu đồng đều được", chuyên gia này cho biết.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết số vốn "khủng" mà doanh nghiệp phía Nam đăng ký 500.000 tỷ đồng chưa được tính chính thức đưa vào số vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay.
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT khẳng định, đối với những trường hợp đặc biệt, số vốn lớn, Bộ sẽ có báo cáo đánh giá riêng để thuận tiện cho công tác quản lý.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có vốn đăng ký lớn sẽ có thời hạn 90 ngày để thực hiện các nghĩa vụ như nộp đủ số vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp. Hết thời hạn, nếu doanh nghiệp nộp đủ số vốn điều lệ, vốn thành lập nghiệp, Bộ sẽ có báo cáo chính thức.
Về phía doanh nghiệp vốn siêu khủng, cá nhân Nguyễn Vũ Quốc Anh, đại diện cổ đông góp 99,9% vốn siêu doanh nghiệp, đồng thời là Tổng Giám đốc của doanh nghiệp thường xuyên đăng livestream trên mạng để khoe chiến tích, lập luận về việc thành lập doanh nghiệp của mình.
Đáng nói, vị này còn liên tục cho biết mình có chất xám, nhưng không có tiền, đồng thời có mối quan hệ với hàng loạt các chủ tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước, từng kinh qua nhiều chức vụ tại các doanh nghiệp lớn.
Bản thân ông Nguyễn Vũ Quốc Anh cũng cho biết mình ở nhà cấp 4, trong tay không có tiền nhưng thường xuyên họp trực tuyến, bàn thảo phương án kinh doanh với người nước ngoài qua đội ngũ cố vấn.
Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh liên tục khẳng định mình sẽ góp vốn đủ, đúng thời gian quy định và thường xuyên khẳng định số vốn góp hơn 99,9% cổ phần cho siêu doanh nghiệp nói trên, và số vốn tương ứng trên 21 tỷ USD là quá bé so với ông.
Đầu tháng 6, thông tin vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp có số vốn lớn trên 500.000 tỷ đồng (vượt cả các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Vingroup, Viettel, FPT hay BIDV...) đã gây rúng động dư luận.
Tên doanh nghiệp được xác định là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu, đặt trụ sở tại văn phòng cho thuê ở tòa nhà Bitexco (2 Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM).
Đáng nói, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh - người đứng ra thành lập siêu doanh nghiệp nói trên cũng là người đăng ký liền một lúc 3 doanh nghiệp quy mô vốn hàng tỷ USD đến trăm triệu USD tại TPHCM. Tuy vậy, ông Quốc Anh hiện vẫn ở nhà cấp 4 và làm nghề bán quần áo, giày dép online.
Nguyễn Tuyền