Phó Chủ tịch Quốc hội giám sát hoạt động bầu cử Quốc hội khóa XV
(Dân trí) - Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ yêu cầu TPHCM động viên cử tri nghiên cứu kỹ danh sách người ứng cử; tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, tránh tình trạng đi bầu hộ, bầu thay.
Ngày 19/4, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dẫn đầu đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Hội đồng bầu cử Quốc gia giám sát, kiểm tra công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 làm việc với TPHCM.
Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử TPHCM, tổng số cử tri TPHCM sẽ tham gia bầu cử là hơn 5,5 triệu người (trong đó có hơn 2,9 triệu cử tri nữ) tại 3.092 khu vực bỏ phiếu.
UBND thành phố đã thành lập 10 ban bầu cử đại biểu Quốc hội, 32 Ban bầu cử đại biểu HĐND Thành phố Thủ Đức và 5 huyện, 63 xã, thị trấn đã hoàn thành việc thành lập Ban bầu cử.
Cử tri TPHCM sẽ bầu 30 đại biểu Quốc hội tại 10 đơn vị bầu cử; 95 đại biểu HĐND thành phố tại 32 đơn vị bầu cử. HĐND TP Thủ Đức sẽ có 40 đại biểu; đại biểu HĐND tại 5 huyện là 170 người; đại biểu HĐND xã, thị trấn là 1.183 người.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh một số nội dung quan trọng TPHCM cần lưu ý để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp.
Trước hết, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu hoàn tất lập, niêm yết danh sách cử tri, công bố danh sách chính thức người ứng cử, phân bổ người ứng cử về các đơn vị bầu cử; chuẩn bị các điểm bầu cử và niêm yết danh sách ứng cử viên, chuẩn bị cho công tác tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử.
Ngày 16/4, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã có Nghị quyết phân bổ ứng cử viên ĐBQH Trung ương về địa phương. TPHCM có 13 chỉ tiêu đại biểu ở Trung ương đưa về ứng cử.
Sau khi đã có đầy đủ danh sách và sắp xếp các đơn vị bầu cử, Phó Chủ tịch Quốc hội nhắc, TPHCM cần quan tâm chỉ đạo công tác tiếp xúc vận động bầu cử. Đây là khâu rất quan trọng, do đó cần sát sao, chi tiết, tổ chức vận động dân chủ, công khai, công bằng để hướng đến mục tiêu là bầu đúng, bầu đủ, sát với cơ cấu, bảo đảm đúng dự kiến số lượng cả về ĐBQH và đại biểu HĐND.
Trong quá trình triển khai, TPHCM cần chú ý đến đặc thù không tổ chức HĐND quận, phường (chỉ còn cấp huyện, thành phố và xã); chỉ đạo sát sao đối với đơn vị hành chính mới là thành phố Thủ Đức, bảo đảm chặt chẽ.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhắc TPHCM: "Trong khâu tuyên truyền cần phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử; động viên mọi cử tri nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử, tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, tránh tình trạng đi bầu hộ, bầu thay".
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, TPHCM cần làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân trước, trong và sau bầu cử; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, lợi dụng khiếu nại, tố cáo để can thiệp, phá hoại bầu cử.
Về tình hình an ninh, trật tự, ông Đỗ Bá Tỵ yêu cầu phải tiếp tục nâng cao cảnh giác, tăng cường kiểm soát ở tất cả các hướng, tuyến. Thành phố là địa bàn trọng điểm, đặc thù, dân số đông. Dự báo tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội gần thời gian bầu cử sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường; lực lượng phản động sẽ tăng cường chống phá, nhất là sau thời điểm danh sách ứng cử viên được niêm yết.
Vì vậy, để cuộc bầu cử diễn ra an toàn, TPHCM cần kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hành động phá hoại cuộc bầu cử; thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, xử lý nghiêm việc lợi dụng khiếu nại, khiếu kiện để gây rối, lợi dụng mạng xã hội, internet để chống phá bầu cử; có các phương án dự liệu xử lý các tình huống bất ngờ về an ninh, trật tự.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý công tác phòng, chống dịch Covid-19 để không làm ảnh hưởng công tác bầu cử.
Quốc Anh