Ô tô xanh ngóng ưu đãi

20/06/2021, 03:07

Ô tô xanh ngóng ưu đãi

Theo vị lãnh đạo DN này, những năm gần đây, Nhà nước bắt đầu khuyến khích sản xuất và tiêu dùng phương tiện sạch, tiết kiệm nhiên liệu thay cho phương tiện sử dụng động cơ đốt trong. Tuy nhiên, động thái tích cực này mới dừng ở chủ trương, chưa có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cụ thể cho dòng xe vốn được coi là phương tiện của tương lai.

"Có thể phân loại các dòng ô tô thân thiện môi trường thành 2 nhóm chính là xe điện hóa và xe sử dụng động cơ đốt trong có mức phát thải CO2 thấp hơn quy chuẩn hiện hành. Trong đó, xe điện hóa gồm 4 loại là xe điện chạy pin, xe điện nhiên liệu hydro, xe hybrid (kết hợp động cơ đốt trong và điện - PV) và xe hybrid sạc ngoài với các ưu, nhược điểm khác nhau" - vị tổng giám đốc nêu và kiến nghị Chính phủ căn cứ vào đặc tính của từng loại xe điện hóa để ban hành lộ trình phát triển kèm ưu đãi tương ứng.

Theo vị tổng giám đốc này, công nghệ, chi phí sản xuất xe điện hóa trên thế giới cao hơn xe xăng đáng kể. Do đó, nếu không có chính sách ưu đãi, đặc biệt là về thuế, phí, các dòng xe này sẽ không cạnh tranh nổi với xe chạy xăng về giá. DN từ đó cũng sẽ không mặn mà đầu tư, sản xuất hoặc nhập khẩu các dòng xe thân thiện với môi trường.

Ô tô xanh ngóng ưu đãi - 1

Dòng xe hybrid khá thân thiện với môi trường nhưng giá còn cao (Ảnh: Nguyễn Hải).

"Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh sản phẩm ô tô thân thiện với môi trường tại Việt Nam theo hướng chuẩn hóa hệ thống nhận diện và định nghĩa trên cơ sở đồng bộ với tiêu chuẩn thế giới.

Cùng đó, ưu đãi cho DN mở rộng đầu tư hoặc đầu tư mới để nghiên cứu và phát triển sản xuất dòng sản phẩm này; miễn thuế nhập khẩu các trang - thiết bị, vật tư, máy móc và hệ thống dây chuyền sản xuất; ưu tiên đặc biệt về thuế suất tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và lệ phí trước bạ với xe điện chạy pin và xe điện nhiên liệu hydro, ưu đãi ở mức hợp lý đối với xe hybrid và xe động cơ đốt trong có mức phát thải CO2 thấp" - lãnh đạo DN này đề xuất.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn chứng không ít quốc gia trên thế giới đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thị trường xe điện. Chẳng hạn, Mỹ hỗ trợ tín dụng, thuế và các chi phí như phí đăng ký, đỗ xe... cho người mua. Trung Quốc hỗ trợ phát triển công nghệ sản xuất xe điện; hỗ trợ thuế, phí cho người mua; bắt buộc về tín dụng năng lượng bằng cách yêu cầu tất cả nhà sản xuất ô tô phải sản xuất được một lượng xe điện nhất định hoặc nhập khẩu để bù lại...

"Ở Việt Nam, các chính sách phát triển ô tô điện cần được đặt trong chính sách chung về phát triển ngành công nghiệp ô tô" - VCCI nhấn mạnh.

Hiện, pháp luật về thuế TTĐB đã có sự ưu ái cho xe điện khi thuế suất chỉ ở mức 15%, trong khi ô tô dưới 9 chỗ chạy xăng phải chịu thuế 35%-50%. Nếu miễn thuế TTĐB với xe điện, khoảng cách về giá giữa dòng xe này và xe xăng sẽ gia tăng. Do đó, với tinh thần ủng hộ phương tiện "xanh", VCCI đề nghị ban hành nghị quyết thí điểm miễn thuế TTĐB với ô tô điện chạy bằng pin trong thời hạn nhất định. Đồng thời, ưu tiên đưa dự thảo sửa đổi nghị định về lệ phí trước bạ vào chương trình xây dựng pháp luật sớm nhất.

"Về lâu dài, cần nghiên cứu các chính sách cụ thể, đồng bộ về phát triển thị trường xe điện, không chỉ là chính sách hỗ trợ tài chính mà cả cơ chế phát triển công nghệ cùng các chính sách phi tài chính khác. Như vậy, có thể thu hút các nhà sản xuất phát triển công nghệ ở thị trường Việt Nam, tránh trường hợp các biện pháp hỗ trợ chỉ làm lợi cho xe nhập khẩu" - đại diện VCCI nêu.

Theo Phương Nhung
Người lao động