Những mẫu xe mất giá nhanh nhất tại thị trường Việt Nam
Những mẫu xe mất giá nhanh nhất tại thị trường Việt Nam
Điểm chung của các mẫu xe này đều là dòng hoặc mẫu xe cao cấp của các hãng xe lớn thế giới như: Đức, Nhật, Anh, Mỹ, Nhật...
BMW, Audi, Mercedes-Benz, Ford, Bentley, Porsche, Lexus là những mẫu xe có tỷ lệ khấu hao và mất giá nhanh nhất trên thị trường. Những mẫu xe mới của các hãng trên có giá niêm yết tối thiểu trên 1 tỷ đồng, trung bình là 2-3 tỷ đồng, cao hơn có thể lên đến 5 đến 7 tỷ đồng/chiếc.
Tuy nhiên, theo khảo sát trên một số trang website bán xe cũ uy tín, những mẫu xe này qua hơn 10 năm sử dụng tại Việt Nam chỉ còn vài trăm triệu đồng.
Ba thương hiệu xe sang Đức là Mercedes, BMW và Audi nhập khẩu và lắp ráp trong nước từ đời 2008 đến 2010 bán ra tại Việt Nam chỉ có giá hơn 380 đến 430 triệu đồng.
Chiếc Audi A6 đời 2010 hiện có giá bán chỉ hơn 415 triệu đồng, giảm hơn 200 triệu so với giá bán của 2 năm trước mà một số chủ nhân từng rao bán. Với mức giá này, xe sang một thời có giá 3 tỷ đồng, sau 11 năm đã mất giá hơn 2,6 tỷ đồng, mức khấu hao mỗi năm khoảng 230 triệu đồng.
Điểm chung của các mẫu xe cũ của Đức là dù giá bán xe cũ thấp nhưng người mua rất ít. Chất lượng các mẫu xe cũ qua 10 năm sử dụng là cả một bài toán nan giải bởi chi phí sửa chữa, thay thế khá đắt đỏ, mỗi linh kiện nhập khẩu về và có giá sửa vài chục triệu đồng. Nếu chiếc xe nguy cơ hỏng hóc lớn, người mua xe không khác gì ôm cục nợ.
Theo dân chơi xe Đức, sở dĩ người tiêu dùng sợ các dòng xe Đức cũ là bởi các mẫu xe được nhập với nguồn gốc không rõ ràng hoặc đã có vấn đề như: thủy kích, tai nạn ở các nước khác rồi sau đó "mông má" lại. Đối với xe cũ Đức, dòng xe chuẩn rất ít hỏng hóc vặt nếu người dùng tuân thủ đúng thời gian bảo hành, bảo dưỡng.
Tuy nhiên, điều mà ai cũng nhận thấy là các thiết bị, phụ tùng thay thế của các mẫu xe Đức rất đắt đỏ khi nhập về Việt Nam. Nguyên nhân là do mức thuế nhập khẩu các loại linh kiện này cho các doanh nghiệp tư nhân đang rất cao trên 75%. Ngoài ra, đa số xe cũ đều là đời sâu nên bắt buộc phải mua chính hãng, trong khi các hãng xe sản xuất và đưa ra thị trường linh kiện rất ít, các linh kiện này ít được đặt gia công ở nước thứ 3 (như Trung Quốc) nên lượng ít, giá cao.
An Linh