Luồng xanh cho nông sản và góc nhìn tiêu dùng ở thị trường 100 triệu dân
Luồng xanh cho nông sản và góc nhìn tiêu dùng ở thị trường 100 triệu dân
"LUỒNG XANH" CHO NÔNG SẢN VÀ GÓC NHÌN TIÊU DÙNG Ở THỊ TRƯỜNG 100 TRIỆU DÂN
Trao đổi với PV Dân trí, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội; chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính; GS.TS Nguyễn Văn Song - Giảng viên cao cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam - đều cho rằng việc mở "luồng xanh" là cần thiết nhưng không được lơ là việc chống dịch.
MỞ "LUỒNG XANH" LÀ CẦN THIẾT, NHƯNG PHÒNG DỊCH LÀ HÀNG ĐẦU
- Năm nay, chúng ta đã chứng kiến 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đối mặt với bài toán tiêu thụ nông sản trong mùa dịch Covid-19, ông đánh giá như thế nào về hoạt động tiêu thụ nông sản trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Văn Song - Giảng viên cao cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Tôi nhận thấy, việc tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang đang được làm chuyên nghiệp, tiến bộ so với các tỉnh thành khác. Bởi hầu hết các khâu từ sản xuất, thu hoạch, vận chuyển cho đến tiêu thụ đều được thực hiện chuyên môn hóa, mang bản chất của sản xuất hàng hóa hơn.
So sánh với đợt dịch đầu năm ở Hải Dương thì Bắc Giang đã triển khai việc tiêu thụ vải thiều đỡ lúng túng, do đã có bài học kinh nghiệm từ các khu vực bị dịch. Hơn nữa, nông sản ở Hải Dương trong đợt dịch trước có rất nhiều loại như cà rốt, bắp cải, cà chua, cải thảo nên việc thu hoạch, bảo quản, chế biến cũng phức tạp hơn. Còn ở Bắc Giang, nông sản tiêu thụ chủ yếu trong đợt này là vải thiều, nên từ khâu sản xuất, chăm sóc, thu hoạch đến tiêu thụ cũng được chuyên môn hóa.
Nếu nhìn một cách khách quan và công bằng, có thể nhận thấy sản xuất vải thiều ở Bắc Giang từ nhiều năm nay có quy mô lớn hơn, thường là các nông trại, trang trại đã có nguồn khách hàng ổn định, thị trường ổn định nên không phải lo quá nhiều về đầu ra.
Trong khi, thị trường ở Hải Dương sản xuất vải thiều chủ yếu từ các hộ sản xuất nhỏ lẻ (ít các trang trại, nông trại lớn như ở Bắc Giang), diện tích trồng vải tập trung ít, đất trồng tận dụng, chính vì vậy tính chất chuyên môn hóa và sản xuất hàng hóa chưa cao, mặc dù khu vực Thanh Hà của Hải Dương có nhiều kinh nghiệm trồng và chăm sóc vải thiều hơn Bắc Giang.
Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: Đầu tiên, chúng ta phải nhìn nhận toàn cảnh về bức tranh thị trường nông sản ở Việt Nam. Hiện nay, việc sản xuất nông sản ở ta đang là dư cung, tất nhiên có nhiều cung thì chưa đảm bảo chất lượng. Khâu đầu ra, bán lẻ, xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn, khi dịch đến thì chắc chắn sẽ khó khăn hơn.
Tháng 2 vừa qua, việc tiêu thụ nông sản ở Hải Dương gặp rất nhiều thách thức, trong đó phải kể đến chuyện Hải Phòng co cụm quá khiến nông sản Hải Dương không vào được tỉnh này. Để giải quyết tình trạng trên, Chính phủ đã vào cuộc.
Nhưng trong thời gian đó, các tỉnh cứ liên tiếp "công văn đi, công văn lại" làm tốn nhiều thời gian. Trong khi, nông sản không giống như các mặt hàng khác vì có thể là "sáng tươi, chiều héo". Cho nên, việc chậm trễ giải quyết các thủ tục, chính là nguyên nhân khiến nông sản lưu thông chậm, gây tổn thất nặng nề.
Còn hiện nay ở Bắc Giang, tỉnh này đã chủ động hơn khi làm việc với các bạn hàng, bắt tay với các sàn thương mại điện tử, chợ đầu mối để tiêu thụ nông sản. Với lại, các địa phương giờ đã có cái nhìn toàn diện, rút kinh nghiệm sâu sắc từ chuyện Hải Dương - Hải Phòng nên việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa đã thông thoáng, thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, bài toán đặt ra cho Bắc Giang hiện nay là khi vào chính vụ, với số lượng vải thiều dự kiến hơn 140.000 tấn thì sẽ tiêu thụ ra sao, phân phối ở những thị trường thế nào (UBND tỉnh Bắc Giang cho biết khoảng 180.000 tấn vải thiều - PV).
Trong khi, các kho dự trữ, bảo quản ở Việt Nam còn khá khiêm tốn. Cho nên, việc tổ chức thực hiện, phân phối hàng hóa và đưa ra những kịch bản, phương án dự phòng là hết sức cần thiết.
Ông Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính: Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, chúng ta đã nhìn thấy điểm sáng, sự thay đổi rõ nét về tiêu thụ nông sản ở Bắc Giang khi có sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng giữa địa phương và các cơ quan chức năng.
Đầu năm 2021, đợt dịch lần thứ 3 bùng phát, Hải Dương là tỉnh gặp vấn đề trong việc tiêu thụ nông sản khi Hải Phòng từ chối giao thương, trong khi các chính sách về giải quyết, tiêu thụ, vận chuyển nông sản còn chậm, chưa được linh động. Cho nên, rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước, lần này Bắc Giang đã làm rất đúng, chuẩn chỉnh trong việc tiêu thụ vải thiều, khi vừa thực hiện tốt việc chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Việc xuất khẩu vải thiểu cũng như tiêu thụ nội địa đều an toàn, thuận lợi, không gặp khó khăn gì.
Như mọi năm, đến mùa vải, rất nhiều thương lái từ Trung Quốc sang tận nơi mua hàng, nhưng Bắc Giang đã ứng phó bằng cách, tự chủ động mang vải đến tận cửa khẩu cho bạn hàng. Cho nên, vải thiều của tỉnh vẫn được giá, không có chuyện giá lên xuống trồi sụt, bất thường.
Đáng khen hơn, trên "mặt trận" thông tin, tỉnh này đã kịp thời bác bỏ các tin đồn về chuyện giải cứu vải thiều. Chính điều này đã khiến giá nông sản đứng vững, ngăn chặn việc thương lái, tiểu thương ép giá vải thiều.
- Mới đây, Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh Bắc Giang và chỉ đạo các bộ, ngành mở "luồng xanh" tiêu thụ nông sản, ông nghĩ sao về việc này?
Ông Nguyễn Văn Song: Nông sản hầu hết là tươi sống, thời gian bảo quản không lâu, dễ hư hỏng. Chính vì vậy, việc mở "luồng xanh" là cần thiết trong mùa dịch Covid-19 để nông sản có thể đi được nhanh hơn, kịp thời hơn và giảm chi phí bảo quản, tăng chất lượng tiêu dùng.
Việc mở "luồng xanh" trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình tiêu thụ sẽ diễn ra nhanh chóng, thuận tiện, làm hạn chế việc ùn ứ, ách tắc, giảm chất lượng, hư hỏng nông sản. Đồng thời, việc mở "luồng xanh" sẽ giảm đi các chi phí về vận chuyển, kiểm duyệt và sự lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.
Ông Vũ Vinh Phú: Việc mở "luồng xanh" là cần thiết nhưng không được lơ là việc chính là chống dịch. Còn muốn hiệu quả, việc này phải được thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới, phải có kiểm tra, giám sát chặt chẽ và vướng đâu giải tỏa ngay đấy.
Ông Đinh Trọng Thịnh: Việc mở luồng xanh là cần thiết, nhưng theo tôi, yếu tố phòng dịch vẫn phải đặt lên hàng đầu. Còn muốn hàng hóa lưu thông nhanh, thuận tiện thì Bắc Giang phải làm tốt việc phối kết hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố khác.
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TIÊU DÙNG NỘI ĐỊA
- Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều loại nông sản chủ yếu chỉ tiêu thụ trong nước thay vì đi xuất khẩu. Có phải đến lúc chúng ta cần tập trung cho thị trường nội địa?
Ông Nguyễn Văn Song: Đầu tiên phải phân tích về thói quen, sở thích của người tiêu dùng nội địa để nhìn được thị trường toàn cảnh. Như người tiêu dùng Việt Nam rất thích ăn đồ tươi sống, đối với thực phẩm, ai cũng muốn ra chợ tự tay mua từng mớ rau, chọn từng con gà đang chạy, con cá đang bơi về chế biến chứ không thích ăn đồ trong siêu thị, cửa hàng đã được sơ chế, đóng hộp.
Thói quen, sở thích tiêu dùng này là của khu vực sản xuất tự cung, tự cấp chứ không phải của sản xuất hàng hóa. Để phát triển nông sản thì bên cạnh người sản xuất phải đáp ứng được thị hiếu được các thị trường quốc tế khó tính như: Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Úc… thì chúng ta không thể bỏ qua một thị trường lớn tiêu dùng nội địa.
Có thể nhìn thấy, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tốc độ lưu thông hàng hóa kém dần, khả năng mua bán trực tiếp bị hạn chế, đồng nghĩa với việc thị trường chế biến lên ngôi, chợ online bắt đầu được chú ý và sôi động. Thương mại điện tử cũng phát triển hơn do dịch Covid-19 trong thời gian qua. Xu hướng này làm cho thị hiếu và các thói quen tiêu dùng tươi sống của người dân bắt đầu thay đổi, nên đây cũng là dấu hiệu tốt để phát triển thị trường tiêu dùng nội địa.
Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng sản phẩm và thị hiếu của thị trường nội địa và xuất khẩu là rất khác nhau. Chính vì vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản cần nghiên cứu kỹ, làm sao để không chỉ tiếp cận được các thị trường quốc tế mới nổi, mà còn đi sâu vào một thị trường rất tiềm năng đó thị trường nội địa với của hơn 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Vũ Vinh Phú: Muốn phát triển, tập trung cho thị trường nội địa thì cần phải có chiến lược và tổ chức bài bản. Nói đơn giản như việc, tôm cá đi xuất khẩu thì để lại thị trường nội địa là loại một hay loại hai.
Như hiện nay, tôi thấy hàng đi xuất khẩu toàn đồ ngon, giá tốt. Trong khi ở Nhật, Trung Quốc đồ nào ngon nhất, tốt nhất, họ phải để lại thị trường trong nước sử dụng, còn thì mới xuất đi, nhưng Việt Nam thì ngược lại.
Ông Đinh Trọng Thịnh: Việc tập trung, phát triển thị trường nội địa đã được nhiều chuyên gia nhắc tới từ trước, chứ không phải bây giờ mới bàn. Bởi hiện nay, nước ta vẫn nhập khẩu khá nhiều loại nông sản giá cao từ nước ngoài. Trong khi, chúng ta cũng mang đi xuất khẩu nhiều loại nông sản chất lượng, đạt chuẩn mực quốc tế.
Nên tôi mới đặt ra câu hỏi, tại sao chúng ta cứ phải mang đi tận đâu đâu, mất công vận chuyển, mất phí kho bãi, mất phí logistic. Nếu quay vào, tập trung phát triển thị trường nội địa thì chi phí sẽ giảm đi và các yếu tố khác sẽ tốt lên. Đặc biệt là người dân sẽ được hưởng những sản phẩm trong nước chất lượng và mang tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng điều đặt ra ở đây là các doanh nghiệp sản xuất phải đáp ứng được chất lượng sản phẩm đúng như hàng xuất đi nước ngoài.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất phải có một sự liên kết, gắn bó mật thiết với các chuỗi siêu thị, cửa hàng, đại lý trên toàn quốc để phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
- Vậy theo ông, đâu là giải pháp tháo gỡ cho câu chuyện tiêu thụ nông sản đang đặt ra hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Song: Tôi vẫn khẳng định, thị trường nông sản là thị trường cạnh tranh hoàn hảo, không có sự độc quyền, bởi ai cũng có thể tham gia và tham gia vào rất dễ. Thị trường nông sản là thị trường thỏa mãn mọi yếu tố của một thị trường cạnh tranh hoàn hảo.
Như chúng ta đã biết, trong nông nghiệp cung cầu, giá cả của thị trường diễn biến theo quy luật Cob - Web. Khi giá lên cao, người sản xuất dễ dàng tham gia thị trường sản xuất, làm cho cung vượt cầu giá sẽ hạ, người sản xuất lại rút ra khỏi thị thường, lượng cung lại giảm, giá lại lên.
Đó là quy luật của thị trường cạnh tranh hoàn hảo, trong đó có thị trường nông sản. Nói như vậy, không có nghĩa là các cơ quan chức năng mãi để người sản xuất nông sản đối mặt với rủi ro về giá cả do sản xuất tự phát, không có định hướng, không có thị trường ổn định.
Cho nên, muốn phát triển bền vững, các cơ quan chức năng liên quan, lãnh đạo ngành, các địa phương phải giúp người sản xuất định hướng, dự đoán được thị trường tiêu dùng nội địa, thị trường quốc tế ở tầm vĩ mô để có kế hoạch, định hướng ngay từ khâu sản xuất ở tầm vĩ mô chứ không để người sản xuất nhỏ lẻ, đơn thân đối mặt với thị trường đầy rủi ro về giá cả, mất kiểm soát. Việc giải cứu cũng chỉ là giải pháp tạm thời, không bền vững, chỉ mang tính chất nhân văn, xét về mặt phúc lợi xã hội thì giải pháp giải cứu không mang lại phúc lợi xã hội lớn nhất.
Ông Vũ Vinh Phú: Muốn thị trường nông sản phát triển bền vững chúng ta cần có những kế hoạch dài hạn, có tầm nhìn từ khâu sản xuất, phân phối, chế biến, bảo quản, dự trữ, đầu ra. Đặc biệt, Nhà nước phải đứng ra làm chất xúc tác, hỗ trợ người dân về đất đai, tiền vốn, quản lý thị trường và công tác chống hàng lậu, hàng giả.
Ông Đinh Trọng Thịnh: Trong thời gian sắp tới, chúng ta phải tạo ra những dây chuyền sản xuất kinh doanh, chuỗi giá trị sản xuất mang tính thuần Việt. Đặc biệt là phải kết hợp được giữa doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã với đơn vị phân phối, kinh doanh.
Hơn nữa, việc phân chia lợi nhuận cũng phải dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, nghĩa là bên sản xuất cũng có lợi, bên kinh doanh, phân phối cũng có lợi. Bởi như hiện nay, anh thương mại đang "ăn" hết phần lợi nhuận của anh sản xuất. Thế nên, nhiều doanh nghiệp sản xuất họ tự mang hàng đi xuất khẩu và tự tiếp cận với các bên mua.
Ví dụ như việc, đến mùa vụ, nhiều thương lái Trung Quốc phải tự vào thị trường Việt Nam để tổ chức, thu mua nông sản, do đó tôi đặt ra câu hỏi: Tại sao bên thương mại của ta không tự tổ chức việc thu mua để đưa sản phẩm ra nước ngoài?
Để làm được điều đó, các cơ chức năng phải có những định hướng, quy hoạch phát triển kinh doanh cho phù hợp với từng vùng miền và nền kinh tế. Đặc biệt là phải gắn kết các khâu sản xuất, phân phối, thương mại với nhau.
Hoàng Dung (thực hiện)