Khách gọi cháy máy, dân buôn ngồi nhà hốt bạc 2 tạ cua đồng mỗi ngày

07/06/2021, 03:14

Khách gọi cháy máy, dân buôn ngồi nhà hốt bạc 2 tạ cua đồng mỗi ngày

Ngồi nhà bán 2 tạ cua đồng online

Dù tăng lượng nhập cua đồng lên 1,8 tạ, nhưng mới hơn 2h chiều chị Hoàng Thị Cảnh ở Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải lên facebook thông báo hết hàng. Khách ngày mai muốn ăn cua có thể đặt trước. 

Chị Cảnh cho biết, thời tiết càng nắng nóng cua đồng càng đắt hàng. Đây là món ăn giải nhiệt, nấu được nhiều món từ bún riêu, canh cho tới lẩu. Chưa kể, dịp này hàng quán đóng cửa, các gia đình nấu ăn ở nhà nhiều hơn nên lượng khách đặt mua cua đồng qua mạng tăng đột biến, đặc biệt vào những ngày Hà Nội nắng nóng.

Khách gọi cháy máy, dân buôn ngồi nhà hốt bạc 2 tạ cua đồng mỗi ngày - 1

Nắng nóng, người dân đua nhau đặt mua cua đồng về ăn giải nhiệt (Ảnh: Vietnamnet).

Giá cua đồng chỉ 130.000 đồng/kg, không hề tăng, nhưng lượng hàng bán ra mỗi ngày thì tăng mạnh, chị chia sẻ. Thời điểm đầu mùa hè, mỗi ngày chị chỉ bán được khoảng 50-60 kg. Khách có thể mua cua sống, cua xé hoặc cua đã xay sẵn, lượng cua bán dao động trong khoảng 1-1,5 tạ. Đỉnh điểm như mấy hôm nóng, 1,8 tạ cua vừa nhập về đã hết veo.

"Tôi chỉ bán online thôi, nhưng dịp này khách tới tấp đặt mua. Người mua ít thì một kg, người mua nhiều thì 2-3 kg mỗi lần để ăn dần và cũng để tiết kiệm được tiền ship" - chị nói.

Phần lớn khách đều chọn mua cua xé sẵn (đã tách bỏ mai, yếm) hoặc cua xay sẵn vì tiện nên chị phải huy động bố mẹ cùng 2 con hỗ trợ làm cua để kịp cho mấy shipper đem hàng đi giao.

"Hôm nào cũng phải làm từ 4h sáng cho tới khi bán hết cua. Cũng may đổi lại tiền lời có thể thu được tới vài triệu đồng/ngày" -  chị Cảnh tiết lộ.

"Người vận chuyển" hái ra tiền

Dịch Covid-19 và nắng nóng khiến nhu cầu gọi shipper (người giao hàng, vận chuyển hàng hóa) tăng vọt trong thời gian gần đây.

Anh H.H. (Hà Nội) cho biết, từ khi các quán ăn ở Hà Nội được yêu cầu ngừng phục vụ khách trực tiếp, chỉ cho bán mang về, nghề shipper của anh trở nên đắt khách hơn bao giờ hết.

Thông thường, công việc của anh sẽ bắt đầu từ lúc 8 giờ cho đến 22 giờ. Trong đó, cao điểm là từ 10h-12h trưa với số lượng đơn tăng 2-3 lần. Thậm chí, vào mùa dịch có thể gấp 3-4 lần so với các khung giờ khác.

"Nếu chăm chỉ chạy, lượm nhặt đơn hàng trong mùa dịch thì tôi cũng thu về 500.000 - 600.000 đồng/ngày. Chưa kể, thi thoảng có khách còn tip thêm 5.000 - 10.000 đồng nếu phục vụ tốt. Trước đó, khi không có dịch, ngày chạy nhiều cũng chỉ kiếm được 250.000 - 300.000 đồng/ngày" - anh H. vui vẻ kể.

Khách gọi cháy máy, dân buôn ngồi nhà hốt bạc 2 tạ cua đồng mỗi ngày - 2

"Người vận chuyển" bận rộn, tất bật giữa mùa dịch.

Tuy nhiên anh H. cũng cho rằng nghề shipper trong mùa dịch không hề đơn giản, dễ dàng như mọi người tưởng tượng. Bởi có những khi quán đông, shipper phải phơi nắng ngoài trời tầm 20-30 phút, thậm chí còn chen chúc nhau lấy hàng.

"Mọi người thì sợ dịch nên chọn ở nhà gọi shipper, còn bọn tôi vì mưu sinh mà  lao ra ngoài. Đôi khi đi làm cũng có nhiều khách "quái" lắm, như ra lấy đồ không đeo khẩu trang, đội mũ chắn giọt bắn, nếu shipper có nhắc thì lại phật ý, vùng vằng. Hay có những khách, tôi đứng đợi mãi chẳng xuống lấy đồ, trong khi tôi lại đang vội đi giao bao nhiêu đơn khác" - anh H. tâm sự.

Dịch Covid-19 trở lại, giá hoa hồng giảm sâu

Chị Nguyễn Kim Thu - một hộ trồng hoa ở Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - chia sẻ, nhà chị có hơn 2 mẫu trồng hoa hồng leo và hồng thơm, đợt này hoa đang vào lứa thu hoạch rộ nên mỗi ngày nhà chị cắt được khoảng 4.000-5.000 bông các loại.

Song chị Thu than thở, đợt này hoa hồng rẻ như cho. Như hồng leo có giá dao động từ 35.000-40.000/bó (100 bông), hồng thơm có giá 25.000-30.000 đồng/bó (100 bông). "Giá như này thì tiền thu được không bù nổi chi phí bỏ ra. Cũng may, giá rẻ nhưng hoa không bị ế" - chị Thu nói.

Theo chị, tình hình dịch bệnh thời gian gần đây diễn biến phức tạp nên hoạt động mua bán khá trầm lắng, hoa không xuất bán được. Thêm nữa, thời tiết nắng nóng kéo dài nên hoa nhanh tàn, không bán nhanh thì hoa héo hỏng hết. Do vậy, giá hoa giảm mạnh, so với tháng trước giá hoa hồng giảm chỉ còn 1/10.

Khách gọi cháy máy, dân buôn ngồi nhà hốt bạc 2 tạ cua đồng mỗi ngày - 3

Nắng nóng cộng dịch bệnh khiến hoa hồng giá rẻ như cho.

Cùng chung cảnh ngộ, chị Lê Thu Hà ở Tây Tựu cũng đang "méo mặt" vì hoa hồng. Thời tiết nắng nóng, cắt hoa rất vất vả mà bán không nổi 1.000 đồng/bông, bỏ đi thì lại tiếc.

"Từ đầu năm đến giờ hoa hồng giá khá rẻ, nhưng đây là thời điểm giá rớt thảm nhất" - chị chia sẻ. Theo đó, hồng thơm chị đang phải bán với giá 25.000-35.000 đồng/bó (100 bông) tùy loại và số lượng, hồng leo có giá 45.000-50.000 đồng/bó. Khách lấy sỉ từ 10 bó trở lên sẽ được giá ưu đãi.

Nhiều chị em tranh thủ gom mua chung 100-200 bông về cắm chơi dịp này bởi hiếm khi mới có giá siêu rẻ như vậy.

Cửa hàng thể thao "lên ngôi" trong mùa dịch

Dịch Covid-19 khiến nhiều ngành nghề và hoạt động mua bán bị đình trệ, nhưng thị trường xe đạp lại bùng nổ. Việc hạn chế đi lại, không tập trung nơi đông người và các phòng tập thể thao đóng cửa khiến nhu cầu sử dụng xe đạp tăng vọt.

Tại nhiều cửa hàng xe đạp, việc mua bán khá sôi động. Tình trạng cháy hàng thường xuyên diễn ra do số lượng xe không đủ đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Nửa năm nay, thay vì sử dụng xe máy để đi làm như trước, anh Phùng Văn Kiên ở Trần Quốc Hoàn (Cầu Giấy, Hà Nội) chuyển sang dùng xe đạp làm phương tiện đi lại hàng ngày. Anh chia sẻ: "Phòng tập gym đóng cửa nên tôi tậu chiếc xe đạp này gần 5 triệu đồng để đi làm và tập thể dục mỗi buổi chiều. Vợ và con trai tôi cũng sắm mỗi người một chiếc và đi lại thường xuyên hơn trước".

Trước đây, xe đạp tại Hà Nội vẫn còn thưa vắng, trừ những người thường xuyên tập luyện thể thao bằng xe đạp, thì nay phương tiện này lại được nhiều người ưa chuộng. Không chỉ anh Kiên, trên các tuyến phố Thủ đô, không khó để bắt gặp người đi xe đạp và xu hướng này ngày càng nhiều, với đủ mọi lứa tuổi, từ người già, trẻ em đến giới trẻ.

Khách gọi cháy máy, dân buôn ngồi nhà hốt bạc 2 tạ cua đồng mỗi ngày - 4

Dịch bệnh khiến nhu cầu mua xe đạp tăng mạnh (Ảnh: Vietnamnet).

Anh Trần Tú - nhân viên một cửa hàng xe đạp ở Cầu Giấy (Hà Nội) - cho biết, Covid-19 đã làm thay đổi thói quen của nhiều người. Các phòng tập gym, yoga phải đóng cửa, việc hạn chế đi lại khiến nhiều người cảm thấy cuồng chân trong khi nhu cầu về các hoạt động ngoài trời vẫn cao. Hơn nữa, việc đi lại bằng phương tiện công cộng như xe bus không còn được ưa chuộng  vì mọi người hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Vì vậy, nhu cầu sử dụng xe đạp bỗng tăng đột biến.

Nhu cầu tăng cao khiến giá xe đạp tăng khoảng 10-20%, song nhiều người vẫn sẵn sàng chi từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng để sở hữu một chiếc xe đạp.

Theo đó, phần lớn người mua thường chọn những dòng xe tầm trung, giá dao động từ 3,7-7,1 triệu đồng/chiếc. Những dòng cao cấp hơn có giá từ 10-30 triệu đồng/chiếc, thậm chí lên đến 70-80 triệu đồng/chiếc.

"Nếu trước đây, xe đạp bán khá chậm nhất là vào đỉnh điểm nắng nóng mùa hè, có khi cửa hàng tôi chỉ bán được khoảng 10 chiếc mỗi tuần, thì kể từ khi dịch bệnh bùng phát cửa hàng bán khá chạy, lên đến vài chục chiếc một ngày" - anh Tú cho hay.

 An Chi

Tổng hợp