Hà Nội siết giấy đi đường, doanh nghiệp than thở cảnh đổ xô xin xác nhận
Hà Nội siết giấy đi đường, doanh nghiệp than thở cảnh đổ xô xin xác nhận
Cụ thể, TP Hà Nội siết chặt lý do ra đường đối với tất cả người dân trên địa bàn thành phố. Theo Công văn 2562/UBND-KT của UBND TP, Hà Nội giao trách nhiệm xác nhận giấy đi đường của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cho UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã).
Trước yêu cầu này, người lao động bắt buộc phải có văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị kèm theo xác nhận, đóng dấu của UBND cấp phường quản lý.
UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường trên nguyên tắc chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn theo từng nhóm đối tượng cụ thể.
Quy định mới có hiệu lực từ hôm nay (9/8) khiến không ít doanh nghiệp than thở khi phải gấp rút chuẩn bị giấy xác nhận cho người lao động.
Trao đổi với Dân trí, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội - cho biết, sau một ngày gấp rút chuẩn bị, đến chiều nay, doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ đi đường cho nhân viên theo yêu cầu mới.
Theo bà, về cơ bản thì việc cấp giấy không quá khó khăn, song có tình trạng đông đúc, quá tải ở các UBND phường trong ngày đầu thực hiện. Chưa kể có những người phải đi về vì không chuẩn bị đúng yêu cầu.
Nhận thấy một số bất cập, bà đề xuất cần có một mẫu xác nhận chung nào của thành phố về việc này, tránh tình trạng mỗi phường lúng túng. Mẫu này cơ bản sẽ gồm thông tin họ tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân (CMND/CCCD), nơi công tác, bộ phận làm việc và bảng phân công công việc. "Có mẫu chung rồi làm mới nhanh được, mỗi nơi hướng dẫn một khác thì sẽ dễ lúng túng và mất thời gian", bà Dung cho hay.
Thực tế không ít doanh nghiệp do chưa có hướng dẫn cụ thể nên cũng tỏ ra khá lúng túng. Một số doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng cầm ra phường xin xác nhận thì chưa đạt yêu cầu, do thiếu một số thông tin, phải làm lại.
Ông Tống Xuân Duy, Chủ tịch UBND Phường Dịch Vọng Hậu, cũng cho biết, trong ngày hôm nay đã có khoảng hơn 100 doanh nghiệp tới làm các thủ tục xin cấp giấy đi đường cho nhân viên. Nhưng chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp đủ các điều kiện cần thiết để được cấp giấy, còn lại đều chưa hợp lệ và phải bổ sung các giấy tờ liên quan.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp có số lượng lao động lớn cũng gặp không ít khó khăn khi phải bổ sung thêm giấy tờ cho việc thông hành.
Ông Nguyễn Thái Dũng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG - cho biết, ngoài giấy đi đường theo mẫu của UBND TP Hà Nội kèm theo CMND/CCCD thì bây giờ cần thêm xác nhận của phường/xã phương án làm việc của doanh nghiệp phân phối bán lẻ.
"Tuy nhiên ra phường họ cũng đang lúng túng khi phải ký xác nhận cho hàng trăm người lao động và không biết được phương án bố trí lao động như thế nào là hợp lý nên việc xin ký xác nhận cho cả nghìn lao động trong một ngày gặp không ít khó khăn", ông Dũng chia sẻ.
Không chỉ các doanh nghiệp cung cấp hàng thiết yếu với quy mô lớn, một số doanh nghiệp với số lượng nhân viên đến công sở khá cầm chừng cũng than thở vì việc đi xin giấy tờ khá mất thời gian và "sợ đông".
Ông Bùi Ngọc Tự - CEO một hệ thống nền tảng quản lý, vận hành và phát triển giáo dục - cho biết đa số nhân viên hiện đã được bố trí làm việc online. Tuy nhiên, một số người làm bên vận hành, trực hệ thống vẫn phải đến trụ sở. "Ngay khi có chỉ thị mới về siết giấy đi đường, tôi đã tìm hiểu và cử người đi xin giấy xác nhận từ phường, song vì quá đông, sợ lây nhiễm nếu không may có ca F0 nào đó nên đã về để mai xin tiếp", ông Tự cho hay.
Theo chia sẻ của vị này, doanh nghiệp ủng hộ quyết định siết chặt của thành phố để phòng dịch, hạn chế người ra đường không đúng mục đích và họ chấp hành, tuân thủ nghiêm nhưng cũng nên có biện pháp để tránh ùn tắc vì nhiều phường có số lượng doanh nghiệp vô cùng lớn.
Ông Nguyễn Văn Tiu - Chủ tịch Công ty xăng dầu Tự lực I - cho biết đến trưa nay đã hoàn thiện giấy tờ theo hướng dẫn của phường để xin xác nhận. Mặc dù về cơ bản không gặp khó khăn gì nhiều do bản thân doanh nghiệp đã chủ động sẵn song việc này cũng phát sinh thêm thời gian, phiền hà vì thêm nhiều loại giấy tờ.
"Chúng tôi in cho từng người một, mỗi người cầm cái bản ấy để đi đường. Rõ ràng cái gì cũng thế chặt chẽ hơn thì sẽ phức tạp hơn. Sáng nay nhận được công văn của TP, chúng tôi phải nhanh chóng triển khai nhanh cho kịp", ông Tiu cho biết bản thân doanh nghiệp phục vụ hàng thiết yếu nên phải lên sẵn mọi kịch bản, phương án, chuẩn bị tốt cho những diễn biến phức tạp của đại dịch và các yêu cầu mới trong bối cảnh mới.
Nguyễn Mạnh