GS. Nguyễn Đức Khương: 2 động lực mới của Việt Nam nhiều dư địa phát triển
GS. Nguyễn Đức Khương: 2 động lực mới của Việt Nam nhiều dư địa phát triển
GS.TS. NGUYỄN ĐỨC KHƯƠNG: HAI ĐỘNG LỰC MỚI CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA, VIỆT NAM CÓ LỢI THẾ TRỞ THÀNH NỀN KINH TẾ NĂNG ĐỘNG
Trong cuộc trò chuyện với Dân trí dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, GS.TS. Nguyễn Đức Khương - Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu Trường kinh doanh IPAG (IPAG Business School, Paris), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - cho rằng, tăng trưởng GDP 6,5% được coi là một mục tiêu tăng trưởng cao.
Với tình hình bệnh dịch hiện tại thì phục hồi kinh tế của các nền kinh tế thế giới sẽ có nhiều thăng trầm cùng với các đợt bùng phát, phong tỏa.
Trong khi đó, những thách thức nội tại của nền kinh tế Việt Nam trước mắt vẫn là cải thiện năng suất, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt và đảm bảo bền vững của tài chính công.
Cũng theo vị giáo sư trẻ tuổi, Việt Nam có những lợi thế để xây dựng một nền kinh tế năng động, sáng tạo và bản sắc. Hai trong số những động lực mới, còn nhiều dư địa để phát triển, là khu vực kinh tế số và kinh tế gắn với biển.
NỀN KINH TẾ ĐÃ ĐƯỢC TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG, NÂNG CAO KHẢ NĂNG CHỐNG CHỊU
Dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát ở Việt Nam. Trước đó, chúng ta đã trải qua một năm với nhiều cú sốc từ dịch bệnh. Theo ông đâu là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng quan trọng cho Việt Nam khi nhìn lại 2020?
Yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất là khả năng dự báo tốt của hệ thống đối với diễn biến của dịch bệnh, sự quyết liệt và kiên trì của Chính phủ, Thủ tướng trong thực hiện mục tiêu kép.
Đó là bảo đảm sức khỏe, cuộc sống của người dân, và duy trì, khôi phục các hoạt động kinh tế.
Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, sự phối hợp linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và tài khóa trong hỗ trợ nền kinh tế cũng góp phần quan trọng tăng sức đề kháng và khả năng chống chịu cho cả 3 khu vực kinh tế gồm nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng và dịch vụ.
Trên nền tảng này, cỗ xe "tam mã" đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng nội địa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề ra từ tháng 7/2020 đã phát huy tác dụng, được thực tế chứng minh là phù hợp với một nền kinh tế mở như Việt Nam.
Trong khi thương mại quốc tế trên cùng giai đoạn giảm 5,6% và hầu hết các đối tác thương mại lớn của nước ta suy thoái sâu, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt gần 283 tỷ trong tổng giá trị xuất nhập khẩu 545 tỷ USD, tăng 7% so với 2019.
Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu có hàm lượng giá trị gia tăng cao như điện thoại, máy móc thiết bị, máy vi tính, sản phẩm điện tử, và hoạt động xuất khẩu đang tiến tới cấp độ cao hơn trong chuỗi giá trị.
Covid-19 tạo môi trường và cơ hội cho bứt phá trong chuyển đổi số và tăng trưởng khu vực kinh tế số. Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company ước tính quy mô khu vực kinh tế số Việt Nam là 14 tỷ USD (dự báo đạt 52 tỷ USD năm 2025).
Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia duy nhất có tăng trưởng hai con số. Ở Việt Nam, ba nhóm ngành ứng dụng kỹ thuật số có bước nhảy vọt là thương mại điện tử (tăng 46%), vận tải và thực phẩm (tăng 50%), và phương tiện truyền thông trực tuyến (18%). Riêng du lịch trực tuyến giảm 28%.
VIỆT NAM HOÀN TOÀN CÓ THỂ LẬP NÊN NHỮNG KỲ TÍCH PHÁT TRIỂN MỚI NẾU...
Khi bàn về sự phát triển của Việt Nam trong chặng đường sắp tới, có nhiều chuyên gia tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể lập nên những kỳ tích phát triển mới. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Niềm tin đó là có cơ sở nếu chúng ta nhìn vào những thành tựu có tính nền tảng đã đạt được.
Chúng ta đã và đang nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang hướng ít thâm dụng lao động và ứng dụng nhiều khoa học công nghệ.
Có nhiều bước tiến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh để cải thiện môi trường đầu tư; tháo gỡ và thực hiện các giải pháp hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Lợi thế mà Việt Nam đang có là ổn định chính trị - xã hội, sức kháng cự dẻo dai của nền kinh tế trước những cuộc khủng hoảng.
Kiến tạo tạo môi trường sáng nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hình thành và phát triển; sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để đơn giản hóa quy trình tiếp nhận đầu tư nước ngoài và cải thiện môi trường kinh doanh.
Tôi cũng chia sẻ một số nhận định gần đây của HSBC cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là ngôi sao của kinh tế châu Á năm 2021.
Lợi thế mà Việt Nam đang có là ổn định chính trị - xã hội, sức kháng cự dẻo dai của nền kinh tế trước những cuộc khủng hoảng, duy trì được tăng trưởng tương đối cao trong vòng 3 thập kỷ, hội nhập thương mại quốc tế sâu rộng, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hiệu quả…
Hai động lực mới của Việt Nam, còn nhiều dư địa để phát triển, đó là khu vực kinh tế số và kinh tế gắn với biển.
Trong thế kỷ 21, các lợi thế so sánh tuyệt đối và tương đối sẽ không còn là lợi khí chủ lực đem lại sức mạnh kinh tế nữa. Một quốc gia chia sẻ giá trị toàn cầu, trách nhiệm quốc tế cao, có một môi trường kinh doanh ổn định, an toàn cho đầu tư chính là lợi thế cạnh tranh mới.
Hai động lực mới, còn nhiều dư địa để phát triển, đó là khu vực kinh tế số và kinh tế gắn với biển. Điều đó cần hướng sự tập trung vào xây dựng các hạ tầng cơ sở quan trọng hướng ra biển, và hạ tầng mềm số hóa, kết nối quốc tế.
Quốc gia nào cũng muốn thúc đẩy tăng trưởng vì về lâu dài nó giúp cải thiện đời sống của người dân. Nhưng trở thành một quốc gia đi đầu trong phát triển bền vững, lấy hạnh phúc của người dân, môi trường sống sạch và chất lượng phát triển con người để làm mục tiêu hành động mỗi ngày thì rất ít quốc gia làm được.
Trong thế kỷ 21 này các lợi thế so sánh tuyệt đối và tương đối sẽ không còn là lợi khí chủ lực đem lại sức mạnh kinh tế nữa. Một quốc gia chia sẻ giá trị toàn cầu, trách nhiệm quốc tế cao, có một môi trường kinh doanh ổn định, an toàn cho đầu tư chính là lợi thế cạnh tranh mới.
Muốn trở thành một quốc gia phát triển, có bản sắc vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày độc lập thì tâm thế phải sẵn sàng ngay từ bây giờ. Tức là phải có hành xử và nỗ lực thực thi ngay những chuẩn mực phát triển hiện đại.
Hơn nữa chúng ta phải xác định được con đường đi riêng cho mình với một tâm thế chủ động và một tư duy "nhật nhật tân, hựu nhật tân", cả kinh tế và xã hội phải đổi mới từng ngày.
THẾ GIỚI TRONG NĂM 2021 SẼ KHÔNG KHÁC NHIỀU SO VỚI 2020
Việt Nam có nền kinh tế mở, chịu tác động rất lớn từ bối cảnh thế giới, khu vực. Trong khi đó, đại dịch tiếp tục phức tạp và "hậu" đại dịch sẽ có những diễn biến khó lường. Theo ông, đâu là những thách thức quốc tế mà Việt Nam cần chú ý?
Thế giới đang ở trong giai đoạn đầy biến động về cục diện địa chính trị. Nguy cơ bất ổn và xung đột vũ trang xoay quanh các vấn đề tranh chấp chủ quyền, hạt nhân, bành trướng lãnh thổ ở nhiều khu vực. Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam cũng là một điểm nóng.
Những rối loạn này sẽ tiếp tục cho đến khi một trật tự thế giới mới được hình thành. Từ nay đến lúc đó thì thương mại và các chuỗi cung ứng toàn cầu còn chịu nhiều tác động tiêu cực.
Được dự báo có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất mới của châu Á nên Việt Nam sẽ phải có những cân đối chiến lược và điều chỉnh cán cân thương mại, một khi quan hệ kinh tế giữa các nước lớn thay đổi.
Số liệu cho thấy thương mại nước ta đang còn sự phụ thuộc lớn và có thể bị "kẹp giữa" hai nước lớn, đang đối đầu với nhau: nhập siêu với Trung Quốc (35,3 tỷ USD), xuất siêu với Mỹ (63,3 tỷ USD), với tỷ trọng trên tổng kim ngạch nhập và xuất lần lượt là 32% và 25,7%.
Triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19 cũng rất khác nhau giữa các quốc gia và rất khó hoàn thành trong năm nay. Các kịch bản kinh tế phải tính đến yếu tố này và cập nhật thường xuyên.
Theo quan sát của tôi, đối sách của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Trung Quốc sẽ không có nhiều thay đổi so với người tiền nhiệm. Nếu có chỉ là khác về cách tiếp cận vấn đề, mà không thay đổi bản chất.
Các tập đoàn, doanh nghiệp cũng đã bắt đầu ít kỳ vọng vào một sự thay đổi lớn. Với xu thế này thì trước mắt nước ta tiếp tục có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu với dòng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Một ví dụ có tính biểu tượng cao là việc tập đoàn Apple đưa dây chuyền sản xuất MacBook, Ipad, màn hình LCD… đến Việt Nam.
Thế giới trong năm 2021 sẽ không khác nhiều so với 2020. Dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp hơn, nhiều biến thể mới lây lan nhanh xuất hiện. Các quốc gia vẫn phải áp dụng phong tỏa, hạn chế di chuyển, kiểm soát biên giới, cách ly.
Triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19 cũng rất khác nhau giữa các quốc gia và rất khó hoàn thành trong năm nay. Các kịch bản kinh tế phải tính đến yếu tố này và cập nhật thường xuyên.
TIỂM ẨN RỦI RO KHI XUẤT HIỆN LỆCH PHA GIỮA KHU VỰC SẢN XUẤT VÀ TÀI SẢN
Dịch bệnh tiếp tục bùng phát ở Việt Nam. Quay trở lại thời điểm cuối 2020, nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,8 - 7% năm 2021, thậm chí có thể hơn. Đâu là những thách thức nội tại của nền kinh tế mà Việt Nam cần đặc biệt lưu ý năm mới, thưa ông?
Đây đã có thể coi là một mục tiêu tăng trưởng cao. Với tình hình bệnh dịch hiện tại thì phục hồi kinh tế của các nền kinh tế thế giới sẽ có nhiều thăng trầm cùng với các đợt bùng phát, phong tỏa.
Những thách thức nội tại trước mắt vẫn là cải thiện năng suất, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đảm bảo bền vững của tài chính công...
Các ngành du lịch, dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi các vấn đề xã hội và thất nghiệp sẽ gia tăng, đưa đến những áp lực chính sách lớn. Bối cảnh này đưa đến những khó khăn trực tiếp cho hoạt động xuất nhập khẩu, và ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước.
Những thách thức nội tại trước mắt vẫn là cải thiện năng suất, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng chiến lược tăng trưởng bền vững cho các địa phương để tăng tính tự cường cho nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt và đảm bảo bền vững của tài chính công.
Sự lệch pha giữa tăng trưởng khu vực sản xuất và giá tài sản tài chính, bất động sản trong thời gian gần đây cũng tiềm ẩn một số rủi ro như bong bóng tài sản trong môi trường lãi suất thấp.
Chúng ta cũng cần quan tâm đến quản lý xuất xứ nguồn gốc hàng hóa, và rà soát cân đối cán cân thương mại với các đối tác lớn để giảm phụ thuộc và hạn chế các xung đột lợi ích (cáo buộc bán phá giá hay thao túng tiền tệ).
ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CẦN ĐƯỢC GẮN CHẶT VỚI CÁC ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM
Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực trong việc đổi mới, sáng tạo ở Việt Nam thời gian qua? Vấn đề này nên được định hướng thế nào trong thời gian tới?
Khách quan mà nói thì Chính phủ, doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội đã có những nỗ lực rất đáng khâm phục trong suốt mấy năm qua.
Nhiều chính sách mới ra đời kiến tạo môi trường, thúc đẩy tinh thần doanh nhân, và tạo điều kiện cho các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển.
Nhiều diễn đàn công nghệ như Techfest, Vietnam Venture Summit, Vietnam Innovation Summit…đã trở thành những sân chơi và tạo mạng lưới cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo công nghệ (startups).
Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) mà tôi điều hành cũng thúc đẩy một chương trình "Việt Nam - điểm đến của đổi mới sáng tạo toàn cầu" từ đầu năm 2020, với sự kiện Vietnam Innovation Links và cuộc thi Hack 4 Growth (hơn 30 dự án vào vòng huấn luyện và chung kết, với hơn 500 người dự thi đến từ 15 quốc gia).
Nỗ lực đã được quốc tế ghi nhận. Năm 2020 là năm lần thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới thuộc Liên hợp quốc (WIPO). Việt Nam cũng dẫn đầu nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập trung bình thấp.
Bước ngoặt chính sách là sự ra đời của Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt vào tháng 6/2020. Đây là tiền đề cho xây dựng quốc gia số, kinh tế số, và xã hội số.
Đổi mới sáng tạo là một quá trình tích lũy liên tục. Trước mắt, Việt Nam nên tập trung đầu tư vào những đổi mới sáng tạo tiết kiệm (frugal innovation), để giảm chi phí, có thể ứng dụng ngay, và đem lại lợi ích kinh tế nhanh chóng.
Đổi mới sáng tạo cũng cần được định hướng để song hành và gắn chặt với các ưu tiên phát triển của Việt Nam. Cụ thể, với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững về môi trường thì các đổi mới công nghệ phục vụ chống ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu cần được ưu tiên hỗ trợ, bên cạnh trí tuệ nhân tạo và công nghệ xử lý dữ liệu lớn.
Nguyễn Mạnh (thực hiện)