Đang xác minh siêu doanh nghiệp ở Hà Nội sống 3 không suốt 4 năm

25/08/2021, 03:09

Đang xác minh siêu doanh nghiệp ở Hà Nội sống 3 không suốt 4 năm

Cụ thể, trao đổi với phóng viên Dân trí sáng 24/8, một lãnh đạo Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Hà Nội (đề nghị không nêu tên) cho biết đã nhận được thông tin về "siêu" doanh nghiệp 128.000 tỷ đồng tại Hà Nội và đang phối hợp các bên để xác minh, xử lý. 

"Chúng tôi vừa nhận được văn bản của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT gửi và yêu cầu phòng xác minh vụ việc, yêu cầu đại diện cá nhân, doanh nghiệp báo cáo về Sở", vị này nói.

Đang xác minh siêu doanh nghiệp ở Hà Nội sống 3 không suốt 4 năm - 1

Địa chỉ trên đăng ký kinh doanh của "siêu" doanh nghiệp 128.000 tỷ đồng tại Hà Nội.

Về kế hoạch xác minh, kiểm tra, vị này cho biết: "Hiện nay do dịch Covid-19 phức tạp nên Sở không lập đoàn kiểm tra thực tế, chỉ có văn bản gửi các cơ quan liên quan phối hợp thông tin".

Vị này nói, theo Quy định 09/2017 của Thành phố Hà Nội về Quy chế phối hợp kiểm tra sau đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra bao gồm đại diện Sở KH&ĐT, UBND quận Tây Hồ, Cục Thuế Hà Nội và Chi cục Thuế Tây Hồ, nơi doanh nghiệp đóng chân.

Trả lời câu hỏi tại sao đơn vị quản lý doanh nghiệp nhưng từ năm 2018 đến tháng 6/2019 và cho đến nay, Hà Nội có doanh nghiệp quy mô vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng "3 không" (Không hoạt động tại trụ sở, không doanh thu, không dùng hóa đơn thuế) mà Sở KH&ĐT, Phòng Đăng ký kinh doanh vẫn để tồn tại, lãnh đạo cơ quan đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Hà Nội cho rằng: "Theo Luật Doanh nghiệp, người đăng ký và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ hậu kiểm". Vị này cho biết thêm, doanh nghiệp đăng ký số máy cố định trên hồ sơ đăng ký kinh doanh, số đã cũ nên không liên lạc được qua điện thoại. 

Về trường hợp cá nhân góp vốn là Việt kiều, có yếu tố nước ngoài thuộc diện quản lý đặc biệt là phải có đăng ký chứng nhận đầu tư, đại diện Phòng đăng ký kinh doanh cho biết, qua rà soát thì nhận thấy doanh nghiệp có đăng ký đầu tư của phòng kinh tế đối ngoại của Sở KH&ĐT. Về nội dung này, lãnh đạo Sở sau này sẽ có ý kiến.

Vị này cho hay, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Nghị định 50/2016 của Chính phủ, doanh nghiệp nếu không góp đủ vốn theo đăng ký 90 ngày sẽ phải làm thủ tục điều chỉnh, nếu không sẽ xử phạt vi phạm hành chính.

"Hiện Luật Doanh nghiệp rất mở. Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và hoạt động, trong khi đó chế tài chưa đủ sức răn đe, đều do doanh tự đăng ký và tự điều chỉnh vốn góp", lãnh đạo Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết. "Nội dung này (siêu doanh nghiệp - PV) có từ trước rồi, phòng đang kiểm tra rà soát lại theo yêu cầu. Tôi cũng mới về nhận nhiệm vụ", ông nói. 

Lãnh đạo đơn vị thuộc Sở KH&ĐT Hà Nội khẳng định, hiện tất cả hồ sơ đăng ký kinh doanh của Hà Nội từ năm 2017 là 100% là được khai trên mạng và tất cả đều do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh quản lý.

Khi được hỏi vì sao trong gần 4 năm mà doanh nghiệp vốn "siêu khủng" trên vẫn không bị cơ quan nào cảnh báo, nguồn tin trên cho hay: "Cục Quản lý đăng ký kinh doanh có thể lấy bất kỳ hồ sơ nào ra để kiểm tra. Cho nên Cục rất hiểu và yêu cầu chúng tôi kiểm tra, xác minh".

"Hà Nội đang giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, chính vì vậy, các đoàn kiểm tra phải dừng hết. Trong văn bản mà Cục Quản lý đăng ký kinh doanh gửi Sở KH&ĐT cũng chỉ yêu cầu báo cáo, xác minh vụ việc. Về nguyên tắc không có quy định nào về thời gian hoàn tất và kết quả kiểm tra hậu kiểm về sau đăng ký kinh doanh", ông chia sẻ.

Trước đó, trao đổi nhanh với phóng viên Dân trí, ông Lê Văn Quân, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Nội đã nắm được thông tin và đang yêu cầu Phòng Đăng ký kinh doanh xác minh, xử lý vụ việc.

An Linh