Dân buôn hoa Tết lỗ méo mặt, dịch vụ rửa xe tăng giá gấp 4 lần
Dân buôn hoa Tết lỗ méo mặt, dịch vụ rửa xe tăng giá gấp 4 lần
Lỗ nặng vụ Tết
Ôm mộng đổi đời dịp cuối năm, vợ chồng anh Hà (Hà Đông, Hà Nội) vay 100 triệu đồng để nhập quất cảnh, hoa bán Tết. Nhưng đến chiều 29 Tết, anh Hà mới bán được 2/3 số cây nhập về, chưa kể giá cây cũng phải giảm từ 30 - 50%.
Quất bonsai dáng đẹp năm ngoái anh Hà bán 5 triệu đồng/cây thì năm nay giảm một nửa còn 2 - 3 triệu đồng/cây. Hoa trạng nguyên năm ngoái là 80.000 - 100.000 đồng/chậu, vào dịp Tết Tân Sửu, giá chỉ 40.000 - 60.000 đồng/chậu.
Vợ chồng anh Hà tính toán lỗ khoảng 30 triệu đồng vì ôm chỗ quất cảnh, hoa Tết. May mắn, số tiền đó anh Hà vay của bố mẹ nên không phải trả lãi, đỡ một phần gánh nặng.
Nhiều tiểu thương cùng cảnh ngộ cũng phải treo biển xả hàng gấp do dịch bệnh bùng phát trở lại. Không những thế, thời tiết ấm lên khiến các loại hoa bung nở sớm, khiến việc kinh doanh khó lại càng thêm khổ.
Một số mặt hàng hoa quả, quả điêu khắc cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các thị trường lớn như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng chấp nhận mất cọc để hủy đơn hàng. Hàng hóa cũng khó tìm đầu ra do đã cận Tết. Các tiểu thương ở tỉnh khác cũng chỉ dám nhập dè chừng vì không biết diễn biến dịch sẽ ra sao.
29 Tết đào nở đỏ ruộng, cả làng "trắng tay"
Mọi năm tại Hải Dương, từ ngày 22 - 25 tháng Chạp là hoa đào tại ruộng đã được thương lái thu mua hết. Nhưng năm nay, đến tận 29 Tết thì đào vẫn tồn rất nhiều. Các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh phải vận động cán bộ nhân viên mua đào ủng hộ người dân.
Dù giá giảm 30 - 50% so với trước, nhưng lượng tiêu thụ vẫn rất chậm. Thu nhập của các hộ trồng đào giảm từ 100 - 150 triệu đồng năm trước, về còn 20 - 50 triệu đồng vụ tết năm nay.
Những năm trước, các thương lái từ nhiều tỉnh miền Bắc đều về đây thu mua. Nhưng năm nay, Hải Dương là vùng dịch nên các thương lái hạn chế lui tới hoặc không dám nhập nhiều vì sợ diễn biến dịch khó lường.
Thời tiết mưa rét 2 - 3 ngày cuối năm càng khiến việc kinh doanh thêm ảm đạm. Nhiều người đầu tư cả nghìn gốc đào cũng chỉ đành bỏ lại ruộng chờ vụ tết năm sau.
Thương lái buôn mai bỏ cọc, chủ vườn mất Tết
Chiều 29 Tết, dọc tuyến tránh quốc lộ 1A qua tỉnh Bình Định, nhiều nhà vườn đã vận chuyển mai về để chăm sóc chuẩn bị vụ mai sang năm. Số ít người vẫn cố nán lại bán hết ngày 30 Tết để mong kiếm thêm tiền tái đầu tư cho vụ mai sang năm.
Theo người trồng mai ở An Nhơn (Bình Định), hằng năm thương lái ở các tỉnh miền Bắc như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định… ồ ạt vào mua mai về bán Tết. Tuy nhiên, năm nay tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát những ngày cuối năm, thương lái bỏ cọc nên số nhà vườn tồn đọng lượng mai khá lớn.
"Đa số thương lái ở các tỉnh miền Bắc đã bỏ cọc khi nghe tin có trường hợp mắc Covid-19 ở tỉnh Hải Dương. Họ trả cọc thì nhà vườn cũng vui vẻ thôi vì dịch bệnh chẳng ai mong muốn. Một năm kinh tế gặp khó khăn, dịch bệnh rồi thời tiết ở miền Trung năm nay cũng khắc nghiệt, mưa bão, cây mai cũng không đẹp bằng năm ngoái" - ông Tám cho hay.
Thương lái bỏ cọc nhiều, người trồng mai phải tự đứng ra bán lẻ tại đường quốc lộ. Song, so với thu nhập 200 triệu đồng năm ngoái thì người trồng mai năm nay chỉ thu lại được vỏn vẻn vài chục triệu đồng.
Trong khi, ngoài chi phí chăm cây, công chăm bón, năm nay người trồng mai còn lỗ thêm khoản chi phí thuê bãi, thuê vận chuyển và mất thêm công thức đêm trông mai.
Rửa xe Tết giá tăng gấp 4 lần
Do năm nay nhiều người đón tết tại Hà Nội, nên nhu cầu rửa xe tăng mạnh hơn hẳn. Nhiều tiệm rửa xe luôn trong tình trạng chật cứng và phải chờ đợi khá lâu. Không những vậy, giá dịch vụ cũng tăng "chóng mặt", gấp 3 - 4 lần so với ngày thường.
Tại phố Thành Thái (Cầu Giấy, Hà Nội), giá đã tăng lên tới 200.000 đồng/xe. Một số nơi còn treo sẵn biển để khách hàng biết trước giá. Tuy nhiên, do lượng xe quá lớn, nên không ít chủ xe đã phàn nàn rằng, rửa xe ngày tét không được sạch. Một số tiệm làm qua loa để phục vụ được nhiều xe hơn.
Thế Hưng