Chỉ hơn 15 phút, ông Phạm Nhật Vượng bất ngờ có thêm 13.000 tỷ đồng
Chỉ hơn 15 phút, ông Phạm Nhật Vượng bất ngờ có thêm 13.000 tỷ đồng
"Kỳ tích" ATC
Vẫn là những diễn biến gay cấn, đầy bất ngờ trong những phiên giao dịch đáo hạn phái sinh. Đầu phiên sáng, sự thận trọng của giới đầu tư khiến áp lực chốt lời gia tăng. Việc bảo toàn thành quả đầu tư, hiện thực hóa lợi nhuận là tâm lý dễ hiểu.
Gần như suốt phiên sáng, thị trường ở xu hướng giảm và khi chỉ số đánh mất mốc 1.360 điểm, nhiều nhà đầu tư đã tính đến tình huống VN-Index có thể lùi về 1.330 điểm. Tuy nhiên, chưa tới ngưỡng hỗ trợ 1.350 điểm thì VN-Index đã bật lên.
Thực tế lúc này, trên thị trường phái sinh, giá hợp đồng VN30F2108 vẫn luôn duy trì chênh lệch so với VN30-Index với basis dương, có lúc chênh lệch giữa phái sinh và cơ sở nới rộng tới hơn 8 điểm. Kỳ vọng của nhà đầu tư với sự hồi phục của thị trường rõ ràng là rất lớn.
Nhờ lực kéo của VN30-Index, đặc biệt là ở những mã trụ cột đã giúp VN-Index đảo chiều ngoạn mục trong phiên chiều. Từ trạng thái giảm điểm, chỉ mất ít phút, các mã trụ đã kéo VN-Index tăng.
Đợt giao dịch xác định giá đóng cửa (ATC), bên mua "đánh thốc" đưa VN-Index vọt tăng 13,91 điểm, đóng cửa tăng 1,02% lên 1.374,85 điểm trong sự ngỡ ngàng của phần lớn giới đầu tư. VN30-Index tăng 15,47 điểm tương ứng 1,04% lên 1.505,01 điểm.
Trong khi đó, HNX-Index cũng cộng hưởng tăng 1,25 điểm tương ứng 0,36% lên 346,07 điểm; UPCoM-Index tăng 0,23 điểm tương ứng 0,24% lên 94,71 điểm.
Một phiên giao dịch vỡ òa với bên "ôm" cổ phiếu và cũng đầy tiếc nuối với những người đã sớm bán khi VN-Index về sát 1.350 điểm.
"Công thần" của phiên giao dịch này chính là VIC. Cổ phiếu Vingroup tăng rất mạnh ở ít phút cuối phiên chiều, tăng 6.100 đồng tương ứng 6,2% lên 104.000 đồng và đóng góp tới 5,5 điểm trong mức tăng chung của VN-Index. Mức giá đóng cửa của VIC cũng là mức giá cao nhất phiên của cổ phiếu này.
Với mức tăng rất mạnh của VIC, chỉ trong vòng ít phút, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup tăng thêm 13.151 tỷ đồng. Sau khi chia cổ tức, tổng khối lượng cổ phiếu mà ông Vượng nắm giữ (trực tiếp và gián tiếp) tại Vingroup đạt 2,16 tỷ đơn vị.
VCB đóng góp 1,79 điểm; GVR đóng góp 1,34 điểm. VHM cũng thoát tình trạng bị xả hàng mạnh, tăng lên 111.000 đồng, đóng góp gần 0,9 điểm cho chỉ số chính.
Cổ phiếu ngành chứng khoán tiếp tục "bung nóc"
Tuy mức tăng mạnh có công lớn ở "trụ" nhưng xét trên quy mô toàn thị trường, sắc xanh vẫn áp đảo với 511 mã tăng giá, 65 mã tăng trần so với 359 mã giảm, 14 mã giảm sàn. Điều đó có nghĩa là về cơ bản, đà tăng vẫn lan tỏa trên thị trường.
Trong rổ VN30, nhiều mã tăng tốt, có thể kể đến SSI tăng 4,2%; GVR tăng 3,3%; VCB tăng 1,8%; VJC tăng 1,7%; SAB tăng 1,4%; MSN tăng 1,3%.
Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán vẫn giao dịch rất "khỏe". Nhiều mã trong nhóm này tiếp tục tăng trần miệt mài, có thể kể đến HBS, CTS, APG, VIX. AGR cũng "lộ trần" với mức tăng đạt 6,3%; ART tăng 5,1%; APS tăng 5%; IVS tăng 4,9%; AAS tăng 3,4%; VDS tăng 3,1%; SBS tăng 2,6%; BSI tăng 2,5%; BVS tăng 1,9%...
Nhiều mã cổ phiếu bất động sản, xây dựng vẫn tiếp tục hút dòng tiền. Ở phiên này, NBB, TLD tăng trần, DRH tăng 3,3%; DIG tăng 2,4%; SZC tăng 1,9%; CII tăng 3,7%; HBC tăng 2,6%; HT1 tăng 2,6%...
Trong khi đó, dòng ngân hàng vẫn chưa thể trở lại đường đua. Hầu hết cổ phiếu giảm giá ngoại trừ một số mã tăng như TCB, HDB, VPB, TCB.
Thanh khoản thị trường ở mức cao với tổng giá trị giao dịch đạt 35.339,19 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Trong đó, khớp lệnh trên HSX đạt 728,17 triệu cổ phiếu tương ứng 25.510,97 tỷ đồng; trên HNX đạt 152,36 triệu cổ phiếu tương ứng 3.662,78 tỷ đồng và trên UPCoM là 96,7 triệu cổ phiếu tương ứng 2.014,48 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại hôm nay phần nào bớt tiêu cực hơn nhưng khối này vẫn bán ròng hơn 511 tỷ đồng, trong đó, bán ròng 749 tỷ đồng trên HSX. Tâm điểm bán ròng của khối ngoại là các bluechips như SSI, NVL, VIC, GAS, VNM, GMD. Yếu tố bất ngờ chính là VHM khi khối ngoại đảo chiều mua ròng lên tới 237 tỷ đồng.
Mai Chi