Bị Covid-19 bủa vây, khả năng chống chịu có hạn, doanh nghiệp đang cần gì?
Bị Covid-19 bủa vây, khả năng chống chịu có hạn, doanh nghiệp đang cần gì?
Khả năng chống chịu của doanh nghiệp dù kiên cường nhưng có hạn
Theo báo cáo Triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được công bố cuối tháng 4 vừa qua, năm 2021 dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 6,7% và đến tháng 4/2022 là 7%. Tuy nhiên, ngay trong tháng 5 dịch Covid-19 lại tái bùng phát tại Việt Nam với số ca nhiễm tăng kỷ lục.
Tại tọa đàm "Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế" vừa diễn ra, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, dự báo của nhiều tổ chức đưa ra trước khi dịch bùng phát trở lại rất khó đạt được kỳ vọng, quá trình phục hồi tăng trưởng sẽ khó khăn hơn.
"Chúng ta đã rất thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép trong năm 2020. Nhưng hiện nay bối cảnh sẽ khó khăn hơn. Trong khi đó dư địa của chính sách tài khóa tiền tệ của chúng ta bị thu hẹp lại sau một thời gian chúng ta tích lũy nguồn lực đã phải dùng cho chống chịu, ứng phó với Covid-19" - ông Lộc nói.
Theo Chủ tịch VCCI, các doanh nghiệp của chúng ta đã chống chịu hết sức kiên cường từ năm 2020, nhưng phải nói rằng khả năng chống chịu là có hạn.
"Chúng ta ưu tiên phòng chống dịch bệnh và vẫn phải phát triển kinh tế, lo sinh kế của người dân là vô cùng quan trọng. Đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc, sự đồng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị" - ông Lộc nhấn mạnh.
Thực tế, nhiều chỉ số kinh tế được công bố vừa qua cũng cho thấy nhiều lo ngại xuất hiện. Theo số liệu của Cục Đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm nay đạt gần 55.800 doanh nghiệp.
Mặc dù đây là số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong giai đoạn 5 tháng đầu năm từ trước đến nay, song số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại đạt gần 60.000 doanh nghiệp, cao hơn số doanh nghiệp mới thành lập. Tính trung bình, mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy luật thị trường có sinh có tử và hiện tượng rút lui khỏi thị trường là bình thường, song rút lui ở mức độ quy mô lớn, lớn hơn cả số doanh nghiệp thành lập mới trong một kỳ quan sát như vậy là điều rất đáng lo ngại. Theo đó, cần được xem xét kỹ lưỡng các lý do, lĩnh vực bị tác động chính để có hướng hỗ trợ.
Ổn định môi trường kinh doanh, chính sách thuế cần được nghiên cứu cẩn trọng
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn dồn dập vì Covid-19 hiện nay, bên cạnh việc thực hiện các chính sách tài khóa theo hướng miễn giảm và gia hạn các loại thuế, phí, lãi suất vốn vay…, nhiều chuyên gia tiếp tục nhấn mạnh đến yếu tố ổn định chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Vấn đề tưởng chừng như không có gì mới, song lại vô cùng cần thiết với doanh nghiệp hiện nay.
Thời điểm hiện tại đang rất nhạy cảm đối với các doanh nghiệp, chính vì vậy với bất kỳ chính sách nào cân nhắc ban hành cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng, đánh giá tác động toàn diện đối với doanh nghiệp và cần phải tuân thủ đầy đủ quy trình xây dựng luật.
Trao đổi với PV Dân trí, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - cho biết, doanh nghiệp đang phải gồng mình lên để đối diện với nỗi lo sức cầu giảm. Đây là lo lắng, quan tâm hàng đầu của nhiều doanh nghiệp.
Theo vị chuyên gia, tăng trưởng tổng tiêu dùng xã hội sẽ bị kìm giữ, thậm chí nhiều địa phương còn kém đi khi buộc phải phong tỏa, giãn cách do dịch quá căng thẳng. Nguyên nhân một phần do thu nhập người dân giảm sút, người dân cũng lo tích cóp để dự phòng rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh nên hạn chế chi tiêu.
"Tiêu dùng giảm sẽ tác động đến hoạt động sản xuất tiêu dùng kinh doanh. Sản xuất trong nước sẽ khó khăn hơn. Còn nếu chỉ trông chờ vào xuất khẩu thì đâu có ăn thua, chưa kể xuất khẩu lại phụ thuộc quá nhiều vào FDI" - ông Thịnh nhấn mạnh.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho biết, vừa qua Chính phủ đã có nhiều động thái hỗ trợ doanh nghiệp như việc ban hành Nghị định số 52 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, doanh nghiệp cũng rất cần một môi trường ổn định với những chính sách dài hơi, đặc biệt các chính sách liên quan đến thuế. Việc xây dựng ban hành luật, quy định, chính sách trong bối cảnh mới là cần thiết song phải lưu ý sự phù hợp những biến động xã hội. Trong quá trình nghiên cứu cần cẩn trọng, nghiêm túc tuân thủ quy trình xây dựng luật, đặc biệt là thời điểm doanh nghiệp vô cùng khó khăn như hiện nay.
"Covid-19 đã kéo dài sang năm thứ 2. Rõ ràng, việc xây dựng các luật, đặc biệt luật về thuế phải cẩn trọng tỉ mỉ, vừa cụ thể thận trọng, vừa phù hợp thực tiễn. Chú trọng lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Đây là những vấn đề mang tính lâu dài cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với Việt Nam và thông lệ quốc tế. Cũng cần xây dựng trên nền tảng áp dụng trong thời gian lâu dài nhưng có khả năng dự báo trước sự thay đổi" - ông Thịnh nhấn mạnh.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh sẽ vẫn được soạn thảo và chiếm số lượng đáng kể trong hệ thống văn bản mà cơ quan Nhà nước xây dựng, do đó việc huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào quy trình này sẽ góp phần đảm bảo chính sách trở thành động lực phát triển của cộng đồng kinh doanh.
Đại diện VCCI đã có một số đề xuất như: Nâng cao năng lực của các hiệp hội trong hoạt động góp ý và phản biện chính sách; tăng cường tính minh bạch thực chất của hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng cơ chế để nâng cao tính trách nhiệm và tính chịu trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo chính sách; tăng cường nguồn lực cho các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật….; có cơ chế thu hút mạnh mẽ hơn sự tham gia của xã hội, người dân, các nhà khoa học, doanh nghiệp vào quá trình xây dựng pháp luật…
Đặc biệt, để hạn chế những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chính sách mới, một chuyên gia nhấn mạnh: Cần phải tuân thủ đúng quy trình ban hành văn bản, trong đó quy trình lấy ý kiến đối tượng bị tác động cần được thực hiện một cách nghiêm túc, cẩn trọng. Ngoài việc đăng tải công khai trên website còn cần lấy ý kiến thông qua các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn…
Làm tốt việc lấy ý kiến các đối tượng có liên quan
Ngày 25/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã cuộc làm việc với Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành.
Tại cuộc họp, Thủ tướng lưu ý cần làm tốt việc lấy ý kiến các đối tượng có liên quan, bị tác động khi xây dựng pháp luật, quy định ban hành tối qua mà sáng nay thấy bất cập rõ ràng thì cũng phải sửa, không cứng nhắc".
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác xây dựng pháp luật trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược với tinh thần phải rút ngắn quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật.
"Những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội" - Thủ tướng nêu rõ.
Nguyễn Mạnh