Xây tổ đại bàng: Quan trọng sân chơi, không nên phân biệt lớn hay nhỏ

14/06/2021, 03:07

Xây tổ đại bàng: Quan trọng sân chơi, không nên phân biệt lớn hay nhỏ

Trước đây có thời kỳ chúng ta ưu tiên số 1 là doanh nghiệp Nhà nước, sau đó là FDI… Bây giờ nên tạo ra sân chơi bình đẳng đúng nghĩa.

Đó là quan điểm của TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - khi trao đổi với Dân trí. Theo ông, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trước đến nay vô cùng khó khăn, điều họ cần là một môi trường bình đẳng để có cơ hội cạnh tranh và phát triển.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 10 năm, kế hoạch 5 năm tới đã được đưa ra, đưa nền kinh tế bước sang một giai đoạn mới. Ông nhận định như thế nào về những thách thức của nền kinh tế trong bối cảnh mới?

Bối cảnh mới ở đây có lẽ không thể không nhắc đại dịch Covid-19, điều mà cả thế giới không ai ngờ là nó xảy ra. Covid-19 khiến bối cảnh thế giới thay đổi.

Còn có những quan điểm khác nhau nhưng một điều chắc chắn rằng kinh tế toàn cầu sau đại dịch sẽ rất khác so với trước đây. Trong đó, các hoạt động, hình thái kinh tế, giao tiếp kinh tế... đều khác rất nhiều và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Xây tổ đại bàng: Quan trọng sân chơi, không nên phân biệt lớn hay nhỏ - 1

Bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam đã khác giai đoạn trước rất nhiều. Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt mức tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tiếp.

Song phải nói thêm, nhiều lợi thế của Việt Nam đã được khai thác, việc cần làm của nền kinh tế bây giờ là phải nâng giá trị gia tăng, phát triển bề sâu, đưa tri thức vào sản phẩm kinh tế cao hơn. Giáo dục, đổi mới sáng tạo… sẽ là những động lực tăng trưởng mới của Việt Nam.

Như ông đề cập, Việt Nam đã rất thành công trong thu hút FDI những năm qua. Quả thực Việt Nam đã đón khá nhiều "ông lớn" FDI và nhiều "ông lớn" đã đầu tư cũng có ý định mở rộng ngay trong đại dịch. Việt Nam cũng rất kỳ vọng vào sự dịch chuyển chuỗi cung ứng mà Covid-19 là yếu tố thúc đẩy quá trình này diễn ra mạnh hơn. Ông có nghĩ đó là điều nền kinh tế rất mong chờ lúc này?

Trước đây, Trung Quốc là quốc gia có sức hút lớn đối với các doanh nghiệp trên thế giới. Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất toàn cầu dịch chuyển sản xuất, chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc hoặc thực hiện chiến lược "Trung Quốc +1" thì Việt Nam được đánh giá hưởng lợi. Covid-19 như yếu tố thúc đẩy quá trình đó xảy ra nhanh hơn.

Xây tổ đại bàng: Quan trọng sân chơi, không nên phân biệt lớn hay nhỏ - 2

Nhưng phải nhấn mạnh rằng khi dịch chuyển khỏi Trung Quốc thì các tập đoàn, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn khác ngoài Việt Nam, sự cạnh tranh là rất mạnh mẽ. Đừng vội mừng hay quá kỳ vọng!

Hơn nữa, quá trình dịch chuyển cũng không phải chuyện một sớm một chiều. Với một nhà máy tỷ USD thì dù doanh nghiệp dù có quyết dịch chuyển cũng mất rất nhiều thời gian. Đó không phải là câu chuyện chỉ trong vài ngày, vài tháng… Nó có thể diễn ra trong rất nhiều năm.

Như tôi đã nói, nền kinh tế Việt Nam thực tế đã cực kỳ thành công trong thu hút FDI rồi. Vấn đề của chúng ta bây giờ và tương lai là tạo ra giá trị giá tăng cao hơn. Điều này muốn có được thì nội lực là rất quan trọng.

Chúng ta đã xác định rõ chủ trương phát huy năng lực nội địa, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Trong một vài năm trở lại đây, ông có nhận thấy sự chuyển biến tích cực nào?

Thực tế là có sự chuyển biến rất đáng kể, tích cực. Doanh nghiệp tư nhân trong nước đã phát huy vai trò, sự lớn mạnh của họ thấy rõ. Chiến lược phát triển kinh tế tư nhân cũng rõ ràng hơn rất nhiều.

Chúng ta thấy có hệ thống một số doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp được gọi là "sếu đầu đàn". Và một điều rất quan trọng nữa đó là nhiều doanh nghiệp nội đã chú trọng vào việc thu hút nhân tài, có cơ chế tốt để làm điều đó.

Muốn thành công, muốn phát triển thì không thể bỏ qua việc thu hút người tài. Nhiều doanh nghiệp Việt đang chạy đua với cuộc đua đó, họ có cơ chế để thu hút. Không ít nhân tài từ nước ngoài đã chuyển về Việt Nam làm việc.

Nhưng cũng phải nhìn thực tế doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, những tập đoàn đa quốc gia chỉ là một con số còn rất nhỏ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp rất lớn nhưng tham gia quá nhiều lĩnh vực, chỉ sau một thời gian ngắn đã thay đổi chiến lược. Dấu hiệu tích cực về sự linh hoạt cũng có nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhìn chung, khu vực kinh tế tư nhân còn khiêm tốn, chưa đến 1 triệu doanh nghiệp. Quy mô doanh nghiệp cũng còn nhỏ, đóng góp vào nền kinh tế còn rất nhỏ bé. Vấn đề của doanh nghiệp Việt là khá nhiều, trong đó có vấn đề môi trường kinh doanh, cơ chế, năng lực đổi mới sáng tạo…

Xây tổ đại bàng: Quan trọng sân chơi, không nên phân biệt lớn hay nhỏ - 3

Việt Nam đã phát động chương trình Make in Vietnam. Chiến lược được sự đón nhận từ phía doanh nghiệp. Có ý kiến cho rằng nguồn lực trong nước nhiều, đủ để chúng ta hoàn toàn có thể tự lực tự cường. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

Để vượt lên được nhóm thành công thì cần xây dựng được nền tảng, sản xuất chế tạo, sáng tạo ra những sản phẩm những công nghệ, cách làm mới.

Nhìn chung chiến lược tiềm năng nhưng vô cùng thách thức với Việt Nam. Vấn đề của Việt Nam hiện nay là nằm ở hệ thống giáo dục, thể chế, đổi mới sáng tạo.

Việc quan trọng cần làm bây giờ nữa đó là tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp. Không nên phân biệt doanh nghiệp nội hay ngoại. Trước đây có thời kỳ chúng ta ưu tiên số 1 là doanh nghiệp Nhà nước, sau đó là FDI… Bây giờ nên tạo ra sân chơi bình đẳng đúng nghĩa.

Nhiệm vụ của nhà nước là tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp có thể cạnh tranh với hệ thống chính sách, quy định, tiêu chí rõ ràng, minh bạch. Luật Doanh nghiệp đó, tất cả đều phải tuân thủ.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trước nay vô cùng khó khăn rồi, điều họ cần là một môi trường bình đẳng để có cơ hội cạnh tranh và phát triển.

Tuy nhiên cũng phải nói thêm, nhiều quan điểm quá coi trọng việc tập trung vào phát triển doanh nghiệp lớn hay ngược lại cần phải hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.

Tôi thì cho rằng không nên phân biệt lớn, nhỏ ở đây. Điều quan trọng theo tôi vẫn là tạo môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng để mọi doanh nghiệp đều tìm kiếm được cơ hội phát triển.

Thời gian tới việc đẩy mạnh phát huy nội lực, chắp cánh "đại bàng" nội nên theo hướng nào, tập trung những vấn đề gì, thưa ông?

Tôi thấy có một số vấn đề lớn hiện nay cần lưu tâm, đó là: Xây dựng tốt hệ thống giáo dục, khuyến khích khả năng đổi mới sáng tạo và đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin.

Doanh nghiệp khi có nguồn nhân lực tốt họ sẽ tự biết phải khai thác các lợi thế và tận dụng mọi thứ thế nào để xã hội tốt lên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giáo dục chính là yếu tố cốt lõi. Khi có nền giáo dục tốt thì mọi thứ sẽ phát triển tốt hơn.

Nền kinh tế sẽ còn rủi ro khi dịch bùng phát bất kỳ lúc nào, do vậy việc tiêm vắc xin là vấn đề then chốt cho kinh tế nói chung và các doanh nghiệp hiện nay.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Bài viết: Nguyễn Mạnh
Thiết kế: Khương Hiền