Vụ mì Hảo Hảo bị thu hồi tại châu Âu: Hiểu sao cho đúng?
Vụ mì Hảo Hảo bị thu hồi tại châu Âu: Hiểu sao cho đúng?
Thu hồi chỉ áp dụng với đúng lô vi phạm
Thông tin một số nước ở châu Âu quyết định thu hồi một số lô sản phẩm mì Hảo Hảo, miến của Acecook do có chất ethylene oxide gây sự chú ý của dư luận gần đây.
Theo Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI), mặc dù việc tiêu thụ sản phẩm có chứa chất này không gây nguy hiểm ngay nhưng sẽ có vấn đề về sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài. Khuyến cáo được đưa ra là cần hạn chế tối đa với việc tiếp xúc với chất trên.
Trao đổi với Dân trí, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Latvia) đã có những chia sẻ đáng chú ý xung quanh những vụ việc này.
Theo bà Thúy, các nước EU có quy định rất chặt chẽ và có hệ thống cảnh báo nhanh. Việc kiểm tra được tiến hành nhiều, liên tục nên việc phát hiện cũng nhiều. Sau khi đã phát hiện có vi phạm thì càng tăng cường kiểm tra. Không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà nhiều nước cũng bị cảnh báo.
Cụ thể từ đầu năm, riêng FSAI đã đăng trên website chính thức 56 cảnh báo thu hồi thực phẩm và đồ uống trên toàn lãnh thổ Ireland. Trong đó, chỉ có một cảnh báo ngày 20/8 thu hồi một số sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo và miến ăn liền Good do Acecook Việt Nam sản xuất. Thông báo chỉ rõ sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo cần thu hồi có hạn sử dụng 24/9/2022 và miến Good có thời hạn 10/11/2022.
"Việc phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm này có thể qua kiểm tra ngẫu nhiên. Tuy nhiên, một khi đã vi phạm thì sau này, mặt hàng này sẽ bị tăng tần suất kiểm tra", bà Thúy nói.
Bà Thúy khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa sang thị trường EU cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của thị trường. Bởi khi vi phạm không chỉ làm ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của hàng hóa Việt Nam. Đối với sản phẩm, hàng hóa xuất xứ Việt Nam khi xuất sang EU, phía bạn đã có hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết. Các Thương vụ cũng hướng dẫn và thường xuyên cảnh báo cho doanh nghiệp Việt.
Cảnh báo là cần thiết, nhưng đừng làm quá
Bà Thúy nhấn mạnh thêm, việc sản phẩm có quá hàm lượng các chất cấm không chỉ xảy ra với sản phẩm của doanh nghiệp Việt mà nhiều quốc gia khác cũng mắc phải trường hợp tương tự, kể cả các nước trong EU cũng bị phát hiện thường xuyên.
"Do vậy, việc cảnh báo với doanh nghiệp là cần thiết, nhưng nếu làm quá có thể gây tổn hại cho chính hàng xuất khẩu của Việt Nam", bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cũng nói thêm: Không phải một lô hàng vi phạm là sản phẩm của doanh nghiệp có vấn đề hết.
Ngoài ra, theo bà Thúy, việc thu hồi cũng chỉ diễn ra đối với lô bị phát hiện vi phạm. Cũng giống như các hãng xe bộ phận nào có lỗi họ sẽ thu hồi chỉ bộ phận đó.
Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Công sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh cũng cho biết, cảnh báo nói trên không phải là một quyết định hành pháp mà chỉ là cảnh báo cấp độ 2. Trong những trường hợp như vậy, nhà phân phối tại Ireland sẽ dừng bán và thông báo tại các điểm bán hàng về việc thu hồi sản phẩm đã bán. Người tiêu dùng có thể trả lại sản phẩm đã mua và được hoàn lại tiền theo hóa đơn.
"Cảnh báo nói trên không có nghĩa là tất cả sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good bị cấm bán hay buộc phải tiêu hủy tại Ireland. Nhà phân phối không bị phạt hay bị buộc phải đóng cửa", ông Nguyễn Cảnh Cường chia sẻ thêm.
Chất ethylene oxide không được phép sử dụng làm thuốc trừ sâu trên cây trồng nhưng trên thực tế vẫn được sử dụng để bảo quản nông phẩm (diệt côn trùng) sau thu hoạch trong giới hạn cho phép theo Luật An toàn thực phẩm EU.
Cụ thể là dưới 100 ppm (115mg/m3) đối với kho hành (store for onion) và dưới 50 ppm (57,5 mg/m3) đối với kho khoai tây (store for potato).
Chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm phải có hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn EU không chỉ đối với quy trình sản xuất - kinh doanh nội bộ mà còn phải có giải pháp hữu hiệu đảm bảo mọi nguồn nguyên liệu cung cấp từ bên ngoài không chứa các chất tồn dư bị cấm.
Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cũng không thể trả lời "các nhà cung cấp nguyên liệu đã cam kết..." khi sản phẩm không đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, kể từ đầu năm nay, Cục Tiêu chuẩn thực phẩm Anh quốc đã đăng 58 cảnh báo thu hồi thực phẩm và đồ uống trên toàn lãnh thổ nhưng chưa có trường hợp nào liên quan đến sản phẩm có xuất xứ Việt Nam. Mì Hảo Hảo hiện vẫn được bày bán tại London.
Nguyễn Mạnh