Vì sao thịt heo vẫn bán giá trên trời, có phải dân buôn… ăn dày?
Vì sao thịt heo vẫn bán giá trên trời, có phải dân buôn… ăn dày?
Heo hơi rất rẻ nhưng thịt lại... rất đắt
Ông Thắng, một người chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai cho biết, ông vừa bán một đàn heo với giá 55.000 đồng/kg, đây là giá heo hơi thấp nhất trong 3 tháng qua.
"Đầu tháng 6, giá heo hơi vẫn ở mức 69.000 - 70.000 đồng/kg nhưng khi dịch bùng phát mạnh thì giá heo hơi giảm dần. Đến tháng 8, mỗi ký heo hơi đã giảm 15.000 đồng so với trước" - ông Thắng nói.
Không chỉ ở Đồng Nai, giá heo hơi tại các tỉnh như Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu… cũng giảm mạnh.
Trong khi đó, thịt heo bán lẻ tại các siêu thị và các cửa hàng tiện lợi tại TPHCM vẫn có giá cao ngất ngưởng. Cụ thể, thịt đùi heo được bán với giá từ 140.000 -150.000 đồng/kg, nạc dăm 160.000 đồng/kg, thịt cốt lết 150.000 đồng/kg, sườn non 240.000 đồng/kg…
Giá thịt heo của các điểm kinh doanh online cũng tương đương với siêu thị, dù chi phí vận hành thấp hơn.
Chị Dương Hoa, chủ một điểm kinh doanh thịt heo online tại Tân Bình, chia sẻ chị đang nhập thịt heo mảnh với giá 95.000 đồng/kg. Sau khi lóc thịt, chị bán lẻ với giá từ 120.000 - 160.000 đồng/kg. Mỗi ngày, chị bán qua mạng khoảng 80 - 90 kg.
Bà Lưu Thị Bảy (quận 3) kể những ngày dịch bệnh, gia đình bà vẫn phải mua thịt heo với giá rất đắt đỏ, trong khi thu nhập của cả nhà đều bị sụt giảm.
Bà Bảy cho rằng, giới kinh doanh thịt heo đang "ăn dày", bởi giá heo hơi giảm mạnh nhưng giá bán lẻ lại không giảm.
"Dịch bệnh, người kinh doanh có nhiều chi phí phát sinh nhưng theo tôi là không nhiều đến thế. Bởi, khi thịt heo hơi 70.000 đồng/kg thì thịt đùi giá 110.000 đồng/kg nhưng đến khi thịt heo hơi giảm còn 55.000 đồng/kg thì thịt đùi lại có giá 150.000 đồng/kg" - bà Bảy dẫn chứng.
Vì sao thịt heo có giá "trên trời"?
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai - thừa nhận, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh đã xuống mức 55.000 - 58.000 đồng/kg nhưng giá thịt heo bán lẻ tại Đồng Nai và TPHCM vẫn còn ở mức rất cao.
Theo ông Công, nguyên nhân giá thịt heo vẫn ở "trên trời" là do khâu phân phối bị ảnh hưởng nặng nề, hàng trăm khu chợ truyền thống phải tạm đóng cửa, trong khi các siêu thị chỉ đáp ứng được 35 - 40% nhu cầu thịt heo của người dân.
Việc lưu thông, vận chuyển thịt heo cũng gặp nhiều khó khăn, các thương lái phải qua nhiều bước trung gian hơn và tốn nhiều chi phí hơn so với trước. Với chi phí phát sinh, thương lái buộc phải cộng thêm những khoản tiền này vào giá bán cho người tiêu dùng. Điều này khiến giá thịt heo vẫn "neo" ở mức cao dù giá heo hơi đã giảm sâu.
"Với giá heo hơi như hiện nay thì giá bán lẻ thịt heo khoảng 100.000 - 110.000 đồng/kg là người kinh doanh đã có lợi nhuận ổn định. Tuy nhiên, dịch bệnh phức tạp, chi phí phát sinh lớn đã khiến giá thịt heo chưa thể giảm", ông Công nói.
Còn theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, ngày bình thường thị trường TPHCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo/ngày. Tuy nhiên, khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì lượng thịt heo về thành phố giảm mạnh. Mỗi ngày, thành phố chỉ tiêu thụ khoảng 5.000 - 6.000 con.
Ông Phương nhận định, giá heo hơi giảm mạnh nhưng giá thịt heo bán lẻ vẫn còn cao là do chi phí phát sinh của các đơn vị phân phối quá lớn. Chi phí xăng dầu, chi phí phòng chống dịch và chi phí vận hành điểm bán tăng khiến giá thịt heo cũng tăng theo.
"Các điểm phân phối thịt heo có F0 đến thì phải tạm đóng cửa, nhân viên phải cách ly, điểm bán phải khử khuẩn. Một số nhân viên khác nằm trong vùng phong tỏa, không thể đi làm, buộc doanh nghiệp phải tuyển thêm người mới. Ngoài ra, tài xế vận chuyển thịt heo cũng thiếu trầm trọng vì tài xế ngại đi làm mùa dịch.
Các đơn vị phải tuyển thêm nhân sự liên tục, trả tiền làm ngoài giờ, trả tiền xét nghiệm Covid-19, mua bảo hiểm cho nhân viên... Những chi phí này khiến cho giá thịt heo vẫn ở mức cao", ông Phương nói.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, khi các chợ truyền thống mở cửa bình thường lại, các thương lái hoạt động rầm rộ thì giá thịt heo sẽ phải giảm theo đúng quy luật của thị trường.
Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai - cho rằng, trong tương lai, Việt Nam cần có chiến lược quốc gia về dự trữ thịt heo và các loại thực phẩm khác, bởi nhiều nước trên thế giới đã thực hiện dự trữ thực phẩm thiết yếu trong 5 - 6 tháng nhằm đối phó với các kịch bản dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu…
Việc xây dựng chiến lược dự trữ cần có sự chủ trì của Nhà nước, Chính phủ và sự góp sức của nhiều thành phần trong xã hội. Các doanh nghiệp cũng sẽ chung tay vào chiến lược dự trữ thực phẩm này.
Đại Việt