Trung Quốc ăn hàng, đặc sản Việt Nam tăng giá kỷ lục
Trung Quốc ăn hàng, đặc sản Việt Nam tăng giá kỷ lục
Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt xuất khẩu với 64,7% thị phần. Cụ thể, quý I, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 610,8 triệu USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo này cũng nêu rõ, 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng trái cây là thế mạnh của Việt Nam đều khởi sắc. Đơn cử, xuất khẩu xoài đạt 125,2 triệu USD, tăng 30,6%; xuất khẩu chuối đạt 80 triệu USD, tăng 35,2%; xuất khẩu mít thu về 57,6 triệu USD, tăng tới 63,8%; xuất khẩu thanh long đạt gần 330 triệu USD, tăng 3,2%...
Xuất khẩu sôi động kéo theo nhiều loại trái cây trong nước tăng mạnh. Ví như, tại nhiều địa phương ở Quảng Nam, vụ thu hoạch dứa này không chỉ được mùa mà loại quả này còn được thương lái thu mua với giá cao, dao động từ 8.000-10.000 đồng/kg, gần gấp đôi giá dứa các năm trước. Vậy nên, dù mới đầu vụ thu hoạch các hộ nông dân trồng dứa đã có lãi lớn.
Đáng chú ý, để tránh rủi ro giá giảm khi nguồn cung dồi dào, vài năm trở lại đây người dân tại Quảng Nam thực hiện canh tác theo hình thức rải vụ. Nhờ đó, mùa dứa tại địa phương này không thu hoạch ồ ạt một lần, tránh ứ đọng mà kéo dài liên tục cho đến hết mùa hè.
Tại vùng Đồng Tháp Mười (Tân Phước, Tiền Giang), nông dân hết sức phấn khởi trước niềm vui dứa trúng giá, bội thu.
Hiện dứa tại vùng này được thương lái thu mua tận ruộng giá khoảng 9.000 đồng/kg, tăng hơn 500 đồng/kg so với tháng trước. Với năng suất bình quân 20 tấn/ha, 1 ha dứa nông dân thu được 180 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi không dưới 100 triệu đồng/ha.
Ông Võ Văn Bằng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Phước - cho biết: Địa phương đã xây dựng được vùng dứa chuyên canh phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu trên 15.000 ha, cho sản lượng thu hoạch mỗi năm khoảng 300.000 tấn quả. Theo ông, giá dứa gần đây có xu hướng tăng khá đã giúp mang lại nguồn lợi lớn cho nông dân miền đất mới.
Tương tự, tại Tiền Giang, tháng 4 là thời điểm vụ nghịch thanh long. Theo đó, thanh long ruột đỏ hiện được thương lái thu mua tại vườn với giá khoảng 25.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân lãi trên 15.000 đồng/kg.
Một số loại trái cây khác như sầu riêng ở Tiền Giang đang vào vụ nghịch, nguồn cung hạn chế nên giá ở mức cao. Hay như xoài tại các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp,... đang vào vụ thu hoạch, nhu cầu tiêu thụ tăng cao đẩy giá xoài tăng đáng kể so với thời gian trước. Giá bưởi da xanh tăng trở lại tại nhiều địa phương so với cuối tháng 3.
Thời điểm này, giá dừa khô phục vụ chế biến và dừa tươi dành cho nhu cầu giải khát tăng mạnh lên mức 80.000-110.000 đồng/chục quả.
Nhà vườn cho biết, đây là mức giá cao nhất trong một năm qua. Lý do là bởi những tháng khô hạn ảnh hưởng tới năng suất thấp, còn dịp này cung vượt cung dẫn đến giá tăng.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Dừa tỉnh Bến Tre Trần Anh Tuấn cho rằng, giá dừa thay đổi là biến động của thị trường thế giới. Do thiếu dừa trên toàn thế giới nên có lúc giá dừa từ 70.000 đồng tăng lên 130.000 đồng/chục quả, từ đó đem lại nguồn thu nhập cho nông dân rất khá, ông cho hay.
Theo Tâm An
VietNamNet