Trạm thu phí BOT đi lạc: Nhà nước làm gì có tiền để mua lại dự án!

22/04/2021, 02:56

(Dân trí) - Báo cáo giám sát mới nhất về các dự án BOT giao thông được gửi tới Quốc hội đề cập việc Bộ GTVT từng đề nghị dùng ngân sách nhà nước mua lại dự án vướng mắc, bị phản đối, không hiệu quả…

2018 có 24 dự án đạt doanh thu 100%, 2020 chỉ còn 12 dự án

Báo cáo giám sát do UB Kinh tế của Quốc hội thực hiện nêu bối cảnh, cuối năm 2017, UB Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết số 437 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.

Thực hiện nghị quyết này, UB Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức các đoàn giám sát, kết quả cho thấy còn khá nhiều nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu tiến độ đề ra.

Trong đó, đáng chú ý, Nghị quyết 437 yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm báo cáo UB Thường vụ Quốc hội, Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2018.

Kết quả giám sát thể hiện, mặc dù, Chính phủ đã tổng kết việc triển khai thực hiện các mô hình đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có hình thức hợp đồng BOT, nhưng đến nay yêu cầu báo cáo kết quả kiểm điểm trách nhiệm chưa được thực hiện.

Vì thế, cơ quan giám sát đề nghị UB Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo thực hiện yêu cầu nói trên.

Cũng cần nói thêm rằng, đây không phải lần đầu tiên cơ quan của Quốc hội phải lên tiếng thúc giục các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện báo cáo việc xử lý trách nhiệm đã được chỉ ra qua giám sát.

Ngoài kiểm điểm trách nhiệm, báo cáo giám sát của UB Kinh tế còn chỉ ra không ít vấn đề còn vướng mắc, chưa tháo gỡ được của các dự án BOT.

Trước hết, theo cơ quan giám sát, công tác quyết toán toàn bộ dự án của một số dự án vẫn còn chậm, do còn một số vướng mắc liên quan như lãi vay trong thời gian xây dựng chưa tính trong tổng mức đầu tư của dự án BOT, chi phí giải phóng mặt bằng, định mức một số hạng mục.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và lưu lượng xe thực tế thấp hơn so với phương án tài chính… cần phải điều chỉnh hợp đồng các dự án BOT để bảo đảm tính khả thi của các phương án tài chính cho các dự án.

Cụ thể, kết quả giám sát doanh thu thu phí cho thấy đa số các dự án BOT không đáp ứng được yêu cầu, doanh thu không đạt so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án, các nhà đầu tư BOT gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu. Cụ thể, UB Kinh tế cho biết, năm 2018 có tổng số có 53 dự án, trong đó, dự án có số thu đạt 100% trở lên so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án là 27 dự án; Dự án có số thu thấp hơn là 26 dự án (1 dự án đã dừng thu; 3 dự án đang tạm dừng thu không đánh giá; 3 dự án mới triển khai thu phí, chưa đủ số liệu để đánh giá).

Năm 2019 tổng số có 53 dự án, trong đó, dự án có số thu đạt 100% trở lên so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án là  27 dự án; Dự án có số thu thấp hơn là 43 dự án. Năm 2020 trong 54 dự án thì dự án có số thu đạt 100% trở lên so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án chỉ còn là 12 dự án; dự án có số thu thấp hơn là 42.

Cơ quan giám sát đề cập thực tế, cho đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quyết toán thu, chi, các thông số tài chính dự án và quyết toán dự án. Vì vậy, các dự án vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán toàn bộ dự án làm cơ sở để điều chỉnh thời gian thu phí.

Bất hợp lý khi dùng tiền ngân sách mua lại dự án BOT

Trạm thu phí BOT đi lạc: Nhà nước làm gì có tiền để mua lại dự án! - 1

Trạm thu phí T2 tại Cần Thơ được xác định đặt không đúng tuyến tránh qua thị xã Cai Lậy nên người dân phản ứng.

Báo cáo giám sát cũng cho biết, Tổng cục đường bộ Việt Nam đã xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để quản lý, giám sát công tác thu phí tại các dự án BOT. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu nói trên mới chỉ được áp dụng cho 6 trạm thu phí trong tổng số 66 trạm thu phí Tổng cục đường bộ là cơ quan nhà nước thẩm quyền (cả nước có 107 trạm thu phí thuộc thẩm quyền trung ương và địa phương).

Kết quả giám sát cũng cho thấy, vẫn còn 8 trạm thu phí gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do bất cập về vị trí đặt trạm, không được sự đồng thuận của người dân khó có thể xử lý dứt điểm. Đó là trạm thu phí Bỉm Sơn (Thanh Hóa); trạm thu phí tuyến Thái Nguyên - Chợ mới; Trạm thu phí đường Hồ Chí Minh đoạn qua Đắk Lắk; trạm thu phí La Sơn - Túy Loan; trạm thu phí T2 ở Cần Thơ; trạm thu phí Ninh Xuân trên Quốc lộ 26; trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang); trạm thu phí thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ.

Bộ GTVT từng có đề nghị dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ hoặc mua lại dự án BOT, nhưng UB Kinh tế cho rằng đề nghị này là không hợp lý. Lý do, người dân tại khu vực trạm thu phí các dự án này phản đối quyết liệt nên không thể thu phí hoàn vốn cho dự án, trong khi chưa có tiêu chí rõ ràng để có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc xem xét, quyết định mua lại các dự án này.

Mặt khác, ngoài 8 dự án đã nêu, vẫn còn tồn tại một số dự án  có những bất cập về vị trí đặt trạm thu phí nhưng người dân tại địa phương đó lại không còn phản đối sau khi có chính sách miễn, giảm phí. Cơ quan giám sát nhấn mạnh, trường hợp Nhà nước mua lại các dự án đó sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch, dẫn đến hiệu ứng lan rộng tại các dự án khác, khiếu kiện, làm mất an ninh, trật tự, đồng thời gây áp lực cho ngân sách nhà nước trong điều kiện khó khăn hiện nay và đi ngược với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên UB Kinh tế, người trực tiếp tham gia cuộc giám sát nêu thẳng quan điểm: "Nhà nước làm gì có tiền để mua lại dự án BOT, đó là đề nghị không thể chấp nhận được". Nếu như dự án đã được triển khai đúng thủ tục, đã làm đúng quy định, chỉ vì có một số khó khăn mà lại dừng rồi dùng ngân sách để mua lại thì sẽ làm nhụt chí nhà đầu tư.

Thái Anh