Tổ đi chợ hộ ở TPHCM hoạt động thế nào vào ngày đầu siết chặt giãn cách?
Tổ đi chợ hộ ở TPHCM hoạt động thế nào vào ngày đầu siết chặt giãn cách?
Giúp dân mua những thứ cơ bản nhất
Chị Mai Hương (phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, sáng 23/8, gia đình đã được lực lượng đi chợ hộ của phường mua giúp rau xanh và thịt heo. Trước đó, UBND phường đã đưa danh sách các gói mua hàng (combo) cụ thể để người dân dễ dàng lựa chọn. Mỗi combo sẽ có những sản phẩm thiết yếu cơ bản như rau xanh, thịt cá, thực phẩm khô, đồ dùng vệ sinh cá nhân…
"Giá một combo từ 150.000 đến 300.000 đồng, combo sữa thì có giá 500.000 đồng gồm sữa tiệt trùng, sữa đặc, sữa trái cây... Nhìn chung, combo đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất" - chị Hương chia sẻ.
Theo chị, người dân muốn mua hàng hóa sẽ đăng ký từ 16h đến 18h ngày hôm trước, các tổ đi chợ hộ sẽ mua giúp dân từ 7h đến 11h ngày hôm sau.
Nhiều gia đình khác tại TPHCM cũng đang được chính quyền địa phương hỗ trợ mua sắm để yên tâm khi ở trong nhà.
Gia đình bà Lưu Thị Ngon (phường 11, quận 3, TPHCM), chia sẻ đến nay vẫn chưa nhận được hướng dẫn đi chợ hộ từ chính quyền địa phương. Tuy nhiên, gia đình bà Ngon không lo lắng và vẫn bình tĩnh chờ hướng dẫn.
"Cả nhà tôi đã ở trong nhà gần 3 tháng nay nên quen với việc sinh hoạt, ăn uống đơn giản. Thiếu thốn một chút mình vẫn kiên nhẫn chờ đợi, khi nào tổ trưởng dân phố hướng dẫn, phát phiếu mình thực hiện theo" - bà Ngon chia sẻ.
Các siêu thị đã sẵn sàng
Đại diện hệ thống Aeon Việt Nam cho biết, sáng 23/8, siêu thị Aeon Tân Phú và Aeon Bình Tân không có khách đến mua trực tiếp. Người dân chủ yếu mua sắm thông qua các tổ Covid-19 cộng đồng của phường.
"Chúng tôi cũng tạm ngừng các kênh bán hàng trực tuyến trong thời gian này. Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, tất cả hoạt động mua bán hàng hóa, lương thực thực phẩm của người dân sẽ được các địa phương hỗ trợ thực hiện, nhằm hạn chế tối đa việc người dân ra khỏi nhà" - đại diện này thông tin.
Riêng tại Aeon Tân Phú, siêu thị đã làm việc với đại diện 2 phường là Sơn Kỳ và Tân Quý (quận Tân Phú) để chuẩn bị hàng hóa theo các đơn đặt hàng của từng tổ dân phố.
Danh sách các combo hàng hóa sẽ dựa trên nhu cầu cơ bản của người dân, đảm bảo đầy đủ thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, đồ dùng sát khuẩn… sử dụng trong 2 tuần.
Bà Nguyễn Thị Phương, đại diện hệ thống VinMart và VinMart+, chia sẻ, các siêu thị, cửa hàng của hệ thống có mặt ở tất cả quận, huyện ở TPHCM. Mỗi phường đều có ít nhất một cửa hàng với khả năng cung ứng hàng trăm đơn mỗi ngày. Hệ thống cũng tăng cường lượng nhu yếu phẩm phục vụ lên gấp 4 - 5 lần so với bình thường.
Ngoài việc phục vụ khách hàng mua sắm trực tiếp, các cửa hàng, siêu thị cũng triển khai nhiều phương thức bán hàng phù hợp với những quy định phòng chống dịch bệnh mới. "Hiện nay chúng tôi đang chờ hướng dẫn của Sở Công Thương và các cơ quan ban ngành để có phương án cung ứng cho người dân TPHCM" - bà Phương cho hay.
Còn theo đại diện siêu thị MM Mega Market, đơn vị chuẩn bị phương án dự trữ hàng hóa từ trước và sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Siêu thị đang làm việc với chính quyền địa phương để nắm bắt các chỉ đạo cụ thể và phối hợp phân phối hàng hóa trong thời gian tới.
Nhu cầu hàng hóa mỗi ngày là gần 11.000 tấn
Theo UBND TPHCM, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho toàn bộ người dân thực hiện qua hình thức đi chợ hộ sẽ do tổ hậu cần địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương đảm trách. Các lực lượng sẽ đi chợ hộ với tần suất một lần/tuần và phân phối trực tiếp đến tận tay người dân.
Hiện nay, hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố gồm 106 siêu thị, gần 2.900 cửa hàng tiện lợi, 27 chợ truyền thống tiếp tục hoạt động.
Các cửa hàng cung ứng lương thực thực phẩm, điểm bán hàng lưu động, tiểu thương chợ đầu mối thu mua hàng hóa, doanh nghiệp, cơ sở chế biến lương thực thực phẩm, doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics tiếp tục hoạt động bình thường.
Cũng theo UBND TPHCM, nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của 9,4 triệu người dân là khoảng gần 11.000 tấn lương thực, thực phẩm. Trong đó, người dân cần gần 2.000 tấn gạo, 660 tấn lương thực chế biến khô (mì, bún phở), 755 tấn thịt gia súc, 660 tấn thịt gia cầm, 236 tấn thực phẩm chế biến, 107 tấn trứng giá cầm, hơn 4.200 tấn rau củ quả, 236 tấn đường, 1.742 tấn sữa...
Nhu cầu tiêu dùng bình quân một tuần là khoảng 76.747 tấn hàng lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, mỗi ngày người dân thành phố cũng cần khoảng 19 triệu lít nước uống, 629.000 cái khẩu trang và 239.600 chai nước sát khuẩn loại 0,5 lít.
Đại Việt