Shipper tại TPHCM đua nhau tắt app giao hàng, doanh nghiệp than trời

31/07/2021, 03:10

Shipper tại TPHCM đua nhau tắt app giao hàng, doanh nghiệp than trời

"Đau đầu" vì khan hiếm shipper

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) - cho biết công tác vận chuyển hàng hóa cho hơn 250 siêu thị, cửa hàng của đơn vị này đã từng bước được "khai thông" thuận lợi hơn so với khi mới bắt đầu thực hiện giãn cách. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của doanh nghiệp chủ yếu là khâu phân phối hàng hóa từ siêu thị đến tay người dân.  

"Do quy định mới về điều kiện hoạt động và danh mục hàng hóa được vận chuyển rất hạn chế khiến hàng loạt shipper tắt app không nhận cuốc, dẫn đến việc giao hàng cho khách đang gặp rất nhiều khó khăn", ông Đức nói.

Shipper tại TPHCM đua nhau tắt app giao hàng, doanh nghiệp than trời - 1

Việc khan hiếm shipper đang xảy ra tại TPHCM khiến việc luân chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Đại Việt).

Tương tự Saigon Co.op, hệ thống siêu thị Big C cũng xảy ra tình trạng thiếu shipper. Các đối tác cung ứng shipper của siêu thị này đang tăng giá cước trong bối cảnh hạn chế nhân lực giao hàng.

Đại diện hệ thống siêu thị Aeon thừa nhận, việc thiếu shipper đang xảy ra tại siêu thị này. Trong vài ngày qua, việc tìm shipper giao hàng bằng xe máy cho đơn online là rất khó khăn.

Lý giải về việc shipper khan hiếm, ông Nguyễn Hoàng Trung - CEO Loship - thông tin, hiện nay một số tài xế tài xế đã tắt app (ứng dụng) do gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển.

Cụ thể, quy định về hàng hóa thiết yếu vẫn chưa rõ ràng, dẫn đến việc shipper gặp trở ngại khi qua chốt kiểm tra. Shipper có đi qua chốt được hay không phụ thuộc vào quyết định riêng của từng chốt. Kết quả, shipper sẽ bị mất rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành đơn.

"Rủi ro trong việc bị phạt khi đang thực hiện giao hàng cũng là điều khiến các shipper e ngại, đây là tình trạng có thật khi shipper thực hiện công việc chính đáng dựa theo yêu cầu khách hàng cũng như ứng dụng. Tuy nhiên, họ lại bị phạt vì gặp khó khăn trong việc chứng minh tính cần thiết của đơn hàng", ông Trung chia sẻ.

Cần phải làm gì?

Ông Nguyễn Hoàng Trung cho rằng, để khuyến khích, động viên shipper làm việc đơn vị này đã tăng thu nhập tối thiểu để họ yên tâm hơn trong việc giao hàng thiết yếu cho khách.

Ứng dụng của doanh nghiệp này cũng đã hoàn thành bộ nhận diện shipper theo đúng quy định của Sở Công Thương TPHCM nhằm giúp việc đi lại chính đáng của tài xế được thuận lợi hơn.

Shipper tại TPHCM đua nhau tắt app giao hàng, doanh nghiệp than trời - 2

Lực lượng shipper cần được quan tâm nhiều hơn trong bối cảnh nhu cầu giao nhận hàng hóa của người dân tăng cao (Ảnh: Đ.V).

Theo ông Trung, toàn bộ tài xế của Loship đã được trang bị đầy đủ các loại giấy tờ, bộ nhận dạng cần thiết cho việc lưu thông trên đường như: thẻ hoạt động, bảng tên, băng đeo tay... Doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ chi phí cho tài xế khi làm bộ nhận dạng này.

"Chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để hoàn tất danh sách tiêm chủng vắc xin cho shipper để họ yên tâm làm việc cũng như đảm bảo an toàn cho cộng đồng", ông Trung nói.

Theo ông Trung, doanh nghiệp này liên tục cập nhật mọi thông tin mới nhất của Chính phủ đến đội ngũ tài xế và đang nỗ lực tháo gỡ mọi khó khăn trong khâu lưu thông.

Đơn vị nói trên cũng chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ, thủ tục cần thiết và sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng các Bộ, ngành liên quan nhằm thúc đẩy việc lưu thông hàng hóa được thuận lợi.

Ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, nếu cơ quan chức năng tạo điều kiện cho shipper giao hàng liên quận hoặc các quận liền kề và danh mục hàng hóa giao nhận mở rộng thì hàng hóa sẽ đến tay người dân nhanh hơn, giải tỏa các đơn hàng tồn nhiều hơn.

Trước tình trạng thiếu shipper, các siêu thị của Saigon Co.op như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food đang áp dụng hình thức pick & ship (chọn hàng và giao hàng). Với hình thức này, người mua chỉ cần đến siêu thị yêu cầu hàng hóa, nhân viên sẽ soạn đơn hàng và giao cho khách tại cửa hàng mà khách không cần vào bên trong.

Ngoài ra, khách hàng có thể yêu cầu hàng hóa và về nhà chờ rồi quay lại lấy hàng sau với hình thức pick & ship.

Các siêu thị cũng áp dụng việc nhận phiếu mua hàng để điều tiết lượng khách vào siêu thị vừa phải, đảm bảo 5K.  

Bên cạnh các hình thức cung ứng hàng hóa đang thực hiện như mua sắm trực tiếp tại siêu thị, qua trang web, qua ứng dụng hệ thống bán lẻ này cũng đề xuất thêm phương án "đặt mua chung" để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các khu vực dân cư, phong tỏa, cách ly.  

Về cách thực hiện, Saigon Co.op sẽ gửi đến các khu vực có nhu cầu, danh mục hàng hóa thiết yếu bao gồm hơn 100 mặt hàng. Các cơ quan, tổ chức của từng khu vực sẽ cử đầu mối ghi nhận nhu cầu của người dân rồi tổng hợp thành một đơn hàng chung. Saigon Co.op sẽ tổ chức giao hàng cho đầu mối hoặc có thể nhận tại siêu thị, sau đó sẽ phân chia lại cho các cá nhân, hộ gia đình trong các khu cách ly, phong tỏa y tế.

Lịch đặt và giao hàng sẽ được thống nhất cụ thể của từng điểm tiếp nhận với tần suất trung bình 2 lần/tuần. Siêu thị cũng khuyến khích các khu phố, khu dân cư bình thường cùng tạo đầu mối tham gia mua chung để hạn chế tối đa ra đường. 

Đại diện tổ hợp chế biến thịt MeatDeli cho biết, tại TPHCM, mỗi ngày, thương hiệu này cung ứng 100.000 - 150.000 hộp thịt mát, tương đương từ 35 - 50 tấn thịt mát/ngày.  Tuy nhiên, chính sách vận chuyển hàng thiết yếu có nhiều khác biệt ở các khu vực, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa.

Một số tỉnh thành yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm Covid-19, tuy nhiên giấy xét nghiệm PCR chỉ có hiệu lực rất ngắn (trong 3 ngày), dẫn đến tài xế phải xét nghiệm liên tục khiến chi phí phát sinh và tốn rất nhiều thời gian cho việc giao hàng.

Đại Việt