Ô tô Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, tăng tới 230%

29/06/2021, 03:17

Ô tô Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, tăng tới 230%

Phân tích từ số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng xe Trung Quốc nhập vào Việt Nam 5 tháng qua đạt kỷ lục hơn 9.400 chiếc, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đáng nói, sau thời gian dài bị "thất sủng" tại Việt Nam, các thương hiệu xe con dưới 9 chỗ của Trung Quốc lại ồ ạt vào Việt Nam.

Ô tô Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, tăng tới 230% - 1

Xe con nguyên chiếc từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 230% (Ảnh: VietNamNet).

5 tháng đầu năm, có hơn 967 chiếc xe con dưới 9 chỗ ngồi Trung Quốc được nhập vào Việt Nam; so với lượng xe con nhập từ Thái Lan, Indonesia hay Hàn Quốc, Nhật Bản vào Việt Nam, xe Trung Quốc chỉ là muối bỏ biển. Tuy nhiên, so với chính mình, xe con Trung Quốc vào Việt Nam được gần 1.000 chiếc xe như hiện tại là một thành tựu.

Theo số liệu của Hải quan, bình quân từ tháng 3, mỗi tháng có từ 180 đến 260 chiếc xe con nguyên chiếc Trung Quốc nhập vào Việt Nam; riêng tháng 1, xe nhập của Trung Quốc vào Việt Nam đột biến đạt trên 334 chiếc.

Sự gia tăng của xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi trong thời gian gần đây cho thấy các loại xe Trung Quốc đã được đón nhận bởi một phận giới trẻ.

Cùng kỳ năm 2020, xe con Trung Quốc nhập về Việt Nam chỉ khoảng 286 chiếc, tổng lượng xe các loại từ Trung Quốc về Việt Nam cũng chỉ khiêm tốn hơn 1.500 chiếc. Tuy nhiên, bước sang năm nay, các loại xe của Trung Quốc đã tăng tốc, trong đó phải nhấn mạnh lượng xe con tăng hơn 681 chiếc, tăng hơn 230% so với cùng kỳ 2020.

Hiện, xe nhập các loại từ Trung Quốc vẫn bị đánh thuế nhập khẩu từ 54-70% tùy theo dung tích, chủng loại, riêng dòng xe con đều bị đánh thuế trên 54% theo mức thuế suất MFN của WTO.

Ô tô Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, tăng tới 230% - 2

Sau MG, mẫu Haval của hãng xe nội địa Trung Quốc có thể có mặt tại Việt Nam qua kênh lắp ráp từ Thái Lan (Ảnh: VietNamNet).

Tuy nhiên, trên thị trường, giá xe nhập từ Trung Quốc hiện khá rẻ, những mẫu Baic Beijing X7, Zotye chỉ có giá dao động từ 540 đến 700 triệu đồng/chiếc, mức giá tầm trung phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng Việt Nam.

Xe Trung Quốc nhập về Việt Nam hiện chủ yếu là xe nội địa. Các dòng xe liên doanh hoặc 100% vốn ngoại như Tesla, Audi, Volvo, Volkswagen dù đặt dây chuyền sản xuất lớn tại Trung Quốc nhưng vẫn không được nhập vào Việt Nam do mức thuế suất cao.

Sự hiện diện của xe Trung Quốc còn qua kênh thứ 3 từ Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Riêng các mẫu xe MG mà Trung Quốc sở hữu đang được lắp ráp tại Thái Lan với thuế nhập 0% đang có mức giá rất cạnh tranh so với Kona, Cross hay Seltos ở Việt Nam.

Ngoài ra, mẫu xe Haval, một thương hiệu xe nội nổi tiếng tại Trung Quốc đại lục cũng đang được lắp ráp tại Thái Lan và kế hoạch đến cuối năm có thể ra mắt tại thị trường ASEAN, trong đó Việt Nam được nhắm đến hàng đầu.

Theo giới chuyên gia ô tô, sau sự thất bại của các mẫu xế hộp nội địa Trung Quốc như Lifan, Chery, Haima..., thế hệ các mẫu xe mới như MG, Beijing hay Haval đã có được những thành công bước đầu khi nhập vào Việt Nam là việc đứng chân được lâu hơn.

Bên cạnh đó, cách tiếp cận thị trường của xe nội địa Trung Quốc vào Việt Nam hiện cũng khác, không trực tiếp mà gián tiếp qua bên thứ 3 để né thuế, hạ giá nhằm chiếm lĩnh thị trường và không cho các hãng xe nội địa Việt Nam đất diễn.

Với năng lực lắp ráp, sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới (trên 20 triệu chiếc/năm), khả năng cạnh tranh của xe hơi Trung Quốc là không bàn cãi; tuy nhiên đối với xe nội địa Trung Quốc, thách thức vẫn đến từ sự non yếu về thương hiệu cùng chất lượng và dịch vụ hậu mãi đi kèm.

Dù một số mẫu xe Trung Quốc đã có được khách hàng Việt Nam, song đa số người tiêu dùng Việt vẫn nghi ngờ chất lượng, nên chưa sẵn sàng đón nhận. Tuy nhiên, có thể sau vài năm nữa, mọi diễn biến sẽ khác hơn do sự lớn mạnh của các hãng xe nội địa Trung Quốc, sự yếu kém của các hãng xe tại ASEAN hoặc tầm nhìn hạn hẹp của chính phủ các nước.

Và nguy cơ cuộc cạnh tranh trực diện xe Trung Quốc tại Việt Nam và ASEAN ngày càng quyết liệt do hàng Trung Quốc sẽ được cắt giảm thuế nhập nhờ Hiệp định RCEP - nơi các nước ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand đã ký phê duyệt,

Nguyễn Tuyền