Người dân Quảng Trị thu hàng tỷ đồng nhờ trồng những giống cây ít ai biết
Người dân Quảng Trị thu hàng tỷ đồng nhờ trồng những giống cây ít ai biết
Qua nhiều năm triển khai, sản phẩm cà gai leo Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã xuất hiện trên thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Điều ít ai ngờ rằng, loại cây mọc hoang dại trong tự nhiên chính là cây thảo dược quý, tốt cho sức khỏe và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Hoàn thiện quy trình chế biến cà gai leo
Bà Lê Hồng Nhạn - chủ một cơ sở cà gai leo - cho biết, sau khi "bén duyên" với cây cà gai leo, bà bắt đầu tiếp cận nhiều tài liệu khoa học và biết được cà gai leo là một cây thuốc rất quý đối với sức khỏe, được nghiên cứu bài bản bởi nhiều thế hệ các nhà khoa học, dược học Việt Nam.
Với mong muốn cung cấp nguồn dược liệu sạch, an toàn, chất lượng cao, phân phối rộng rãi tới người tiêu dùng, từ năm 2015, bà Nhạn bắt tay vào trồng cà gai leo. Ban đầu, nguồn giống được gia đình mua từ một cơ sở tại Quảng Ngãi.
Sau một thời gian chăm sóc, nhận thấy loại cây này thích hợp với điều kiện vùng đồi Quảng Trị, bà Nhạn quyết tâm xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh cà gai leo tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ.
Cây cà gai leo được trồng trên vùng đồi, nhưng thảo dược cho hoạt chất cao gấp nhiều lần, chu kỳ sinh trưởng kéo dài từ 5-7 tháng.
Hiện bà Nhạn đã phát triển vùng nguyên liệu có diện tích hơn 5 ha. "Cây cà gai leo cho thu hoạch mỗi năm 2 lần, với sản lượng mỗi ha đạt hơn 12 tấn cây tươi. Sau quá trình phơi khô sẽ được 4 tấn, với giá bán 70-80 triệu đồng/tấn" - bà Nhạn cho hay.
Sau khi xây dựng được vùng nguyên liệu cà gai leo ổn định, đảm bảo các tiêu chuẩn, cùng với việc đóng gói các sản phẩm cây cà gai leo khô bán ra thị trường, gia đình bà Nhạn đã đầu tư dây chuyền sản xuất cao cà gai leo từ nguyên liệu tươi.
Cũng theo bà Nhạn, cây cà gai leo được trồng và chế biến theo quy trình hiện đại, khép kín từ khâu trồng đến cho ra sản phẩm, với yêu cầu nghiêm ngặt nên có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm.
Đến nay, cơ sở của bà Nhạn đã sản xuất được nhiều sản phẩm từ cà gai leo và đã có mặt trên thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong nước.
Hiện doanh thu hàng năm từ sản phẩm cà gai leo của cơ sở bà Nhạn chưa trừ chi phí đạt trên 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đang vào giai đoạn đầu nên doanh thu được dùng để tái đầu tư, xây dựng nhà xưởng và mua các loại máy móc, thiết bị.
Nhằm phát triển vùng nguyên liệu cà gai leo, bà Nhạn sẵn sàng hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhờ loại cây thảo dược này, nhiều hộ dân đã có nguồn thu nhập khá, góp phần thay đổi đời sống.
"Cơ sở sản xuất cà gai leo cũng tạo việc làm quanh năm cho khoảng 10 lao động địa phương. Mức thu nhập của lao động đạt từ 5-6 triệu đồng, có người 10 triệu đồng" - bà Nhạn cho hay.
Bà Nhạn cho biết, mục tiêu của những năm tới là hoàn thiện hơn nữa quy trình chuẩn về sản xuất hữu cơ đối với cà gai leo, nâng cấp máy móc để làm sản phẩm bài bản hơn.
Dược liệu an xoa xuất khẩu sang Mỹ
Tháng 4 vừa qua, một tấn cao dược liệu an xoa đầu tiên của nông dân huyện Cam Lộ đã được lên máy bay xuất sang thị trường Mỹ. Lô hàng được đối tác đánh giá cao, hợp đồng mua hàng rộng mở nên nông dân ở huyện này bắt đầu mở rộng diện tích trồng cây dược liệu.
Để lô hàng được xuất đi Mỹ, trước đó, đối tác phân tích các thành phần trong cao dược liệu an xoa hết sức nghiêm ngặt, khắt khe với 19 tiêu chuẩn về hàm lượng dược chất, nhất là sản phẩm phải có nguồn gốc từ thiên nhiên, không pha trộn tạp chất, các loại phụ gia...
Sản phẩm đảm bảo các điều kiện, nên đối tác đã ký biên bản ghi nhớ với huyện Cam Lộ về việc thu mua sản phẩm cao dược liệu an xoa. Để đáp ứng được yêu cầu, huyện này phải mở rộng thêm nhiều diện tích, một tấn cao dược liệu an xoa được xuất sang nước ngoài sẽ cho thu về 1,7 tỷ đồng.
Theo ông Lê Hải Hưng - Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cam Lộ, cây cà gai leo cùng với một số cây dược liệu như: Chè vằng, an xoa… đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân địa phương.
Ông Trần Hoài Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ - cũng cho biết, Cam Lộ là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển cây dược liệu các loại với diện tích lên đến gần 100 ha.
Lâu nay, đầu ra sản phẩm cao dược liệu chủ yếu ở thị trường trong nước. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm thị trường, liên kết với doanh nghiệp, lần đầu tiên có một sản phẩm cao dược liệu của huyện được xuất khẩu qua thị trường Mỹ.
Đăng Đức