Người Việt đương đầu với Covid-19 qua góc nhìn TGĐ ngân hàng Tim Evans
Người Việt đương đầu với Covid-19 qua góc nhìn TGĐ ngân hàng Tim Evans
Tôi vẫn luôn có một cảm tình đặc biệt dành cho Việt Nam ngay từ những ngày đầu tôi mới sang đây trong một kỳ nghỉ vào tháng 3/1995, ấp ủ ý định đạp xe xuyên Việt từ Hà Nội tới TPHCM. Tiếc rằng tôi mới chỉ đạp được tới Đà Nẵng, sau đó tôi đã chọn cách nhẹ nhàng hơn để đi tiếp là bắt tàu vào TPHCM. Ngay từ thời đó, đất nước của các bạn đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong tôi.
22 năm sau, tôi tiếp nhận vị trí giám đốc khu vực tại Hồng Kông, quản lý 10 thị trường trong đó có Việt Nam. Tôi đã rất háo hức để được trở lại quốc gia này. Mỗi năm, tôi thường tới Việt Nam 4 lần và đây luôn là những chuyến công tác tôi thực sự mong đợi. Tôi rất thích thưởng thức đồ ăn Việt Nam, tôi yêu cách sống có động lực, tham vọng cùng niềm tin vững chắc vào ngày mai tươi sáng của người dân nơi đây và trên hết là tinh thần đoàn kết tương thân thương ái trong mỗi con người khi tất cả cùng nỗ lực vì một mục tiêu chung.
Tới tháng 10/2019, tôi được trao một cơ hội không thể tuyệt vời hơn là tiếp quản vị trí Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, ngân hàng quốc tế lớn nhất Việt Nam với lịch sử lâu đời nhất trên thị trường tính từ thời điểm ngân hàng đặt văn phòng đầu tiên vào năm 1870. Tôi lên đường với tất cả sự háo hức trong lòng. Ngay khi vừa bước chân ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất, bạn sẽ cảm nhận ngay được nhịp sống cực kỳ sôi động của thành phố và tiềm năng phát triển của cả đất nước, một hành trình phát triển đầy hối hả và lạc quan hiện diện rõ nét trên gương mặt từng người dân nơi đây.
Tháng 1/2020, một năm mới bắt đầu với nhiều lạc quan và hy vọng. Nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng trên 7%, số lượng khách du lịch liên tục đạt kỷ lục và cả đất nước thực sự đã đón một mùa xuân tươi đẹp. Chỉ tiếc rằng mùa xuân này đã không kéo dài khi chúng ta bắt đầu nghe tin về một chủng virus nguy hiểm xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Tôi vẫn còn nhớ và rất ấn tượng với phản ứng nhanh chóng và quyết liệt của các cơ quan chức năng khi đưa ra những quyết định cứng rắn nhằm giảm nhập cảnh từ những quốc gia trong diện có dịch bệnh lây lan nhanh.
Mặc dù vậy, tới khoảng tháng 4 thì Việt Nam cũng phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội nhằm chặn đứng các luồng lây lan trong nước. Tôi vẫn còn nhớ thời điểm đó, một trong 14 chi nhánh của chúng tôi đã phục vụ một khách hàng được xác định là F0 dẫn tới một nhân viên của chúng tôi phải đi cách ly tập trung trong khi các nhân viên còn lại phải tự cách ly tại nhà.
Lúc đó, chúng tôi còn chưa triển khai giải pháp phân chia hai nhóm A và B cho từng chi nhánh đề phòng trường hợp họ lỡ tiếp xúc với một ca dương tính Covid-19 nào đó. Chúng tôi đã kêu gọi nhân viên HSBC Việt Nam tham gia công việc tại chi nhánh có nhân viên cách ly nói trên trên tinh thần tự nguyện. Tôi đã hết sức bất ngờ và xúc động khi chỉ trong vòng một giờ đồng hồ chúng tôi có hơn 40 nhân viên tình nguyện. Họ biết khi làm vậy, họ chấp nhận rủi ro lây nhiễm để đảm bảo ngân hàng có thể duy trình hoạt động phục vụ khách hàng và cộng đồng.
Chính điều đó giúp tôi hiểu rằng tinh thần và ý chí bền bỉ của người Việt Nam không chỉ thể hiện ở một nền kinh tế đang phát triển nhanh, đó còn là dòng máu nằm trong huyết quản mỗi người dân, sẽ luôn đập từng nhịp mạnh mẽ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Họ không dễ dàng từ bỏ hay chịu khuất phục. Cả dân tộc luôn sẵn sàng đồng lòng và không thử thách nào cản bước được họ với tinh thần và thái độ đúng đắn. Và tôi chợt nhận ra rằng đây chính là tập thể và là đất nước mà tôi thực lòng muốn đồng hành trong cuộc chiến chống Covid-19 hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của người Việt Nam còn thể hiện rõ nét khi các nhân viên của ngân hàng chứng kiến cảnh lũ lụt gây ra hậu quả nặng nề cho miền Trung tháng 10 năm ngoái, họ đã đến gặp tôi và đề xuất tổ chức một đêm nhạc đặc biệt nhằm quyên góp toàn bộ tiền bán vé cho các tổ chức từ thiện giúp đỡ người dân bị mất nhà trong trận lụt lịch sử đó.
Chỉ trong vòng vài tuần lễ, họ đã vận động hơn 20 tiết mục tham gia chương trình và gây quỹ gần một tỷ đồng hỗ trợ những đồng bào đang gặp khó khăn. Xét về nhiều khía cạnh, những hành động như thế tựu trung lại đã phản ánh rõ nét tinh thần đoàn kết và đồng cảm với những trường hợp kém may mắn.
Mặc dù Việt Nam đã khống chế đại dịch thành công trong năm 2020, virus lại tiếp tục đột biến và trở nên nguy hiểm hơn, vì thế, chúng ta cần tiếp tục thích nghi với tình thế mới. Đầu tháng 5, biến chủng Delta xuất hiện ở Việt Nam và một lần nữa, chúng tôi đã phải cho nhân viên làm việc ở nhà.
Chúng tôi nỗ lực sắp xếp cho hơn 93% nguồn nhân lực làm việc ở nhà trong khi dịch vụ khách hàng vẫn tiếp tục không gián đoạn. Vẫn có những thách thức cần vượt qua, nhưng chính trong nghịch cảnh mới thấy được khát khao được thành công, được vươn lên, vượt qua thử thách và tinh thần không đầu hàng của họ vẫn ở đó, vẹn nguyên. Cho dù đó là mạng internet không ổn định, không được gặp bạn bè và đồng nghiệp, phải tìm ra các giải pháp nhanh chóng cho những vấn đề đột ngột xuất hiện, tôi luôn cảm động sâu sắc khi thấy những nụ cười và thái độ tích cực của họ bất cứ khi nào chúng tôi tiến hành một cuộc họp. Tất cả mọi người đều vui vẻ và tích cực. Họ mong muốn được thể hiện tinh thần chiến đấu khi phải đối mặt với những tình huống khó khăn.
Giờ đây, cả đất nước cần tập trung tiếp tục triển khai tiêm vắc xin mặc dù chúng ta đã thấy tỷ lệ tiêm chủng gia tăng trong vài tháng gần đây. Chúng ta đều đã chứng kiến nhiều quốc gia khác thoát khỏi khủng hoảng dịch bệnh nhờ giải pháp này. Trước khi cả nước đạt được miễn dịch cộng đồng, chúng ta vẫn cần tiếp tục tương trợ lẫn nhau và đảm bảo không "tiếp tay" cho virus lây lan thêm bằng cách tuân thủ tuyệt đối yêu cầu giãn cách xã hội. Các điều kiện nền tảng của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ và tôi tin tưởng sâu sắc vào một tương lai tươi sáng khi Việt Nam vượt qua được đại dịch. Nền kinh tế sẽ trở lại với tốc độ tăng trưởng GDP 6,8% năm 2022.
Người ta vẫn thường nói trước bình minh luôn là bóng tối mịt mùng và giờ đây, chúng tôi đang trải qua thời khắc khó khăn tại TPHCM.
Lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động 150 năm của HSBC tại Việt Nam, chúng tôi phải đưa ra một quyết định khó khăn là đóng cửa một loạt chi nhánh và phòng giao dịch tại thành phố trong nỗ lực hỗ trợ chính quyền và người dân chống dịch, mặc dù chúng tôi vẫn tiếp tục phục vụ khách hàng thông qua các tổng đài, nền tảng ngân hàng di động, ngân hàng trực tuyến và hệ thống ATM. Chi nhánh còn mở cửa đang được vận hành, một lần nữa, bởi một đội ngũ nhân viên đã tình nguyện phục vụ trong thời khắc chúng tôi cần mở cửa với tư cách là lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế. Thử thách này sẽ qua thôi và chúng ta cần đồng lòng với các cơ quan chức năng để đảm bảo giải quyết tình huống khó khăn này.
Sẽ phải mất một thời gian cuộc sống mới trở lại bình thường và chắc chắn là còn nhiều khó khăn khôn lường phía trước, chúng ta không đoán định được thử thách nào đang chờ ta nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đoàn kết một lòng, giữ vững thái độ đúng đắn, tương trợ lẫn nhau, chăm lo người khác trong cộng đồng và tiếp tục giữ vững tinh thần kiên cường, bền bỉ. Những phẩm chất đó sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả. Điều tuyệt vời là những phẩm chất này vốn hiện diện sẵn trong mỗi người Việt Nam, khiến họ trở nên khác biệt, giúp họ chinh phục mọi thử thách đến với họ qua hàng nghìn năm lịch sử.
Riêng với tôi, sau 18 tháng sinh sống và làm việc tại Việt Nam, tôi rất vinh dự và tự hào được cùng trải qua những tháng ngày này với những con người mang phẩm chất tích cực như vậy, bất kể những thăng trầm trong cuộc sống.
Như các bạn thường nói: "Cố lên Việt Nam!"!
Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam