Lộ bất ngờ về ông lớn hàng không sau cú chạy đà hụt của vua hàng hiệu
Lộ bất ngờ về ông lớn hàng không sau cú chạy đà hụt của vua hàng hiệu
Cú "hụt đà" bất ngờ
Trong giới kinh doanh bán lẻ trên thị trường nội địa, ông Johnathan Hạnh Nguyễn được gọi với cái tên "vua hàng hiệu". Chỉ danh xưng trên đã khiến thị trường đủ hiểu về tiếng tăm của vị doanh nhân này. Còn trong giới hàng không, ông Johnathan Hạnh Nguyễn không phải là nhân vật mới lạ, thậm chí nói "đình đám" cũng không quá lời bởi tỷ lệ nắm giữ thị phần kinh doanh dịch vụ tại các cảng hàng không lớn.
Những năm 1985, Johnathan Hạnh Nguyễn hợp tác với FedEx, DHL, UPS và Philippines Airlines để vận chuyển hàng hóa. Vị này cũng từng giữ vai trò là đại diện của Philippines Airlines tại Đông Dương, quản lý các chuyến bay hành khách, hàng hóa; từng làm thanh tra tài chính của Boeing Subcontractors.
Thị trường hàng không suy giảm do Covid-19 là lý do rõ ràng, nhưng hãng bay chuyên biệt chở hàng hóa (freighter) thì ở Việt Nam hiện chưa có. Thị phần vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không quốc tế của Việt Nam đang do hãng nước ngoài khai thác. Thực tế là khi Covid-19 ập tới, các hãng nội địa mới bắt đầu chuyển hướng chở hàng và coi đó là nguồn doanh thu quan trọng để bù đắp thiệt hại.
Với cơ sở nền tảng nói trên, khi ông Johnathan Hạnh Nguyễn tự tin nộp hồ sơ lập hãng bay freighter vào tháng 3, giới khai thác thương mại đã cho rằng đó là nước đi rất sáng của một người am hiểu về hàng không, thậm chí còn sớm đặt ra câu chuyện cạnh tranh thị phần.
Tuy nhiên, sau khi xem xét dự án này, đánh giá cục diện thị trường và tình hình khai thác của các hãng trong nước, các bộ, ngành đã thống nhất gửi báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, không như ông Johnathan Hạnh Nguyễn mong muốn, các cơ quan quản lý đã kiến nghị Thủ tướng "chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay".
Đây có lẽ là cú chạy đà "hụt" đầy bất ngờ đối với ông "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn, chắc rằng nhiều người cũng không khỏi ngỡ ngàng khi nghĩ đó là "cờ đi nước đại" nhưng giờ lại về 0.
Bay chở hàng khó như bay… Mỹ
Tại thị trường Việt Nam hiện nay, các hãng Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines đã được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không bao gồm cả việc chở hành khách và hàng hóa.
Suốt 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch, sản lượng hành khách sụt giảm, các hãng chuyển hướng triển khai bay chuyên chở hàng hóa, gồm cả việc chở hàng trên khoang hành khách nhằm tăng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa và có thêm nguồn thu để bù đắp thiệt hại do dịch Covid-19.
Tính đến ngày 28/6, các hãng hàng không đã hoán đổi 9 tàu bay sang chở hàng theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang. Trong đó, Vietnam Airlines hoán đổi 5 tàu bay gồm 2 tàu bay A321 và 3 "siêu tàu bay" A350; Vietjet Air hoán đổi 4 tàu bay A321. Ngoài ra, một số tàu bay khác (chưa tháo ghế) cũng được chở hàng trên khoang hành khách với điều kiện không chở khách trên cùng chuyến bay.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tỷ trọng doanh thu từ vận tải hàng hóa trong tổng doanh thu từ vận tải hàng không của các hãng hàng không giai đoạn trong dịch đều tăng 3 lần so với giai đoạn trước dịch (tính trong giai đoạn một năm - PV).
Đơn cử như Vietnam Airlines, khi chưa bùng phát dịch, doanh thu vận tải hàng hóa của hãng này chỉ chiếm 10% tổng doanh thu, nhưng trong thời gian qua bay freighter đã mang về nguồn doanh thu chủ lực và "bỏ xa" doanh thu vận tải hành khách.
Số liệu trên cho thấy phân khúc hàng hóa rõ ràng dễ kiếm tiền, nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao lâu nay các hãng không có dự án chở hàng chuyên biệt?
Trao đổi với Dân trí, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - cho biết, thực chất hãng đã nghiên cứu khoảng 4-5 năm nay về bay freighter và đã có dự án thành lập hãng hàng không để khai thác vận tải hàng hóa riêng biệt. Tuy nhiên, hàng không muốn bay freighter thì phải đáp ứng được một số yêu cầu quan trọng.
"Thực tế thị trường cho thấy, muốn bay freighter thì hãng hàng không phải có quy mô đủ lớn, mạng bay rộng để khai thác được tất cả các đơn hàng. Muốn làm được điều đó thì phải đảm bảo có nguồn hàng, chân hàng cho các chuyến bay từ các nước nối với Việt Nam và từ Việt Nam tới các nước" - ông Lê Hồng Hà phân tích.
CEO Vietnam Airlines dẫn chứng về thực tế các hãng bay trong khu vực như Korean Air, China Airlines là các nhà vận chuyển có thị trường hàng hóa rất rộng, quy mô đội bay lớn mới mang lại được nhiều lợi nhuận.
"Ở đây bài toán về quy mô, chân hàng là rất quan trọng. Chúng tôi đánh giá việc tổ chức vận tải hàng hóa trong điều kiện bình thường không có dịch bệnh của Vietnam Airlines chưa mang lại hiệu quả" - ông Lê Hồng Hà nói.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, khi lượng khách đi lại bằng đường hàng không giảm sút, hoạt động vận tải hàng hóa trong 2 năm qua của Vietnam Airlines đã cho thấy hiệu quả tích cực.
"Giai đoạn này cũng là bước tập dượt quan trọng trong kế hoạch tổ chức hãng bay freighter. Chúng tôi đã có đề án và sẽ hoàn thiện thêm để lập hãng hàng không vận tải hàng hóa ngay khi dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi. Nói thật, bay chở hàng khó như bay Mỹ" - CEO Vietnam Airlines cho biết thêm.
Châu Như Quỳnh