Lê la vỉa hè, đút túi tiền triệu mỗi ngày nhờ nổ bỏng gạo
Lê la vỉa hè, đút túi tiền triệu mỗi ngày nhờ nổ bỏng gạo
Dọc tuyến đường Tố Hữu (Hà Nội) không khó để bắt gặp những xe bán bỏng gạo nối đuôi nhau. Giá cho mỗi túi bỏng gạo 200 - 300gram dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/túi.
Để đáp ứng nhu cầu của khách, nhiều dân buôn còn nổ bỏng, bán trực tiếp tại điểm giao dịch. Trong đó, nguyên liệu chính làm bỏng nổ là gạo thường, gạo lứt, kèm theo các gia vị tạo màu, tạo vị như mì tôm, đậu xanh, socola, ngô.
Trung bình mỗi ngày, người thợ sẽ nổ khoảng 100 - 200kg gạo nguyên liệu, thu về cả triệu đồng tiền lãi. Bỏng nổ sau khi ra lò đa phần là hình gậy, rỗng bên trong nên phải cắt ra từng khúc nhỏ, sau đó đựng vào từng túi.
Theo tiết lộ của một người nổ bỏng trên đường Tố Hữu (Hà Nội), bỏng gạo nhà chị gần như tiêu thụ khắp Thủ đô. Đều đặn, cứ vào 8 giờ sáng hàng ngày, 2 vợ chồng chị bắt đầu công cuộc nổ bỏng gạo để bán.
"Thông thường, ông xã tôi sẽ phụ trách khâu nổ bỏng, cắt bỏng, còn tôi thì đảm nhiệm việc đóng gói sản phẩm và giao dịch. Bỏng nhà tôi 100% là gạo sạch, nói không với chất hóa học nên được nhiều người yêu thích. Tính nhẩm nhẩm mỗi ngày, nhà tôi cũng phải nổ tới 80 - 100kg gạo thành phẩm" - chị thông tin.
Là người có kinh nghiệm 5 năm nổ bỏng gạo ở Thủ đô, anh T.K cho biết, mỗi ngày anh bán ra thị trường 400 - 500 túi bỏng gạo với giá 10.000 - 15.000 đồng/túi. Trừ hết chi phí xăng dầu, máy móc, nguyên vật liệu, anh cũng bỏ túi được 1,2 - 1,5 triệu đồng tiền lãi.
"Bỏng gạo rất lành tính, không có chất bảo quản, hóa học nên cả mẹ bầu, trẻ con đều ăn được tất. Hơn nữa, so với các món quà vặt khác, bỏng gạo có giá thành khá rẻ, hợp với túi tiền của nhiều người nên được ưa chuộng. Từ học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp, ai nấy cũng có thể mua bỏng về ăn" - anh kể.
Anh K cho biết, để phục vụ tốt cho công việc, anh phải đầu tư 1 chiếc máy chuyên nổ bỏng với giá 10 triệu đồng và một đôi găng tay xịn có bông cực dày để lấy, cắt bỏng khi ra lò.
"Các nguyên liệu như gạo, đậu xanh, mì tôm sẽ được trộn lẫn lại với nhau trước khi cho vào máy. Nhờ sức nóng của động cơ, gạo và các thành phần sẽ được nghiền nhỏ, kết dính lại với nhau, đi theo một đường ống dài trong máy và tạo hình khối rỗng. Khi mới ra lò, bỏng gậy thường mềm, nóng, nhưng để tầm 3 - 5 phút sau sẽ trở nên giòn, cứng" - anh mô tả.
Ngoài ra, anh K còn cho rằng, công việc nổ bỏng gạo nhìn thì dễ nhưng thực ra lại vô cùng vất vả. Bởi máy nổ bỏng rất hay hỏng, đặc biệt là khi bỏng ra hay có tình trạng cháy nếu cho quá nhiều đường hoặc bị kẹt gạo, hạt trong linh kiện.
Do đó, nếu người thợ không lành nghề, không hiểu về cơ khí thì chỉ có đi tu sửa máy suốt ngày. Hơn nữa, máy móc nổ bỏng phải vệ sinh thường xuyên để tránh bị han rỉ, dẫn đến làm kém chất lượng gạo.
Tương tự, chị H.P, một tiểu thương bán bỏng nổ trên đường Trần Thái Tông (Hà Nội) cho biết, mỗi ngày chị thu về ngót nghét nửa triệu đồng tiền lãi nhờ bán bỏng. Ngoài bán ở vỉa vẻ, chị còn đi rao cho các quán nước, cửa hàng tạp hóa hay các công ty.
"Do nhà tôi là đi nhập bỏng về bán nên lãi cũng không nhiều như thợ tự nổ. Không những thế, giá vẫn phải theo mặt bằng chung, không được bán phá giá. Đơn cử như túi bỏng nhỏ vẫn là 10.000 đồng/túi, túi to là 20.000 đồng/túi. Tính ra mỗi túi, tôi chỉ lãi được từ 2.000 - 2.500 đồng" - chị thông tin.
Đối với chị P, bỏng nổ ngon nhất là thanh bỏng sau khi ra lò không bị cháy, khét. Thân bỏng cứng những vẫn phải có độ giòn, xốp và lên màu tự nhiên.
Hoàng Dung