Không thể sợ hãi vì nhiều đồng bào tôi không thể nhịn thở
Không thể sợ hãi vì nhiều đồng bào tôi không thể nhịn thở
ATM gạo đã trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân cả nước ngay từ những ngày đầu tiên dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam năm 2020. Cha đẻ của sáng kiến này - doanh nhân Hoàng Tuấn Anh - trong những ngày TPHCM căng mình chống chọi với đợt dịch Covid-19 lớn nhất, một lần nữa lại tìm tòi, phát triển dự án cộng đồng mới là ATM oxy.
Trải lòng với Dân trí, anh Hoàng Tuấn Anh khẳng định mình không có quá nhiều tiền để đóng góp cho các hoạt động từ thiện, nhưng có thể dùng ý tưởng, mô hình sáng tạo để giúp được nhiều người, đem lại hiệu ứng lan tỏa.
Ý tưởng ATM oxy đến với anh như thế nào, có liên quan đến mô hình ATM gạo của chính anh trước đây?
- Thời điểm chúng tôi triển khai ATM gạo vào giai đoạn giãn cách năm ngoái, nhiều người thất nghiệp, cần lương thực, thực phẩm. Còn trong hình dịch bệnh hiện tại ở TPHCM, nhiều người trở thành F0 cách ly tại nhà lại cần oxy.
Khi trong nhà có ca F0, người nhà sẽ là F1. Họ không thể tự đi đổi bình oxy được. Các trạm sang chiết bình oxy đa số lại nằm ở ngoại thành, việc vận chuyển rất khó khăn, người dân lại không được ra ngoài sau 18h. Trong khi đó, việc cung cấp bình oxy phải kịp thời vì người bệnh - đồng bào tôi, họ không thể nhịn thở.
Do đó, tôi nảy ra ý tưởng lập trạm trung chuyển bình oxy tại 22 quận, huyện. Địa điểm làm trạm trung chuyển, đặt bình oxy nhận được sự hỗ trợ của cảnh sát phòng cháy chữa cháy để đảm bảo an toàn.
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đảm nhận việc kêu gọi sự đóng góp để có kinh phí thực hiện, mua thiết bị y tế. Thành đoàn TPHCM sẽ kết hợp với các trung tâm y tế quận, huyện để vận hành dự án. Các tình nguyện viên trực tiếp vận chuyển bình oxy từ trạm trung chuyển đến tận nhà cho bệnh nhân khi có yêu cầu. Khi F0 cần đổi bình oxy, tình nguyện viên sẽ đến tận nhà để đổi bình, đem bình rỗng về lại trạm trung chuyển, hoàn toàn miễn phí.
Câu chuyện nào làm anh nhớ nhất từ khi bắt đầu dự án ATM oxy?
- Khi đang chuẩn bị kêu gọi sự đóng góp để làm ATM oxy, tôi nhận được cuộc gọi của phó giám đốc một ngân hàng. Anh kể rằng bố của nhân viên bảo vệ ngân hàng đang cần gấp bình oxy. Nếu trong vài tiếng không có bình oxy, người đó sẽ không qua khỏi.
Lúc đó, dự án thực ra chưa chuẩn bị được gì cả. Nhưng trường hợp quá cấp bách và không thể đợi hơn nữa. Chúng tôi ngay lập tức liên lạc khắp nơi để đưa bình oxy đến nhà họ kịp thời lúc 22h.
Lúc này, dịch bệnh không chừa một ai, từ người khó khăn đến tầng lớp trung lưu hay cả chủ doanh nghiệp. Nhiều người gọi đến số hotline nói bao nhiêu tiền cũng có thể trả, chỉ cần có bình oxy để cứu người nhà. Những cuộc gọi như vậy càng làm chúng tôi phải cố gắng điều phối kịp thời, có thêm nhiều điểm trung chuyển, nhiều bình oxy hơn.
Từng làm ATM gạo, ATM khẩu trang, anh thấy so với các mô hình này thì mô hình ATM oxy khó hay dễ làm hơn?
- Khó khăn lớn nhất hiện tại vẫn là bình oxy. Tôi đang kêu gọi nhiều doanh nghiệp cơ khí trả vỏ bình oxy không dùng đến cho các trạm sang chiết. Có đến hàng trăm nghìn bình oxy như vậy, nếu được tái sử dụng, vệ sinh, kiểm định, có thể sử dụng trong y tế thì sẽ giúp được rất nhiều cho TPHCM và thậm chí cả nước đến hết mùa dịch.
Nếu sử dụng triệt để, chúng ta sẽ không thiếu oxy. Lượng oxy sử dụng trong công nghiệp thời gian này giảm mạnh, nếu chuyển công năng để sử dụng trong ngành y tế sẽ không thiếu. Nhiều doanh nghiệp sản xuất không hoạt động, đang để không bình oxy nhưng chưa trả về cho các trạm sang chiết. Hậu quả là nơi dư, nơi lại thiếu.
Vướng mắc nữa là vấn đề vận chuyển. Các trạm sang chiết bình thường chỉ đưa bình oxy đến bệnh viện một lần mỗi tuần nên không có nhiều xe. Tuy nhiên, hiện tại việc vận chuyển bình oxy cần liên tục trong ngày. Nếu có đủ xe để vận chuyển bình sẽ giảm tình trạng khan hiếm.
Hiện tại mỗi quận, huyện mới có một trạm trung chuyển cũng chưa đủ. Có những địa bàn đi từ đầu này đến đầu kia lên tới 20-30 km. Chúng tôi muốn có thêm nhiều trạm trung chuyển để tình nguyện viên không phải đi xa, bệnh nhân cũng không phải chờ lâu.
Cá nhân tôi đang tiếp tục khảo sát những doanh nghiệp cung cấp oxy, các đơn vị bán vỏ bình, kêu gọi tài trợ, hỗ trợ đưa bình oxy từ nơi sang chiết đến các trạm ở quận, huyện.
Chạy đôn chạy đáo giữa mùa dịch, anh không sợ nguy cơ nhiễm bệnh và có thể lây cho người thân trong gia đình?
- Thật ra, tôi cũng lo lắng. Nhưng các bạn tình nguyện viên vẫn sẵn sàng đi đến nhà các F0 để chuyển bình oxy. Họ cũng có gia đình nhưng vẫn chấp nhận nguy hiểm. Rủi ro của họ lớn hơn tôi rất nhiều, tại sao tôi lại phải ngại.
Hiện tại, khi tôi nhìn xung quanh, hầu như ai cũng có người quen hay người trong gia đình, dòng họ là F0. Chính suy nghĩ nếu người thân của mình trở thành F0 nhưng không nhận được sự hỗ trợ sẽ ra sao càng thúc đẩy tôi thực hiện dự án. Nếu ai cũng sợ trở thành F0 thì làm sao bệnh nhân được giúp đỡ.
Nghĩ đến những trường hợp kêu gọi trong vô vọng để có bình oxy, phải nhìn hơi thở hấp hối của người thân, tôi rất đau xót. Tìm bình oxy không phải quá khó, vấn đề là vận chuyển. Một dự án có thể cứu được nhiều người trong cơn hấp hối thì tôi phải làm đến cùng.
Anh cũng là người làm kinh doanh. Hết làm ATM gạo đến ATM oxy, thời gian đâu để anh lo cho công ty và nhân viên của mình?
- Đúng là việc kinh doanh đang rất khó. Công ty khóa điện tử của tôi có văn phòng ở TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội, nhưng đều đã đóng cửa, chỉ còn hoạt động online. Trong hệ thống khoảng 3.000 đại lý trên Việt Nam và phần lớn cũng đã đóng cửa do nhiều tỉnh, thành giãn cách xã hội. Còn nơi nào mở cửa được họ vẫn bán hàng.
Nhưng khó thì cũng đã khó rồi. Nếu so với các doanh nghiệp như nhà hàng, du lịch, dịch vụ đã đóng cửa 100%, tôi thấy mình vẫn may mắn hơn nhiều. Văn phòng ở TPHCM tôi không phải đi thuê. Chúng tôi cũng có cho thuê bất động sản nên vẫn có nguồn thu tương đối ổn.
Quan trọng nhất là dự án ATM oxy có thể cứu được nhiều người. Khi nhận được những cuộc gọi cầu cứu, tôi luôn nghĩ nếu đó chính là người thân của mình thì mình phải làm gì.
Năm 2018, tôi biết tin mẹ mình bị ung thư. Mẹ phải dùng loại thuốc rất đắt tiền. Một liều khoảng 6.000 USD, 2-3 tuần phải chích một lần trong thời gian dài. Bác sĩ nói mẹ tôi chỉ có chưa đến 1% cơ hội. Nhưng đó là mẹ mình mà, tốn bao nhiêu cũng phải làm. Dù chỉ còn 1% cơ hội cũng phải cố gắng. Được một năm thì mẹ tôi mất. Lúc thực hiện ATM gạo cũng chính là giai đoạn giỗ đầu của mẹ nên tôi càng quyết tâm.
Đứng trên phương diện người thân trong gia đình đang cần oxy, dù chỉ có 1% cơ hội, ai cũng sẽ cố gắng. Nếu dự án này có thể cứu được vài nghìn người, đóng góp của tôi chỉ rất nhỏ nhoi so với kết quả.
Các bạn tình nguyện viên sẵn sàng đưa bình oxy đến nhà các F0. Các doanh nghiệp, hội doanh nhân dù rất khó khăn, đã trải qua 2 năm dịch bệnh, nhiều đơn vị đóng cửa cả tháng nay, nhiều hội ở các tỉnh, thành năm ngoái bị ảnh hưởng nặng bởi lũ lụt, thiên tai, các tỉnh khác cũng đang bùng phát dịch vẫn đóng góp rất nhiều cho chương trình. Mọi người đều đồng lòng, tại sao mình lại không làm? Không những làm mà còn phải làm nhanh hơn, mạnh hơn nữa.
Dự án này không chỉ có ý nghĩa ở TPHCM. Sau khi TPHCM hết dịch, oxy, máy thở sẽ thừa. Chúng tôi sẽ đem mô hình, thiết bị hỗ trợ các tỉnh, thành khác có dịch. Cũng với một số tiền đóng góp, dự án có thể hỗ trợ được nhiều tỉnh, từ một tỷ đồng đóng góp đem lại kết quả như 5-10 tỷ đồng.
Vừa rồi anh đã bán chiếc Mercedes để mua xe bán tải chở ATM gạo. Vậy ngoài bỏ công sức, ý tưởng, anh đã dốc bao nhiêu tiền túi của mình vào các dự án từ thiện?
- Doanh nghiệp của tôi không phải quá lớn. Tôi suy nghĩ mình vẫn đủ ăn, đủ mặc thì sẽ chia sẻ một phần để giúp đỡ người khác cũng không đáng bao nhiêu. Khi chương trình hoạt động sẽ có những chi phí tôi phải tự bỏ ra để thực hiện nhanh, giải quyết các vấn đề cấp bách. Tôi không suy nghĩ đã bỏ ra bao nhiêu tiền mà giúp được bao nhiêu người mới quan trọng.
Nhưng trước đây khi làm ATM gạo, cũng có sự cố lùm xùm, bản thân anh cũng nhận nhiều lời ra tiếng vào. Có bao giờ anh cảm thấy nản lòng?
- Tôi không phải là người quá mạnh mẽ mà khá nhạy cảm. Khi có những lùm xùm, tôi cũng buồn, thấy bị tổn thương vì làm việc thiện nhưng lại có người chửi bới, đe dọa mình.
Sau mỗi chương trình, tôi đều chiêm nghiệm lại, nhận ra dù làm gì cũng sẽ có những ý kiến trái chiều. Tôi nghĩ quan trọng là xã hội được gì, người dân được gì và mất gì. Như ATM gạo, cái được với người dân quá nhiều. Nếu cân đo đong đếm, so với cả triệu lượt người nhận được gạo, một chút áp lực với tôi đâu có là gì. Bản thân tôi chỉ rất nhỏ nhoi so với cả triệu lượt người thì tôi phải tiếp tục làm.
Có những người làm từ thiện 1-2 tháng đã áp lực. Bạn bè cũng hỏi sao tôi làm được ròng rã 2 năm trời. Nhưng số lượng người ủng hộ, các mạnh thường quân đóng góp cho ATM gạo rất nhiều. Chúng tôi đi đến đâu cũng được ủng hộ.
Việc đó ý nghĩa hơn nhiều so với một vài ý kiến không hay. Khi mọi người đã đặt lên vai mình trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết, mong mình hỗ trợ người dân, đồng bào, tôi phải làm. Không có gì hơn tinh thần đoàn kết dân tộc. Với động lực đó, tôi tin chuyện gì cũng có thể làm được.
Anh nói anh không phải người mạnh mẽ, thậm chí là nhạy cảm, vậy khi nhận ý kiến trái chiều, anh có nghĩ sẽ thôi bỏ công sức thực hiện các dự án vì thật ra có thể sẽ có người nghĩ "thôi mình góp tiền làm từ thiện như các cá nhân, tổ chức khác là đã đáng quý rồi"?
- Thật sự tôi không có quá nhiều tiền để đóng góp. Nhưng tôi có sức trẻ, ý tưởng, sự kết nối, đóng vai trò như một chất xúc tác thì tại sao lại không làm.
Như dự án ATM oxy, vấn đề là không thiếu bình oxy nhưng lại không đưa đến người dân kịp thời. Nếu không chuyển bình oxy cho người cần, có đóng góp nhiều tiền cũng không hiệu quả.
Có những doanh nghiệp lớn có thể quyên góp nhiều tỷ đồng. Bản thân tôi chưa đủ khả năng đóng góp tiền tỷ đồng như vậy nhưng có thể nghĩ ra mô hình giúp được nhiều người, tạo ra hiệu ứng lan tỏa, hiệu quả nhân lên nhiều lần.
Với chương trình ATM gạo, chúng tôi chỉ bỏ ra chi phí ban đầu vài trăm triệu đồng, sau đó nhận được số lượng gạo đóng góp đến hơn 3.000 tấn, tương đương vài trăm tỷ đồng. Mô hình cũng được nhân rộng ra cả nước. Với ATM oxy cũng thế, tôi chỉ đóng góp nhỏ bằng ý tưởng nhưng nếu hiệu quả sẽ có ý nghĩa lớn.
Có người góp công, có người góp của mới có kết quả hoàn hảo. Nếu ai cũng đóng góp tiền nhưng tiền chỉ để đó không làm gì cũng sẽ không giúp được nhiều người. Không nhất thiết phải có nhiều tiền mới có thể làm từ thiện tốt mà bắt đầu từ chính những gì mình có, từ sự sáng tạo.
Có nhiều người nói anh để làm PR cho công ty của mình, anh thấy sao?
- Cũng có người hỏi tôi mục đích có phải để PR hay không. Bản thân tôi cho rằng các doanh nghiệp, đặc biệt ở thời điểm đất nước, người dân đang khó khăn, thay vì chi vài trăm tỷ đồng cho quảng cáo nếu để dành làm từ thiện chính là cách quảng cáo tốt nhất.
Làm như vậy vừa giúp đỡ trực tiếp nhiều người khó khăn, vừa giúp người tiêu dùng có thiện cảm hơn với doanh nghiệp, tốt cho chính họ. Tôi cũng khuyến khích những doanh nghiệp thay vì chỉ nói mình tốt có thể trực tiếp làm những việc tốt để người tiêu dùng cảm nhận.
Chính những chương trình từ thiện là cách quảng cáo hiệu quả nhất, giúp được nhiều người nhất, đặc biệt vào lúc này, tại sao lại không làm.
Vậy việc kinh doanh của anh có tốt hơn từ khi anh làm ATM gạo?
- Dù kinh doanh gì, quan trọng nhất vẫn là sản phẩm và dịch vụ thế nào. Trong 10 năm làm khóa điện tử, bỏ ra chục tỷ đồng để làm các phòng thử nghiệm, hiện tại, chúng tôi đang dẫn đầu thị phần, đã xây dựng hệ thống bán hàng hơn 3.000 điểm, hệ thống bảo hành hơn 30 điểm. Các công ty đứng thứ 2, thứ 3 chỉ có vài điểm bảo hành.
Tất nhiên, sau khi tôi làm ATM gạo, nhiều người cũng biết đến, cảm mến mình hơn. Đó cũng là cơ hội nhưng nắm bắt được hay không còn tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm. Có những khách hàng để ý hơn đến công ty tôi nhưng nếu sản phẩm, dịch vụ không tốt, họ sẽ không lựa chọn. Tôi nghĩ đó là sự cạnh tranh công bằng.
Từ việc kinh doanh đến làm từ thiện, anh lúc nào cũng có nhiều ý tưởng mới nhưng hình như gặp nhiều việc không suôn sẻ, như dự án chợ đêm container chẳng hạn?
- Gần đây, gặp lại một anh chủ tịch quận, anh ấy vẫn nói mô hình chợ đêm container của tôi rất hay nhưng chưa có cơ chế phù hợp. Tôi nghĩ cái gì mới khi làm cũng sẽ khó khăn, nhiều khi đi sớm quá không thành công. Biết đâu chợ đêm container có thể 5-10 năm sẽ lại là hiện tượng.
Hay trong 10 năm tôi làm khóa điện tử, gần như 5 năm đầu không ai sử dụng. 7-8 năm đầu chỉ lỗ và lỗ nhưng tôi vẫn kiên trì, cải tiến sản phẩm đến cùng. Đến giờ, gần như dự án chung cư nào cũng dùng khóa điện tử, nhiều gia đình tìm mua.
Có thể tôi đi hơi sớm nhưng luôn tin tưởng nếu kiên trì, sẽ có đột phá. Như ATM gạo là mô hình hoàn toàn mới, khi bắt tay làm cũng có nhiều khó khăn. Nhưng một khi thành công thì thành công đột phá, chỉ trong thời gian ngắn đã phát được đến 3.000 tấn gạo.
Vậy sau những dự án từ thiện, anh thấy mình nhận được gì?
- Khi tôi gặp những người bà con xa trong dòng họ, những người chưa từng quen biết hay cả những người ở các chức vụ cao, họ biết mình làm ATM gạo nên rất quý mến, coi mình như người thân trong nhà, tay bắt mặt mừng. Tôi rất vui.
Không có gì quý hơn khi nhận được sự cảm mến của nhiều người dân, các cơ quan Nhà nước. Tôi rất tự hào, hãnh diện, hạnh phúc khi được công nhận là một công dân có đóng góp.
Vậy còn sự công nhận của gia đình với anh thì sao?
- Ba là một hình tượng rất lớn với tôi. Ba phải bỏ ra tới 13 năm học bác sĩ, mười mấy tuổi đã phải đi học xa nhà. Ba tôi cũng dành 15 năm hỗ trợ các bệnh nhân phong cùi.
Tôi nghĩ đã làm ba tự hào về đứa con của mình. Khi tôi làm ATM gạo, tôi thấy ba rất vui, hãnh diện với bà con, dòng họ, bạn bè của ba. Tôi chỉ hơi buồn mẹ đã mất, không kịp chứng kiến.
Còn hai con của tôi hỏi tại sao ba lại được lên tivi. Tôi nói với con: "Vì ba làm việc thiện, giúp đỡ được nhiều người nên được lên tivi. Sau này con cũng làm việc thiện giúp người sẽ được lên tivi như ba".
Mong muốn lớn nhất của anh lúc này là gì?
- Tôi chỉ hy vọng chung tay, góp sức để giảm thiểu số người chết trong đại dịch, cứu được càng nhiều người càng tốt. Mất đi người thân là việc rất đau xót. Mà đại dịch đã cướp đi rất nhiều người thân của các gia đình. Có nhà có đến 3-4 người ra đi vì Covid-19.
Tôi nghĩ 1-2 năm nữa, dịch bệnh cũng sẽ qua. Nhưng vấn đề là dịch bệnh để lại nhiều nỗi đau hay không. Thời điểm này, tôi mong tất cả người dân chúng ta đoàn kết vượt qua đại dịch.
Bài viết: Việt Đức
Ảnh: NVCC
Đồ họa: An Nhi