Hạn chế ra ngoài mùa dịch Covid-19, người Sài Gòn tăng mua thực phẩm

31/05/2021, 03:15

Hạn chế ra ngoài mùa dịch Covid-19, người Sài Gòn tăng mua thực phẩm

Hạn chế ra ngoài mùa dịch Covid-19, người Sài Gòn tăng mua thực phẩm - 1

Người dân đến các tiệm tạp hóa tại quận 3, quận 10 để mua hàng hóa (Ảnh: Đại Việt).

Người Sài Gòn tăng mua thực phẩm

Trên đường Đỗ Thị Lời (quận 3), một tiệm tạp hóa đông nghẹt khách. Hàng chục người dân đứng chờ giữa trời nắng để mua hàng.

Bà Nguyễn Thị Năm đang đợi chủ tiệm tạp hóa đưa hàng ra để mua mì, phở gói, trứng, xúc xích, thịt hộp... Bà Năm cho biết mua nhiều thực phẩm để ăn dần nhằm hạn chế phải ra ngoài trong những ngày Covid-19. Mấy ngày nay, các thành viên gia đình bà không đi đâu. Các con của bà cũng chuyển qua chế độ làm việc ở nhà từ hôm nay.

Ông Tùng, chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Tô Hiến Thành (quận 10), cho biết, từ đầu giờ chiều ngày 30/5, lượng khách mua thực phẩm tại cửa hàng ông đã tăng đột biến.

"Lượng khách tăng 2 lần so với những ngày trước. Vợ chồng tôi bán không nghỉ tay, phải nhờ đứa cháu gái ra bán phụ. Chúng tôi đang lấy thêm hàng về để kịp phục vụ người dân", ông Tùng nói.

Hạn chế ra ngoài mùa dịch Covid-19, người Sài Gòn tăng mua thực phẩm - 2

Các siêu thị đông khách (Ảnh: M.T.N).

Tại các trung tâm mua sắm lớn, lượng khách cũng đông hơn các ngày thường. 

Trong một siêu thị trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), lượng người dân đi mua sắm rất đông đúc do là ngày cuối tuần. Một số người dân cũng mua thêm thực phẩm để hạn chế ra đường trong những ngày dịch Covid-19 "nóng" tại TPHCM. 

Chị Huỳnh Kim Thảo chia sẻ, cuối tuần nào gia đình chị cũng đi mua sắm ở đây. Tuy nhiên, hôm nay gia đình mua nhiều hơn so với ngày thường vì thành phố chuẩn bị giãn cách xã hội.

"Bình thường tôi mua khoảng 2 kg thịt heo thì hôm nay tôi mua 3 kg. Tôi cũng mua thêm bầu xanh, bí đỏ, cà rốt, dưa leo… những loại rau củ để được lâu ngày. Có thực phẩm sẵn trong nhà thì mình càng đỡ phải ra ngoài", chị Thảo nói.

Hạn chế ra ngoài mùa dịch Covid-19, người Sài Gòn tăng mua thực phẩm - 3

Người dân mua thêm thịt, cá, tôm và rau củ quả song song với các loại đồ hộp, thực phẩm đông lạnh (Ảnh: Đại Việt).

Tính đến 17h, bãi gửi xe ở tầng hầm của siêu thị Big C trên đường Phạm Ngũ Lão (Gò Vấp) gần như kín chỗ. Bảo vệ bãi xe cho biết lượng khách đến siêu thị chiều nay, trước thời điểm quận Gò Vấp thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, tăng đột biến. 

Phía bên trong, khách xếp hàng đợi nhân viên siêu thị xịt khuẩn sát trùng tay để vào mua sắm. Siêu thị cũng liên tục phát thông báo yêu cầu khách hàng mua sắm đeo khẩu trang, giữ khoảng cách để thực hiện đúng chủ trương 5K.

Tuy nhiên, với lượng người đông nghịt, khách hàng liên tục va vào nhau khi đẩy xe, lựa đồ tại nhiều quầy hàng và không thể giữ khoảng cách 2 mét như khuyến nghị. Các khu vực tập trung đông khách nhất gồm hàng tươi sống như thịt, cá, đồ khô như mì ăn liền.

Hạn chế ra ngoài mùa dịch Covid-19, người Sài Gòn tăng mua thực phẩm - 4

Quầy thịt bò bên trong một siêu thị gần như trống trơn cuối giờ chiều 30/5 (Ảnh: Nhân Cơ).

Lượng khách lớn khiến một số quầy hàng bị "vét sạch", nhân viên liên tục kiểm kê, bổ sung hàng lên kệ nhưng không kịp phục vụ khách. Tại quầy thịt gà, một nhân viên liên tục xếp thêm hàng vào tủ và đề nghị khách thông cảm "còn cái gì lấy cái đó" khi liên tục nhận được câu hỏi "còn đùi không, còn chân gà không". 

Tại khu vực thanh toán, Minh Tú (25 tuổi) đợi gần 40 phút mới đến lượt tính tiền với những xe hàng đầy ắp từ thịt, cá, rau củ đến các thùng mì ăn liền, sữa, giấy vệ sinh. Tại quầy của Tú, khoảng 20-30 người chen chúc cạnh nhau trong khi loa của siêu thị liên tục đề nghị khách mua sắm giữ khoảng cách. 

"Chưa thấy ngày nào đông như vậy", Tú thốt lên dù hay đi siêu thị vào cuối tuần. Trong làn đợi thanh toán của mình, Tú nghe lời cảm thán "đông hơn cả đi chợ chiều 30 Tết, tôm, cá, thịt cái gì cũng hết" từ những khách hàng xếp hàng bên cạnh. 

Nhiều khách hàng mua sắm hàng hóa với số lượng lớn, hóa đơn lên đến vài triệu đồng. Do đó, thời gian tính tiền càng kéo dài khiến nhiều khách xếp hàng phía sau càng phải chờ lâu. Tại mỗi quầy, chỉ có một nhân viên thu ngân vừa tính tiền, vừa bỏ hàng vào túi cho khách. Nhiều người chủ động tự bỏ hàng hóa vào túi sau khi mua sắm, không đợi nhân viên siêu thị, để tiết kiệm thời gian. 

Hạn chế ra ngoài mùa dịch Covid-19, người Sài Gòn tăng mua thực phẩm - 5

Nhiều khu vực mì ăn liền cũng bị "vét sạch" tại siêu thị (Ảnh: Nhân Cơ).

Đến 18h, số lượng khách đến Big C Gò Vấp vẫn rất đông. Siêu thị phải hạn chế khách vào bãi giữ xe, mua sắm. Hơn 10 người đứng đợi bên ngoài, đợi đến khi có khách rời siêu thị, mới được vào bên trong. Bảo vệ siêu thị phải liên tục nhắc nhở khách xếp hàng đứng cách nhau 2 mét. 

Trước tình trạng quá tải, đông đúc, nhiều người ngồi bên ngoài đợi người thân mua sắm thay vì vào trong. Ông Cường (phường 7, Gò Vấp), đợi vợ gần một giờ đồng hồ ở ngoài cửa siêu thị, cho biết hai vợ chồng tranh thủ mua ít thực phẩm để từ ngày mai hạn chế ra khỏi nhà. 

Không lo thiếu hàng

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, hai nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp trong đợt này là đảm bảo an ninh lương thực, môi trường mua sắm an toàn cho người dân. Hệ thống sẽ phối hợp với nhà cung cấp, đối tác để luân phiên giảm giá, khuyến mại các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng, hạn chế tối đa việc giá cả bị đẩy cao, tăng bán hàng qua điện thoại, giao tận nơi... 

Ít nhất 6 tháng tới, hàng hóa tại hệ thống bán lẻ của đơn vị này đủ để cung cấp cho người dân với mức giá bình ổn. 

Bà Nguyễn Thị Phương, đại diện hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+, cũng chia sẻ, đơn vị đảm bảo cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, bình ổn giá, áp dụng khuyến mại với hàng thiết yếu, không có hiện tượng khan hàng khiến giá bán tăng hay thiếu hàng, linh động xây dựng phương án giao hàng tiện lợi, khuyến khích khách đặt hàng online...

Đại diện các hệ thống bán lẻ lớn như Central Retail, VinCommerce đều khẳng định hàng hóa tại TPHCM vẫn dồi dào, được cung ứng liên tục, đủ sức phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, không xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng ở bất cứ khu vực nào.

Sở Công Thương TPHCM cũng khẳng định hàng hóa nhu yếu phẩm trên địa bàn thành phố đủ để cung cấp cho người dân trong nhiều tháng với giá cả ổn định. Hệ thống siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng thiết yếu vẫn mở cửa hoạt động bình thường trong thời gian TPHCM giãn cách xã hội.

Đại Việt - Nhân Cơ