Gừng đen có gì đặc biệt mà giá bán siêu đắt vẫn săn lùng, tranh mua?

16/07/2021, 03:11

Gừng đen có gì đặc biệt mà giá bán siêu đắt vẫn săn lùng, tranh mua?

Gừng đen (hay còn gọi là ngải tím) là một loại thực phẩm quen thuộc hay được dùng để làm thuốc. Thông thường, mùa thu hoạch gừng đen kéo dài trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Chị Nguyễn Mai - một đầu mối buôn đồ rừng - cho biết, củ gừng đen có hình dáng bên ngoài không khác gì củ gừng ta nhưng bên trong có màu tím đậm. Do cây có sản lượng thấp, khó trồng nên giá gừng đen luôn neo ở mức cao, một cân có thể lên tới nửa triệu đồng.

"Gừng đen có nhiều công dụng như kích thích tiêu hóa, kháng khuẩn, chống nấm, giảm stress và các bệnh về tiểu đường nên được nhiều người tìm mua. Ở Việt Nam, gừng đen vẫn chưa được trồng nhiều nên dân buôn hay nhập hàng bên Lào về bán" - chị Mai nói.

Gừng đen có gì đặc biệt mà giá bán siêu đắt vẫn săn lùng, tranh mua? - 1

Gừng đen hay còn gọi là ngải tím.

Theo chị Mai, gừng đen thường được khách mua về rửa sạch, thái lát rồi phơi khô. Trung bình, cứ 2-3 cân gừng tươi mới cho ra thành phẩm được một cân gừng khô, cho nên khách thường mua số lượng lớn về dùng dần.

"Cứ vào vụ là tôi phải đi khắp nơi gom hàng để dự trữ, bán quanh năm. Hiện nay, giá gừng đen tôi đang bán là 350.000 - 450.000 đồng/kg" - chị Mai tiết lộ.

Gừng đen có gì đặc biệt mà giá bán siêu đắt vẫn săn lùng, tranh mua? - 2

Gừng đen có giá bán khá đắt đỏ, dao động 400.000 - 500.000 đồng/kg.

Tương tự, chị Thủy Tiên (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, thời điểm hiện tại đang là trái vụ gừng đen nên giá bị đẩy lên cao, hàng loại một có thể cán mốc 400.000 - 500.000 đồng/kg. Để có được nguồn hàng phong phú, dồi dào, chị phải săn lùng, thu mua của người dân ở nhiều vùng như Tây Bắc hoặc Tây Nguyên.

"Hiện nay, do gừng được trồng rộng rãi cả ở trung du và các tỉnh vùng đồng bằng nên giá đã hạ hơn trước. Giá cho một cân hàng khô, chất lượng hiện chỉ còn khoảng nửa triệu đồng. Ngoài mua trực tiếp ở cửa hàng, giờ đây khách có thể mua trên chợ mạng hay các sàn thương mại điện tử" - chị nói.

Được biết, từ đầu năm đến nay, nhà chị Tiên đã bán ra thị trường khoảng 15 kg gừng đen, khách mua đa phần đều phải đặt trước do hàng không có nhiều.

Anh Đỗ Trọng Nghĩa (ở Lạng Sơn) cho hay, ngoài bán nguyên củ, anh còn bán cả bột gừng đen. Đa phần, hàng nhà anh là nhập từ bên Lào về do nguồn trong nước không đủ cung ứng.

"Lý do khiến mặt hàng này đắt đỏ, được nhiều người quan tâm là bởi chúng có thể làm giảm viêm, giảm mụn, chống viêm loét dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa" - anh thông tin.

Tuy nhiên, anh Nghĩa cũng cảnh báo, trên thị trường hiện có nhiều người rao bán mặt hàng này nên khách mua cần tìm địa chỉ uy tín, tin cậy để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

An Chi