Giàu nhất nước nhưng người dân TPHCM sở hữu xe hơi thua xa tỉnh lẻ
Giàu nhất nước nhưng người dân TPHCM sở hữu xe hơi thua xa tỉnh lẻ
Theo báo cáo về đợt tổng điều tra dân số, nhà ở của Tổng cục Thống kê, bình quân sở hữu xe/hộ gia đình của cả nước là hơn 5,7%. Trong đó, khu vực thành thị là hơn 9,5%, khu vực nông thôn chỉ 3,5%.
Đồng bằng sông Hồng hiện có tỷ lệ gia đình sở hữu xe hơi cao nhất với 7,9%, cao hơn 2,2% so với bình quân chung của cả nước. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ gia đình sở hữu xe hơi thấp nhất cả nước, chỉ đạt 2,5%.
Hà Nội là địa phương có tỷ lệ gia đình sở hữu xe hơi cao nhất cả nước với hơn 12,9%. Đà Nẵng đứng thứ 2 với 10,7%. Thái Nguyên đứng thứ 3 với 10,3%. Tiếp đến là Quảng Ninh, Vĩnh Phúc...
Các trung tâm tỉnh lỵ (thành phố của các tỉnh), dân sống ở thành phố Lào Cai, Bắc Giang có số hộ sở hữu xe hơi cao nhất cả nước với hơn 19%, dân thành phố Thái Nguyên và Lạng Sơn có tỷ lệ số hộ có xe hơi là 17-18% số hộ.
TPHCM dù là trung tâm phát triển kinh tế năng động nhất cả nước, một trong những địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất song tỷ lệ người dân sở hữu xe hơi khá khiêm tốn, thậm chí không thuộc top 10 địa phương có tỷ lệ dân sở hữu xe hơi của cả nước.
Cụ thể, tỷ lệ người TPHCM sở hữu xe hơi chỉ đạt 6,7%, kém so với nhiều địa phương như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng và thậm chí Vĩnh Phúc.
Tỷ lệ số dân thành thị của TPHCM sở hữu xe hơi cũng chỉ đạt 7,1%, thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ sở hữu xe hơi của thị dân ở các đô thị nhỏ trực thuộc tỉnh Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai...
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm kinh tế theo địa phương (GRDP) năm 2020 TPHCM đứng đầu với 1,37 triệu tỷ đồng, thu nhập bình quân trên người đạt 6.328 USD/người, đóng góp 22% tổng GDP cả nước và 27% thu ngân sách. Hà Nội đứng thứ hai, Bình Dương xếp thứ 3. Các vị trí tiếp theo thuộc về Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Bắc Ninh.
An Linh