Giá vàng tiếp tục tăng, cá mập xả hàng
Giá vàng tiếp tục tăng, cá mập xả hàng
Sáng nay (2/9), giá vàng SJC tại Hà Nội được niêm yết ở mức 56,5 - 57,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại TPHCM, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 56,7 - 57,4 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, lúc 8h sáng (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay qua niêm yết của Kitco.com hiện có biên độ tăng nhẹ 0,7 USD, giao dịch ở mức 1.815,3 USD/ounce.
Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ khác trong rổ tiền tệ nhích nhẹ 0,06%, chạm ngưỡng 92,692.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,324%.
Việc quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới trở lại xu hướng bán ròng cũng khiến cho thị trường gặp ít nhiều khó khăn. Chốt phiên giao dịch cuối tháng 8, quỹ SPDR hạ lượng vàng nắm giữ 1,46 tấn xuống 1.000,26 tấn - thấp nhất từ tháng 4/2020.
Giá vàng giao dịch ở mức cao do thị trường phản ứng với dữ liệu sản xuất tháng 8 của Mỹ. Viện Quản lý Cung ứng (ISM) Mỹ cho biết, chỉ số sản xuất tháng này ghi nhận ở con số 59,9%, tăng nhẹ so với mức 59,5% của tháng 7 và cao hơn nhiều so với dự báo là giảm xuống còn 58,5%.
Tổ chức ADP hôm 1/9 cho biết, trong tháng 8 đã có 374.000 việc làm được tạo ra tại Mỹ, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Trước đó, các dự báo cho rằng, số lượng việc làm được tạo ra trong tháng vừa qua ở quanh mức 640.000.
Theo các nhà kinh tế, có rất nhiều sự chú ý dồn vào thị trường lao động vì đây là nhân tố trọng yếu ảnh hưởng tới kế hoạch của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong việc quyết định thời điểm giảm mua trái phiếu.
Giá vàng đang đối mặt với một số khó khăn, được định giá quá thấp và có khả năng thị trường sẽ chứng kiến một đợt điều chỉnh tăng. Một trong những lý do khiến vàng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lực kéo là bởi các nhà đầu tư tin lạm phát sẽ chỉ là tạm thời.
Giám đốc nghiên cứu của WisdomTree Nitesh Shah dự báo, giá vàng sẽ tăng lên 1.970 USD/ounce vào quý IV và sau đó chững lại về mức 1.860 USD/ounce vào quý II/2022.
An Hạ