Gà đẻ trứng vàng liên tục mất doanh số, nội địa hóa xe Việt lo chết yểu
Gà đẻ trứng vàng liên tục mất doanh số, nội địa hóa xe Việt lo chết yểu
Doanh số giảm mạnh
Theo số liệu được Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, hết tháng 6, doanh số bán các mẫu xe thương mại trên 9 chỗ ngồi của Việt Nam đạt hơn 34.000 chiếc. So với cùng kỳ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, doanh số các mẫu xe thương mại tăng hơn 5.500 chiếc.
Tuy nhiên, so với khi chưa có dịch 6 tháng năm 2019, doanh số các mẫu xe thương mại bán ra tại Việt Nam hiện giảm gần 1.000 chiếc; so với 6 tháng năm 2018 giảm hơn 2.700 chiếc; so với cùng kỳ năm 2017 giảm hơn 10.500 chiếc; và cùng kỳ năm 2016 giảm hơn 14.600 chiếc.
Như vậy, so với cùng kỳ của các năm trước, doanh số các mẫu xe thương mại tại Việt Nam hiện nay có sự suy giảm rất mạnh, đặc biệt so với cùng kỳ năm 2016 giảm hàng chục nghìn chiếc. Trong khi đó, dòng xe thương mại được coi là "gà đẻ trứng vàng" cho các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam.
Các mẫu xe trên 9 chỗ ngồi, 29 và 45 chỗ ngồi hiện đều được nội địa hóa từ 70% đến 90% tại Việt Nam. Các doanh nghiệp ô tô sản xuất xe thương mại lớn là Thaco, TMT, VEAM, TC Motor, Ford, Mercedes-Benz... đều có doanh số xe thương mại không cao trong 2 năm gần đây.
Theo đại diện doanh nghiệp lắp ráp xe thương mại cỡ lớn phía Nam, tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe thương mại của hãng này đạt 95%, tức là chỉ gắn thương hiệu, thậm chí có thương hiệu riêng. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây doanh số xe thương mại không cao do dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành vận tải xe khách và lữ hành.
Đại diện doanh nghiệp ô tô phía Nam cho rằng, lợi nhuận xe thương mại xét trên tỷ lệ nội địa hóa, tỷ lệ nội địa hóa càng cao, lợi nhuận càng tốt. Chính vì vậy, xe thương mại lâu nay được nhiều doanh nghiệp coi là "gà đẻ trứng vàng" cho các doanh nghiệp, trong khi đó các mẫu xe dưới 9 chỗ ngồi lắp ráp khá phức tạp, lợi nhuận không cao do phải nhập đa số linh kiện từ công ty mẹ.
Thực tế không phải đến năm 2020 và 2021 doanh số xe thương mại mới giảm mà từ năm 2019 doanh số bán xe thương mại của các thành viên VAMA đã suy giảm.
Cụ thể, năm 2020, doanh số xe thương mại đạt 65.600 chiếc, năm 2019 là hơn 72.800 chiếc, năm 2018 là hơn 78.900 chiếc, năm 2017 là hơn 93.500 chiếc và năm 2016 là hơn 99.0000 chiếc.
Như vậy, so với năm 2016, doanh số xe năm 2020 đã giảm hơn 33.000 chiếc, tương đương khoảng 50% sản lượng bán ra. Con số này rất đáng lo ngại cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Trong khi đó, hầu như các mẫu xe tải của các doanh nghiệp Việt đều thua thiệt so với các hãng xe nhập hoặc liên doanh, 100% vốn nước ngoài. Bởi các mẫu xe siêu trường siêu trọng tại Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu về từ Trung Quốc. Các mẫu xe tải cỡ nhỏ thuộc về liên doanh, phân khúc xe đông lạnh đang là cuộc đấu quyết liệt giữa các hãng xe nội địa và xe liên doanh. Tuy nhiên, thị trường này không có nhiều dư địa tốt cho các hãng.
Đi tìm nguyên nhân "gà đẻ trứng vàng" sụt giảm
Theo giới chuyên gia về ô tô, sở dĩ doanh số bán xe thương mại giảm trong vài năm trở lại đây là do tác động của thị trường xe thương mại toàn cầu, tổng cầu suy giảm. Đặc biệt, hai năm trở lại đây dịch Covid-19 khiến hoạt động du lịch tê liệt, vận tải hành khách trồi sụt nên các hãng không đầu tư mới xe.
Việc doanh số bán ra giảm khiến sản lượng và công suất sản xuất, lắp ráp xe thương mại của nhiều doanh nghiệp xe hơi tại Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các công ty con cung ứng linh phụ kiện giảm đơn hàng. Trong khi thị trường xuất khẩu xe thương mại Việt Nam hiện chỉ trông chờ vài nước ASEAN như Lào, Myanmar hay Campuchia.
Theo ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia về ô tô, các doanh nghiệp ô tô Việt Nam cần đa dạng hóa chủng loại xe thương mại để cạnh tranh với xe nhập khẩu, ngoài ra phương án quan trọng là các doanh nghiệp sản xuất ô tô cần giảm giá thành để hỗ trợ các hợp tác xã dịch vụ vận tải, doanh nghiệp vận tải nhỏ.
Bên cạnh đó, việc suy giảm thị trường xe hơi nói chung và tổng cầu giảm mạnh do đại dịch kéo dài có thể khiến một số dòng xe thương mại có tỷ lệ nội địa hóa cao, có tỷ suất lợi nhuận lớn và là thế mạnh của doanh nghiệp Việt lâm vào tình trạng "chết yểu" nếu chậm được tái cơ cấu từ doanh nghiệp và hỗ trợ từ chính sách của Chính phủ.
Nguyễn Tuyền