Đưa ong mật từ đất liền ra đảo, 9X thắng lớn thu tiền tỷ
Đưa ong mật từ đất liền ra đảo, 9X thắng lớn thu tiền tỷ
Chuyến du lịch đáng giá
Sau khi tốt nghiệp đại học ngành công nghệ Hóa, anh Lê Văn Ngọc, sinh năm 1992, quê ở huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) đi làm cho một công ty nhôm với mức lương khá cao. Năm 2017, anh họ của Ngọc mở một xưởng sản xuất nhôm ở Phú Quốc (Kiên Giang). Do đã có kinh nghiệm về nghề, Ngọc cùng ra đảo để phụ giúp anh.
Trong quá trình sinh sống, trải nghiệm trên đảo, Ngọc nhận thấy, môi trường ở đây rất trong lành, điều kiện tự nhiên tốt, phù hợp với việc nuôi ong lấy mật.
"Cơ duyên đưa tôi đến với nghề nuôi ong xuất phát từ một chuyến du lịch tới Lâm Đồng năm 2014. Tôi thấy, mô hình nuôi ong ở đây rất phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao nên cứ tìm hiểu dần dần. Sau này, khi ra đảo, tôi nhận ra, Lâm Đồng và Phú Quốc có những điểm tương đồng về khí hậu, thiên nhiên, hợp việc nuôi ong nên quyết định khởi nghiệp", anh chia sẻ.
Nghĩ là làm, cuối năm 2017, Ngọc nói với anh họ sẽ không làm nhôm nữa mà muốn phát triển mô hình nuôi ong mật. Ngọc liên hệ với một số nhà cung cấp ong ở Bình Phước để mua con giống. Anh đặt mua 250 đàn ong với giá 120.000 - 130.000 đồng/cầu, trung bình, cứ một đàn ong sẽ có 6 - 7 cầu.
"Tôi phải thuê xe ô tô, đi liên lục một ngày một đêm để vận chuyển ong từ đất liền ra đảo. May mắn là hành trình thuận lợi, số lượng ong chúa vẫn giữ nguyên, chỉ bị chết một số con ong thợ", anh nhớ lại.
Để cho ong có môi trường, khu vực sinh sống tốt, anh Ngọc bỏ ra 85 triệu đồng/năm để thuê đất chăm nuôi. Khu vực này gần rừng nguyên sinh nên rất lý tưởng cho ong sinh sống và cho chất lượng mật tốt.
"Hồi đó, để đầu tư trang trại nuôi ong, tôi bỏ ra gần 1 tỷ đồng để đầu tư, trong đó, quá nửa là tiền đi vay. Mới đầu, chưa có kinh nghiệm, tôi phải nhờ 2 người anh thân thiết ra đảo hỗ trợ, hướng dẫn việc nuôi ong. Đến mùa thu hoạch thì tôi thuê thêm 2 - 3 người dân sinh sống ở đây đến phụ giúp", anh nói.
Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, anh Ngọc gặp không ít khó khăn, đặc biệt về việc chăm sóc ong sao cho hợp lý. Nhiều khi, ong bị bệnh, anh phải loay hoay mãi mới tìm ra nguyên nhân. Cho nên, trong năm đầu nuôi, khoảng 60 đàn ong đã bị chết, gây thiệt hại lớn.
"Khi bắt tay vào nuôi, tôi mới hiểu, ngoài chăm sóc thì việc hiểu rõ đặc tính về loài là rất quan trọng. Cụ thể, ong là loài ưa sạch sẽ nên mỗi tuần một lần, tôi đều phải lên dọn dẹp khu nuôi, hay bắt bệnh chuẩn xác cho ong, từ đó mà tìm ra những giải pháp phù hợp", anh nói.
Sáng tạo không ngừng
Sau thời gian sinh sống, làm việc dài trên đảo, anh Ngọc nhận ra, Phú Quốc có tiềm năng rất lớn về du lịch. Do đó, ngoài việc nuôi ong lấy mật, anh đã mở thêm mô hình du lịch trải nghiệm, đón đến khách tham quan.
"Nếu không có dịch Covid-19, quanh năm ở Phú Quốc đều làm du lịch. Nơi đây có nhiều điểm tham quan, mô hình du lịch trải nghiệm có tiếng như khu vườn sim, vườn trồng tiêu, làng sản xuất nước mắm. Cho nên, tôi cũng muốn trang trại ong sau này sẽ là một điểm dừng chân yêu thích" anh cho hay.
Đến tháng 8/2017, mô hình du lịch của anh Ngọc đã đi vào hoạt động và thu được nhiều tín hiệu khả quan. Khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm ở trang trại ong của anh rất đông.
"Nhớ những ngày đầu, trang trại chuyển sang làm du lịch, tôi phải đi khắp nơi, đến các nhà hàng, khách sạn để phát tờ rơi quảng cáo hay nhờ các anh em, bạn bè giới thiệu giúp. Thậm chí là tôi phải bỏ ra một số tiền lớn để chạy quảng cáo trên các nền tảng, vì mô hình của mình mới, chưa ai biết tới cả", anh tâm sự.
Thời gian đầu, ngoài khó khăn trong việc tìm khách thì anh Ngọc còn phải xử lý tính an toàn cho khu nuôi. Bởi mỗi khi lượng gió, thời tiết thay đổi, đàn ong rất hăng, nếu không biết cách khống chế, chúng có thể gây nguy hiểm cho khách tham quan. Do đó, mỗi khi có khách đến tham quan, anh thường phải đốt khói trước, làm giảm độ hăng của ong và phát mũ, đồ bảo vệ cho khách.
"Hiện nay, trang trại nuôi ong của tôi gồm khoảng 10 nhân viên, người thì phụ trách bán hàng, người thì dẫn khách, người thì thu hoạch mật. Chúng tôi không thu vé mà mở cửa miễn phí, nguồn thu đến từ việc khách mua các sản phẩm từ mật ong", anh thông tin.
Vượt khó qua đại dịch
Nhờ hoạt động hiệu quả, mỗi năm, trang trại ong của anh Ngọc đều mang về từ 2 đến 3 tỷ đồng doanh thu. Nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, cũng như bao ngành khác, 9X Phú Thọ cũng phải đối mặt với bức tranh tài chính ảm đạm.
"Hơn một năm nay, ngành du lịch gần như là đóng băng khiến việc kinh doanh của tôi cũng gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, tôi đã nhanh chóng chuyển đổi mô hình để thích ứng với tình hình mới", anh nói.
Hiện nay, anh Ngọc đang đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển đa dạng các sản phẩm như mật ong nguyên chất, mật ong nghệ tươi, mật ong ngâm đào, mật ong ngâm tỏi để phục vụ nhu cầu của thượng khách.
Tính trung bình, mỗi năm, anh thu về khoảng 3.000 lít mật ong, mỗi lít sản phẩm được bán với giá là 700.000 đồng.
"Điều quan trọng nhất của một sản phẩm là chất lượng nhưng việc tiếp thị, quảng cáo cũng quan trọng không kém, nên thời gian này, tôi muốn tập trung phát triển thương hiệu. Do sản phẩm mật ong nguyên chất đóng chai của nhà tôi hiện vẫn chỉ cung cấp chủ yếu cho thị trường Phú Quốc", anh thông tin.
Giải thích về việc này, anh Ngọc cho hay, anh phải mất tới 4 năm để tạo nên một thương hiệu. Do đó, khi quyết định mang sản phẩm đi xa, anh cần chuẩn bị mọi thứ chu toàn, để giảm thiểu rủi ro.
Ngoài ra, anh còn cho cải tạo, xây dựng lại các khu vực tham quan, trải nghiệm ở trang trại, để khi hết dịch, anh có thể sẵn sàng đón khách với một diện mạo mới, năng lượng mới.
Hoàng Dung