Doanh nghiệp vận tải khóc ròng khi tự tay treo xe giữa mùa dịch
Doanh nghiệp vận tải khóc ròng khi tự tay treo xe giữa mùa dịch
Gần 2 tuần nay, anh Cường, chủ hãng xe có hơn 20 xe đang khai thác thương mại trên các tuyến Sơn La, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ phải tìm mọi cách để chống chọi. Từ khi dịch Covid-19 trở lại, do lượng khách giảm sâu, hãng của anh chỉ còn khai thác duy nhất tuyến Sơn La - Hà Nội.
Theo lời anh, tuyến Sơn La - Hà Nội giờ cũng chỉ hoạt động cầm chừng, mỗi ngày 1 - 2 chuyến thay vì cao điểm lên đến 10 chuyến/ngày như trước đây.
"Theo quy định phòng dịch, chúng tôi hiện chỉ được chở tối đa là 50% số khách trên xe. Trong khi đó, giá vé thì giữ nguyên mà tiền thuê bến bãi, thuê nhân viên thì vẫn vậy nên nhiều lúc doanh nghiệp cũng đau đầu", chủ hãng xe buồn rầu nói.
Theo chia sẻ của anh, nếu tình hình dịch không có dấu hiệu khả quan, vẫn diễn biến phức tạp và kéo dài thì nhà xe khó mà chống đỡ nổi. Bởi nguồn quỹ dự phòng của doanh nghiệp đang cạn kiệt dần.
Lâm vào tình cảnh tương tự, anh Lý, làm việc tại nhà xe chuyên tuyến Thanh Hóa - Hà Nội cho biết, nhà anh có 8 xe (3 xe giường nằm, 5 xe limousine). Nhưng hiện tại, nhà xe đã dừng hoạt động khoảng 90%, xe chở khách chỉ còn 1 trên tổng số 8 xe được vận hành.
"Nhà tôi giờ chỉ chạy 1 xe giường nằm chuyên tuyến Tĩnh Gia đi bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm. Xe có 44 chỗ mà khách thì lưa thưa, nhiều hôm cả chuyến có 6 - 7 khách. Như thế thì chạy chẳng đủ tiền xăng, tiền bến bãi, công trả tài xế" - anh kể.
Để cắt giảm chi phí, nhà xe buộc phải cho nhân viên nghỉ việc, "treo xe" chờ đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tuy nhiên, anh Lý vẫn tỏ ra khá lo lắng trước tình hình dịch bệnh, bởi các chi phí đầu vào đang bủa vây nhà xe.
"Cứ như thế này, không sớm thì muộn, lái xe nghỉ, lơ xe nghỉ rồi chủ cũng phải nghỉ vì không có khách. Bởi càng chạy thì càng lỗ mà không chạy thì khó giữ khách, uy tín về sau. Giờ chỉ cầu mong, dịch bệnh qua mau, mọi thứ trở về với những gì vốn có để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải có thể hồi sinh và sống được, chứ không thì khó nói mạnh điều gì" - anh Lý than thở.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Khúc Ngọc Duy, quản lý một hãng xe cũng tâm sự, từ khi đợt dịch Covid-19 trở lại, doanh nghiệp anh bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện tại, anh phải tạm dừng khai thác các tuyến trọng yếu như Hà Nội - Sapa, Hà Nội - Phong Nha - Huế - Đà Nẵng - Hội An.
"Bên tôi có 18 đầu xe, phục vụ khách chuyên tuyến Hà Nội - Sa Pa và Hà Nội - Phong Nha - Huế - Đà Nẵng - Hội An. Giờ còn duy nhất 1 xe, không chở khách mà làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Bởi 80% xe nhà tôi là phục vụ khách du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài. Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, khách nước ngoài không có, bên tôi đã đẩy mạnh khai thác nội địa" - anh tiết lộ.
Anh Duy cho biết, các doanh nghiệp vận tải hiện kiệt sức khi phải gánh quá nhiều chi phí vận hành, hoạt động. Chưa kể, nhiều bên còn phải "chạy đua" với thời gian trong kế hoạch trả nợ ngân hàng khi vay vốn mua xe, làm ăn.
Theo thống kê, trong đợt dịch trước, doanh nghiệp của anh Duy đã sụt giảm khoảng 80 - 90% doanh thu. Riêng đợt dịch lần này, ước tính còn lên tới 95% do các hoạt động chủ chốt đều bị "đóng băng".
"Như các ngành nghề khác, họ có thể linh động ứng phó, chuyển đổi nhưng riêng vận tải thì làm gì có đường lui. Giờ mỗi tháng, xe dù không hoạt động, chúng tôi vẫn phải chi trả 25 triệu đồng/tháng cho bến bãi, còn tiền vận hành văn phòng tầm khoảng 60 - 70 triệu đồng/tháng" - anh nói.
Thế nên, cũng như mong mỏi của nhiều doanh nghiệp vận tải, anh Duy hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát để việc kinh doanh trở lại, diễn ra bình thường.
Hoàng Dung