Doanh nghiệp Bắc Giang tái khởi động: Những tâm sự gan ruột từ tâm dịch
Doanh nghiệp Bắc Giang tái khởi động: Những tâm sự gan ruột từ tâm dịch
Nghe tin công ty mình nằm trong danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện để hoạt động trở lại, anh Nguyên - một công nhân trong khu công nghiệp Đình Trám (Việt Yên, Bắc Giang) - mừng không thốt lên lời. Với anh và nhiều công nhân khác, được đi làm trở lại có nghĩa là vẫn có thu nhập, dù dịch Covid-19 hiện vẫn còn khá phức tạp.
"Công nhân như chúng tôi muốn trở lại làm việc cần có xác nhận từ cấp thôn, xã, huyện…", chị Chung, một công nhân của Công ty Phú Hồng chia sẻ thêm. Từ hôm nhận tin công ty mở cửa trở lại, chị mau chóng lo xong giấy tờ dưới sự hỗ trợ của Tổ công tác của tỉnh cùng các cơ quan có liên quan. Chị bảo nghỉ một ngày đồng nghĩa với thu nhập một ngày giảm, tạo gánh nặng và áp lực cho nhiều người. May mắn là sau những ngày tạm ngừng vì đại dịch, ở công ty chị Chung làm việc, đến nay, hàng trăm lao động đã đi làm trở lại.
Dù vậy, không phải ai cũng sẵn sàng, suôn sẻ để trở lại guồng quay công việc trong bối cảnh mới như anh Nguyên, chị Chung...
Theo thông tin mới nhất, tính đến ngày 11/6, Bắc Giang chấp thuận cho 86 doanh nghiệp được hoạt động trở lại với tổng số lao động được duyệt là 12.588 người. Thở phào khi được phép hoạt động trở lại nhưng không ít doanh nghiệp trong số này cho biết vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi bắt đầu tái khởi động, trong đó có vấn đề thiếu hụt lao động.
Có doanh nghiệp, trước thời điểm bùng dịch cả nhà máy có khoảng 12.000 công nhân làm việc nhưng hiện tại chỉ được khoảng 3.000 người. Tất cả đều ở khép kín trong các ký túc xá của công ty và được xe đưa đón đi làm hàng ngày.
Trong câu chuyện với Dân trí, ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang cho biết, tính đến thời điểm ngày 11/6, Ban quản lý đã tiếp nhận 190 hồ sơ phương án sản xuất an toàn phòng chống dịch, tổ chức thẩm định cho 137 doanh nghiệp và chấp thuận cho 86 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
"Tuy nhiên, hiện tại, tổng số người lao động thực tế đến doanh nghiệp mới là 7.718 trên tổng số 12.588 được phê duyệt", ông Ngọc cho biết.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, một số ít người lao động vẫn còn tâm lý e dè khi quay trở lại làm việc, một số thì về quê chưa lên kịp do bận việc cá nhân, một số ngoại tỉnh không quay trở lại được, số khác không liên hệ được thời điểm hiện nay.
Quy định của Bắc Giang hiện nay yêu cầu khi hoạt động trở lại doanh nghiệp phải bố trí được nơi ăn, ở và sinh hoạt cho công nhân ngay tại nhà máy, đảm bảo được các yêu cầu phòng dịch. Chủ trương bố trí chỗ lưu trú cho người lao động ngay tại doanh nghiệp được coi là giải pháp chưa có tiền lệ để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa sản xuất.
"Tuy nhiên, việc bố trí sắp xếp cho người lao động chỗ ăn ở lại không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được. Nhiều doanh nghiệp không đủ cơ sở vật chất để đáp ứng", ông Ngọc cho biết đây cũng là vấn đề được doanh nghiệp quan tâm hiện nay khi tái khởi động sản xuất.
UBND tỉnh Bắc Giang đã thành lập tổ kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn xác nhận lao động đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và hỗ trợ doanh nghiệp đón lao động trở lại làm việc. Tỉnh sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp khôi phục lại sản xuất đặc biệt là vấn đề đưa lao động trở lại làm việc. Hiện nay, dịch đã được kiểm soát tốt trong khu công nghiệp, doanh nghiệp từng bước tái thiết lại sản xuất.
Chia sẻ với Dân trí, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Sunpla - một doanh nghiệp sản xuất khuôn mẫu và linh kiện nhựa ở Bắc Giang cũng cho biết, hiện doanh nghiệp muốn người lao động quay trở lại làm việc nhưng cần giấy xác nhận từ địa phương. Dự kiến tuần sau mới có khoảng 20 trong số 200 nhân sự có thể đi làm. Nhiều người vẫn phải chờ giấy xác nhận.
Song điều ông Nguyễn Đức Cường cùng nhiều doanh nghiệp khác lo ngại không kém đó là việc gián đoạn chuỗi cung ứng cũng khiến doanh nghiệp sản xuất linh kiện gặp khó khăn. Hiện trên địa bàn Bắc Giang tập trung nhiều nhà máy sản xuất cung ứng hàng trong chuỗi sản xuất cho nhiều doanh nghiệp đa quốc gia.
"Những khách hàng phải tái khởi động thì những doanh nghiệp như chúng tôi mới khôi phục được doanh số. Cả chuỗi cung ứng nếu đứt mắt xích nào thì gần như sẽ dừng toàn bộ quy trình. Chỉ một nhà cung ứng thiếu linh kiện thôi thì dây chuyền sản xuất của khách hàng sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo đó là sự ảnh hưởng đối với những doanh nghiệp như chúng tôi", ông Cường chia sẻ.
Ông lấy ví dụ một đối tác FDI đặt sản xuất khuôn nhựa, sơn mạ, bu lông ốc vít… của 3 đối tác cung ứng khác nhau. Nếu doanh nghiệp sơn mạ bị ảnh hưởng dịch bệnh chưa thể hồi phục sản xuất thì những doanh nghiệp còn lại trong chuỗi cũng bị ảnh hưởng theo bởi đối tác FDI không thể hoàn thiện được sản phẩm.
Trong khi trước đó, để vào được chuỗi sản xuất của các đối tác nước ngoài, ông Cường cho biết, đó là cả một giai đoạn khó khăn. Doanh nghiệp của ông Cường hiện là nhà sản xuất cung cấp cho Canon, Samsung, Kyocera, Nidec Corp., Panasonic…
"Trước khi dịch xảy ra, nhà máy chúng tôi sản xuất "full" công suất, 400 - 500 bộ khuôn, nhưng khi xảy ra dịch, đối tác thu khuôn về. Giờ mình có tái khởi động mà họ chuyển đi rồi thì cũng phải chờ đợi. Nhìn chung, đến giờ chắc chỉ còn một nửa thôi. Chúng tôi xác định sẽ chấp nhận bị mất một lượng đơn hàng nhất", lời ông Cường.
Ngoài ra, việc tiếp cận khách hàng mới cũng được nhận định còn khó trong thời điểm Bắc Giang vẫn nằm trong nhóm có nguy cơ cao về dịch bệnh hiện nay. "Sự e dè là khó tránh khỏi đối với nhiều đối tác", giám đốc doanh nghiệp linh kiện nói trên bày tỏ.
Thêm nữa, khi bàn về câu chuyện tái khởi động hiện nay, ông cũng lo ngại vấn đề mất cân đối dòng tiền. Doanh nghiệp nếu có tích lũy hoặc có quỹ dự phòng thì có thể sớm điều chỉnh được vấn đề này. Còn với những doanh nghiệp nhỏ thì đó là sự khó khăn lớn.
Ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang - cho biết, một số doanh nghiệp của tỉnh đã tham gia vào chuỗi sản xuất. Nếu một doanh nghiệp trong chuỗi dừng sản xuất thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến cả chuỗi. Việc dừng hoạt động sản xuất sẽ gặp khó khăn.
"Nhiều doanh nghiệp phản ánh phải nhanh chóng tái khởi động sản xuất để mau chóng hoàn thành đơn hàng đã ký kết với đối tác, nhất là chuỗi cung ứng cho Samsung, Toyota, Honda…", ông Ngọc nói.
Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang dẫn số liệu thời điểm phải tạm dừng toàn bộ hoạt động 4 khu công nghiệp, ước tính mỗi ngày giảm trên 2.000 tỷ đồng tổng giá trị sản xuất công nghiệp; trên 140.000 lao động ngừng việc, trong đó có hơn 60.000 lao động ngoại tỉnh. Việc cách ly hoàn toàn kéo dài trong 11 ngày đã khiến nền kinh tế Bắc Giang thất thoát khá lớn.
Vậy giải pháp khi tái khởi động lại sản xuất hiện nay ra sao? Ông Nguyễn Đức Cường cho rằng, bản thân doanh nghiệp cần thiết có những chính sách, chế độ tốt để đảm bảo giữ chân người lao động, chia sẻ khó khăn với người lao động.
"Chúng tôi đảm bảo trả đủ 75% lương cho người lao động dù dừng sản xuất. Thêm nữa doanh nghiệp cũng chuẩn bị quỹ riêng để đảm bảo vấn đề tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động", giám đốc công ty linh kiện nói trên chia sẻ.
Về những khó khăn trong cân đối dòng tiền, đại diện doanh nghiệp kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giãn hoãn chi trả bảo hiểm, các khoản vay, tiền thuê đất…
Nhiều doanh nghiệp khi chia sẻ cũng đã cam kết tuân thủ chặt mọi quy định để đảm bảo an toàn phòng chống dịch và mong muốn sớm được tiêm vắc xin cho toàn bộ người lao động ngay sau khi có kết quả xét nghiệm.
Theo thông tin từ Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang, Bắc Giang đã thành lập tổ kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn xác nhận lao động đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và hỗ trợ doanh nghiệp đón lao động trở lại làm việc.
Theo đó, tổ này đã ban hành quy trình 7 bước để hỗ trợ cho người lao động quay trở lại làm việc. Thời gian giải quyết cũng được cố gắng xử lý một cách nhanh nhất thông qua việc trao đổi thông tin trên nhóm chat mạng xã hội.
"Cứ doanh nghiệp nào được phê duyệt cho tái khởi động sản xuất trở lại là tổ sẵn sàng hỗ trợ. Tổ hoạt động trên tinh thần hỗ trợ hết sức, kể cả nửa đêm doanh nghiệp gửi hồ sơ cũng bố trí xem xét", ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang nói.
Vị này cũng cho biết, doanh nghiệp tái hoạt động theo phương châm: chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch. Kịch bản được xây dựng theo 2 giai đoạn, sau khi kiểm soát tốt hơn thì nới lỏng dần ra, 100% người lao động quay trở lại làm việc đều được tiêm vắc xin.
"Tinh thần là nới lỏng dần khi đã kiểm soát tốt nhưng không được chủ quan, lơ là. Các nhóm lao động cũng được quản lý theo phương châm "4 cùng", tức là cùng đi phương tiện theo nhóm đến nơi làm việc, làm việc theo nhóm, ăn theo nhóm làm việc, nghỉ theo nhóm làm việc. Điều này nhằm hạn chế lây lan, khoanh vùng nhỏ", ông Ngọc chia sẻ.
Dù khó khăn là khó tránh khỏi khi bắt tay vào tái sản xuất trong bối cảnh hiện nay, theo ông Ngọc, chủ trương tỉnh là tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp. "Chúng tôi đang thống kế tổng hợp các đề xuất khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh", ông Ngọc thông tin.
Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang vẫn tiếp tục lắng nghe trực tiếp ý kiến của doanh nghiệp. Vấn đề gì thuộc về thẩm quyền sẽ giải quyết ngay, còn vượt quyền sẽ có trách nhiệm báo cáo, đề xuất…
Về việc khôi phục dần sản xuất trong các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết tỉnh xác định trước mắt phải làm tốt phương án phòng chống dịch nhưng cũng phải sớm khởi động lại các khu công nghiệp một cách thận trọng, trên nguyên tắc tổ chức lại hoạt động sản xuất để đảm bảo thích ứng với điều kiện phòng dịch.
"Không những trước mắt mà còn phải đảm bảo lâu dài các yếu tố: Công nhân an toàn, nơi ở an toàn và quy trình sản xuất an toàn, vận chuyển công nhân an toàn. Các điều kiện trên làm nên nhà máy an toàn. Thực hiện phương châm chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch", lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.
Bài viết: Nguyễn Mạnh
Thiết kế: Phùng Ánh