Cò vắc xin Covid-19 xuyên biên giới
Cò vắc xin Covid-19 xuyên biên giới
Sau nhiều ngày kết nối, tôi được người quen làm đại diện cho một hãng dược nước ngoài tại TPHCM giới thiệu với một đối tác ở Ấn Độ. Qua cuộc gọi trực tuyến, người này giới thiệu tên là Ramanan, làm việc tại công ty dược Syncom ở New Dehli của Ấn Độ.
Theo Ramanan, ông sẽ làm việc trực tiếp với hãng dược AstraZeneca để có thể cung cấp cho đối tác Việt Nam 2 triệu liều vắc xin của hãng này trong tháng 7. "Công ty của tôi là đối tác với nhà máy AstraZeneca", ông nói.
Để tạo lòng tin, Ramanan gửi thông tin với nội dung có được nguồn hàng từ nhà máy của hãng AstraZeneca, đồng thời nhắn tin yêu cầu phía doanh nghiệp Việt mua vắc xin cần cung cấp bảng thông tin khách hàng, trong đó có chứng minh tài chính từ một ngân hàng thông qua chứng thư bảo lãnh, đặc biệt là phải có thư chỉ định hoặc ủy quyền từ Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế để doanh nghiệp được phép mua vắc xin.
Sau khi chúng tôi cung cấp thông tin khách hàng, là đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu kèm theo thư bảo lãnh tài chính từ ngân hàng, một ngày sau, Ramanan yêu cầu phải có văn bản chỉ định từ Chính phủ hoặc Bộ Y tế cho công ty chúng tôi trực tiếp đàm phán với AstraZeneca mới đủ thủ tục. Người này đồng thời yêu cầu đặt cọc 20% vào tài khoản mà ông ta cung cấp. Tuy nhiên, khi chúng tôi nói Chính phủ và Bộ Y tế chưa chỉ định cho doanh nghiệp nào đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin cho tới thời điểm này, Ramanan đã không liên lạc lại.
Ông Hoài Nam, chủ một doanh nghiệp dược và thiết bị y tế lớn ở TPHCM, cho biết, suýt nữa bị "ăn quả lừa" vì thông qua "cò" môi giới nhập khẩu vắc xin. Theo ông Nam, sau khi tìm được mối làm ăn với một người từ Canada, ông bắt đầu đàm phán với người này để tìm nguồn vắc xin.
"Họ giới thiệu làm ở một cơ quan ngoại giao tại Canada và là đối tác 4 hãng vắc xin Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson. Họ nói với tôi sẽ giới thiệu để mua vắc xin trực tiếp từ các hãng này", ông Nam nói. Khi ông Nam thông tin muốn tiếp cận và mua 1 triệu liều AstraZeneca, "cò" nói sẽ làm việc trực tiếp với người trong hãng AstraZeneca.
Sau khi tìm được thông tin, ông Nam được người từ Canada yêu cầu 2 việc. Thứ nhất, phải có giấy phép được Chính phủ ủy quyền cho phép làm việc trực tiếp với hãng AstraZeneca. Thứ hai, đặt cọc số tiền 50% trên giá trị lô vắc xin muốn mua.
"Sau khi đàm phán với người này, nhóm tôi muốn mua 1 triệu liều thì được họ đưa ra giá 20 USD/liều và số tiền đặt cọc trước là 10 triệu USD", ông Nam kể. Sau khi ông Nam làm bảo lãnh tín dụng từ ngân hàng, phía "cò" từ Canada yêu cầu mở một tài khoản độc lập để chuyển tiền cọc vào và có luật sư hai bên của Việt Nam và Canada đại diện quản lý.
Trong thời gian chuẩn bị nguồn tài chính, ông Nam đã nhờ đối tác của công ty mình ở Anh tham khảo thông tin từ phía AstraZeneca thì biết được phía Canada và cả hệ thống toàn cầu của AstraZeneca không trực tiếp đàm phán và bán vắc xin ra ngoài cho bất kể doanh nghiệp hoặc đối tác nào, trừ làm việc với chính phủ các nước.
"Tôi liên hệ lại với "cò" ở Canada thì người này cho rằng nguồn vắc xin này theo đường "ngoại giao" và sẽ có trong tháng 7 nếu chuyển cọc và các giấy tờ cần thiết", ông Nam nói.
Theo ông Nam, tìm hiểu ngọn nguồn thì biết được các "cò" đang lợi dụng để lấy được giấy ủy quyền của chính phủ để từ đó làm việc với các hãng dược, sau đó kết nối để mua bán vắc xin mà thôi.
Nguyễn H.A., giới thiệu làm ở một tập đoàn đa quốc gia có văn phòng tại TPHCM, "nổ" với chúng tôi rằng, có nguồn cung cấp 1.000 liều vắc xin Pfizer thông qua một đối tác người Mỹ ở California.
A. nói rằng đã có sẵn hàng và đang làm thủ tục để đưa về mà không cần điều kiện phải được Chính phủ chỉ định. Từ đây, A. lên mạng xã hội kêu gọi đặt cọc để tiêm vắc xin cho người dân với giá mỗi liều là 3 triệu đồng.
Theo L. T
Tiền Phong