CIEM: Covid-19 phức tạp, tăng trưởng 6 tháng cuối năm đầy rủi ro, bất định
CIEM: Covid-19 phức tạp, tăng trưởng 6 tháng cuối năm đầy rủi ro, bất định
"Dù tăng trưởng khả quan so với khu vực, nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021 có thể tiếp tục hứng chịu những tác động từ những bất định, rủi ro trong nội tại...", đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ như trên tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững" do Viện này tổ chức sáng nay (15/7) tại Hà Nội.
Không dễ dàng hơn 2020
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM), cho rằng, kinh tế Việt Nam đứng trước bối cảnh kinh tế thời gian qua không hề dễ dàng hơn so với năm 2020.
Trong nửa đầu năm nay, kinh tế toàn cầu phục hồi rõ nét hơn, dù chưa đồng đều giữa các nhóm nền kinh tế. Trong khi các nền kinh tế phát triển phục hồi khá mạnh mẽ thì các quốc gia đang phát triển lại phục hồi tương đối chậm.
Theo ông, đà phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất định vì rủi ro bùng phát các đợt dịch bệnh mới, diễn biến lây lan nhanh các biến thể mới của Covid-19 khiến nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế trở lại. Cùng với đó, một số quốc gia còn đi sau trong việc phổ biến vắc xin và tiêm chủng, đi kèm rủi ro nợ và áp lực lạm phát.
Đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, 2 đợt dịch gần đây diễn biến khá phức tạp, nhất là đợt dịch thứ tư. Các làn sóng dịch bệnh đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế.
Đại diện CIEM cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 5,64% trong 6 tháng đầu năm. Riêng quý II, mức tăng 6,61% so với cùng kỳ là điểm sáng nhưng mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% là rất thách thức.
2 kịch bản tăng trưởng kinh tế
Đại diện CIEM vạch ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng. Kịch bản lạc quan nhất là Việt Nam có thể kiểm soát được dịch bệnh vào tháng 8, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn thấp hơn mục tiêu của Chính phủ đề ra là 6,5%.
Trường hợp thứ 2 là kịch bản dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 10 năm nay, chậm hơn 2 tháng so với kịch bản lạc quan, tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 5,9%. Cả kịch bản lạc quan và kịch bản kiểm soát dịch muộn, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn thấp hơn mục tiêu.
Đại diện CIEM cho rằng, dù tăng trưởng khả quan so với khu vực song nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021 có thể tiếp tục hứng chịu những tác động từ những bất định, rủi ro trong nội tại nền kinh tế cũng như thế giới khi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, luôn có nguy cơ bùng phát làn sóng dịch tiếp theo.
Ông Dương cho rằng, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, chi phí logistics vẫn có thể gia tăng và tác động mạnh đến nền kinh tế.
"Kiểm soát và chủ động ngăn chặn dịch bệnh giúp Việt Nam có tăng trưởng tốt hơn, đồng thời có thể khiến nền kinh tế hồi phục tốt hơn", ông Nguyễn Anh Dương cho biết.
Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, để hoàn thành được mục tiêu GDP đề ra, trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021-2025, tiếp tục tập trung thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, Chính phủ cần có những bước đi nhất quán và có sự điều phối rõ ràng để ứng phó với đại dịch. Các chính sách cần ưu tiên bảo vệ tính mạng và điều kiện sống cho người dân, đặc biệt là những nhóm dễ chịu tác động cũng cần có.
Hai là, cần có cơ chế, chính sách tài chính ưu đãi phù hợp với tình hình thực tế để tạo sức bật cho cả nền kinh tế, kích thích cả 3 động lực tăng trưởng chủ yếu để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội …
Ngoài ra, cần thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các nhiệm vụ cơ cấu lại và phát triển các ngành, lĩnh vực. Thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
CIEM khẳng định, việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm có thể là một yếu tố làm giảm khả năng tăng trưởng trong tương lai. Bởi hiện tại, các doanh nghiệp Nhà nước vẫn chi phối 1/3 nền kinh tế. Cổ phần hóa nhóm doanh nghiệp này có thể giải phóng năng suất lao động và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
An Linh