Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: Xuất khẩu đang gia tăng nhanh chóng, cán mốc 500 tỷ USD

16/09/2021, 03:35

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: Xuất khẩu đang gia tăng nhanh chóng, cán mốc 500 tỷ USD

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: Xuất khẩu đang gia tăng nhanh chóng, cán mốc 500 tỷ USD - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành công thương. Ảnh: N.M.


Thông tin trên được Bộ trưởng Công Thương - ông Trần Tuấn Anh đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành công thương diễn ra sáng nay (27/12).

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, sau 25 năm kể từ khi gia nhập ASEAN, hơn 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

“Xuất khẩu của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng cao trên 15% trong giai đoạn 2011-2019 và chính thức cán mốc kim ngạch 500 tỷ USD vào giữa tháng 12/2019”, ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, kết quả này đã đưa Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp trong năm nay. Năm 2019, Việt Nam xuất siêu gần 10 tỷ USD.

Thống kê của Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết năm 2019, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Đáng lưu ý, kết quả này theo Bộ Công Thương, đạt được trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp do tác động của xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc; xu hướng bảo hộ mậu dịch và việc các nước đang ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại.

"Đây là kết quả phản ánh sự nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh tạo động lực cho doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất và xuất khẩu cũng như như thu hút mở rộng đầu tư cho phát triển xuất khẩu", Bộ trưởng cho hay.

Đánh giá về kim ngạch xuất nhập khẩu năm tới, Bộ trưởng Công Thương cho rằng sẽ gặp thách thức không nhỏ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa chấm dứt; bảo hộ mậu dịch ngày càng phức tạp… Theo đó, ông Tuấn Anh cho rằng việc tham mưu, dự báo chính sách sát thực tế hơn là yêu cầu hàng đầu đặt ra.

Xuất nhập khẩu Việt Nam lần đầu vượt 500 tỷ USD, vô số mặt hàng tỷ đô

Cần nhanh chóng cho ra đời Thông tư hàng “Made in Vietnam"

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, nhìn nhận góc độ doanh nghiệp thấy Bộ Công Thương có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm gần đây.

Vị này cho biết, trước đây Bộ Công Thương từng được coi là bộ siêu quyền lực với rất nhiều điều kiện kinh doanh (năm 2016, Bộ Công Thương) có tới hơn 1.200 điều kiện kinh doanh), lĩnh vực quản lý có tính chất quyết định 60-70%GDP. Bộ Công Thương có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên đến thời điểm này, ông Lộc cho rằng cần ghi nhận nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương trong việc cải cách thể chế, cắt giảm mạnh mẽ điều kiện kinh doanh. Điều đáng nói, theo ông Lộc, chuyển biến này xuất phát chính từ sự tự nguyện chứ không phải áp lực từ mệnh lệnh cấp trên.

“Năm nay, tôi cũng chỉ thấy có 2 bộ tiếp tục có quyết định cắt giảm điều kiện kinh doanh là Bộ Công Thương và Bộ Y tế, còn các bộ khác chưa thấy có bước tiếp theo. Không biết tiếp theo sẽ như thế nào", ông Lộc nói.

Một điểm đáng lưu ý cũng cần được nhắc tới, theo ông Lộc, đó là chỉ số tiếp cận điện năng tiếp tục được cải thiện.

Theo kết quả đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại báo cáo Doing Business 2019, chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng năm thứ 6 liên tiếp với số điểm là 88,2 điểm (tăng 0,26 điểm so với năm 2018 là 87,94 điểm) và tiếp tục đứng thứ 4 trong nhóm ASEAN-4 và nhóm 4 nước tốt nhất của các nước tham gia hiệp định CPTPP.

Đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế; duy trì vị trí thứ 2 trong khu vực ASEAN về số thủ tục và thời gian thực hiện của ngành điện.

Trong quá trình này, ông Lộc cũng nhấn mạnh đến tư duy quản lý mở của Bộ Công Thương, trong đó có tham vấn tích cực ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI và các hiệp hội ngành nghề.

Nêu một loạt kiến nghị tại hội nghị, ông Lộc nhấn mạnh đến việc Bộ Công Thương cần tiếp tục thúc đẩy thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn nữa cho doanh nghiệp.

“Tôi thấy vừa qua Bộ Công Thương đi đầu cải cách thể chế, chuyển giao chức năng chủ quan sang Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tôi rất mong Bộ sắp tới chuyển giao mạnh hơn thị trường dịch vụ công. Cái gì xã hội làm tốt thì để họ làm", ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cũng đề nghị Bộ Công Thương tăng cường hơn nữa trong chính sách phát triển công nghiệp. Bởi công nghiệp hỗ trợ chúng ta vẫn chưa thành công, doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa phát triển được.

Ngoài ra, ông Lộc kiến nghị Bộ Công Thương sớm thúc đẩy để cho ra đời Thông tư hàng “made in Vietnam”. Bởi hiện nay chưa có quy định rõ ràng, tạo thành khoảng trống pháp lý khiến doanh nghiệp khó khăn, lúng túng.

Nguyễn Mạnh

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: Xuất khẩu đang gia tăng nhanh chóng, cán mốc 500 tỷ USD - 2