Bộ Nông nghiệp nói gì về cảnh báo mất quyền thi Gạo ngon nhất thế giới?

31/05/2021, 03:12

Bộ Nông nghiệp nói gì về cảnh báo mất quyền thi Gạo ngon nhất thế giới?

Bộ Nông nghiệp nói gì về cảnh báo mất quyền thi Gạo ngon nhất thế giới? - 1

Năm 2019, gạo ST 25 của Việt Nam đã giành được giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới".

Mất cơ hội khẳng định thương hiệu?

Trước thông tin Tổ chức The Rice Trader - nhà sáng lập và chủ sở hữu Cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới" vừa đưa ra cảnh báo về việc "Việt Nam có thể mất quyền tham gia cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới" trong những năm tới" do các vấn đề vi phạm bản quyền đối với thương hiệu này, phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - NN&PTNT) về vấn đề này.

Ông Cường cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ sớm liên hệ với Tổ chức The Rice Trader (TRT) về vấn đề trên.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, khi tham gia bất kỳ một cuộc thi nào, các tổ chức, cá nhân có sản phẩm dự thi đều phải tuân thủ quy định, quy chế của đơn vị tổ chức thi. Nên biểu tượng "gạo ngon nhất thế giới" không phải sử dụng "chùa" mà cần có sự đồng ý của The Rice Trader.

Cục trưởng Cường cho rằng, Cục Trồng trọt chỉ quản lý giống lúa, nên không bình luận về vấn đề gạo mà Tổ chức TRT đã thông báo. Tuy nhiên, nêu quan điểm cá nhân, theo vị này, đây là một cuộc thi thường niên, hoạt động bên lề của một tổ chức và các quốc gia sản xuất gạo có tiếng trên thế giới đều tham gia. Bởi thế, đây cũng là cuộc thi có uy tín.

"Khi không được tham gia cuộc thi này, đồng nghĩa, hạt gạo Việt Nam sẽ mất đi một diễn đàn, một sân chơi có thể khẳng định thương hiệu. Trong khi, đây là cơ sở, là điều kiện cần để quốc tế nhớ đến hạt gạo Việt Nam. Giống như khi nhắc đến Thái Lan, người ta sẽ nhớ ngay đến thương hiệu gạo Hom Mali, hay gạo Basmati của Ấn Độ", ông Cường nói.

Đưa ra giải pháp, ông Cường bày tỏ: "Việc sử dụng chưa được phép là chưa phù hợp. Để khẳng định là nhà buôn bán có trách nhiệm thì nên dừng lại và tiến hành thương thảo với tổ chức TRT để sử dụng một cách phù hợp và hài hòa lợi ích các bên. Còn nếu, TRT có văn bản yêu cầu cơ quan quản lý vào cuộc thì có thể cơ quan Quản lý thị trường sẽ có hành động".

Sử dụng "bát nháo" bản quyền

Trước đó, trong thông cáo báo chí phát đi, The Rice Trader khẳng định, đến thời điểm hiện tại chỉ có Doanh nghiệp Tư nhân Hồ Quang Trí là công ty Việt Nam đầu tiên và duy nhất được The Rive Trader cho phép sử dụng thương hiệu giải thưởng quốc tế "Gạo ngon nhất thế giới" cho mục đích tiếp thị và kinh doanh.

Tuy nhiên, thời gian qua nhiều công ty Việt Nam sử dụng thương hiệu này để in trên bao bì, tài liệu quảng bá trong nước và xuất khẩu nhưng không xin phép hay có sự đồng ý của TRT.

Do vậy, The Rice Trader tuyên bố cảnh báo chính thức tới các công ty Việt Nam khác về sự tôn trọng cần thiết khi sử dụng biểu tượng thương hiệu "Gạo ngon nhất thế giới" bản quyền của The Rice Trader trong các bao bì gạo đang được kinh doanh trên thị trường. 

"Đây là hành vi sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ và các quy định của biểu trưng giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới". Nếu không có giải pháp thích hợp cho hành động này, những tên công ty đó sẽ được công khai.

Thậm chí, TRT cũng cân nhắc đến việc quốc gia có thể mất quyền tham gia cuộc thi này trong những năm tiếp theo", TRT nhấn mạnh trong thông cáo báo chí. 

Giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới" đã được tổ chức hàng năm trong khuôn khổ Hội nghị Gạo thế giới liên tục trong 12 năm, do The Rice Trader là nhà sáng lập và chủ sở hữu duy nhất của cuộc thi này.

Cuộc thi nhằm vinh danh những người hoạt động trong ngành gạo thế giới vì những đóng góp quan trọng của họ cho ngành gạo toàn cầu. Nhóm nghiên cứu phát triển giống gạo ST25 với ý nghĩa đó rất xứng đáng được công nhận.

Năm 2019, gạo ST 25 của Việt Nam đã giành được giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới". TRT đã công nhận sự thành công này của Việt Nam trước hơn 600 đại diện của ngành gạo quốc tế, bao gồm các diễn giả, nhà tài trợ và đại biểu, tại sự kiện lớn nhất của ngành công nghiệp và thương mại gạo toàn cầu.

Theo Hồng Hạnh
Giao thông