Bầu lãnh đạo chủ chốt khóa mới vào cuối tháng 7/2021
(Dân trí) - Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa mới tới đây, Quốc hội dành 6 ngày làm công tác nhân sự, bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao.
Tiếp tục phiên họp thứ 55, chiều 27/4, UB Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp này, dự kiến Quốc hội làm việc trong 11 ngày, khai mạc vào thứ ba, ngày 20/7 và bế mạc vào ngày 3/8/2021.
Trong 11 ngày làm việc, Quốc hội sẽ dành 6 ngày xem xét, quyết định về công tác nhân sự.
Cụ thể, Quốc hội sẽ quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, số Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các UB của Quốc hội, Tổng Kiểm nhà nước.
Kỳ họp diễn ra vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 tới, Quốc hội cũng sẽ bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao.
Quốc hội cũng quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
Thực tế, tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV vừa qua (kỳ họp 11), Quốc hội đã thực hiện việc kiện toàn sớm một số chức danh lãnh đạo trong bộ máy nhà nước. 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước gồm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều vị trí trong các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã được Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Hiện nay, chỉ còn một số vị trí chưa kịp chuẩn bị nhân sự thay thế hoặc nhân sự được Đảng chuẩn bị, giới thiệu chưa đủ điều kiện đảm nhiệm chức vụ (như chưa phải là đại biểu Quốc hội ở những vị trí bắt buộc là đại biểu - PV) buộc phải để lại tới kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới.
Bên cạnh đó, các chức danh lãnh đạo khối cơ quan tư pháp (Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao) cũng chưa được xem xét, kiện toàn tại kỳ họp vừa qua.
Như vậy, còn một số vị trí lãnh đạo trong bộ máy nhà nước có sự thay đổi ít tháng tới đây. Những thay đổi cũng phụ thuộc vào một yếu tố khác là kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, sẽ diễn ra trong 1 tháng tới, dự kiến là ngày 23/5/2021.
Ngoài ra, kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Chương trình kỳ họp thứ nhất còn có việc xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề.
Tại kỳ họp này, Quốc hội còn xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Một vấn đề được Tổng Thư ký Quốc hội lưu ý là luật Ngân sách Nhà nước (Điều 17) quy định kế hoạch tài chính 5 năm làm cơ sở để Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư trung hạn, luật Đất đai (Điều 38) quy định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là một trong những căn cứ lập kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
Theo đó, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội cũng cần phải quyết định 2 kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 trước khi quyết định 2 kế hoạch đầu tư công trung hạn và sử dụng đất quốc gia của cùng giai đoạn này. Tại kỳ họp thứ 10 khóa XIV, Quốc hội đã xem xét kết quả thực hiện 3 kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 (phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn); đồng thời cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự kiến các kế hoạch về tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Tổng thư ký Quốc hội đề nghị, trong trường hợp không kịp chuẩn bị các nội dung, UB Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho chuyển các kế hoạch 5 năm sang trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021).
Sau khi Thường vụ thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tổng thời gian của kỳ họp thứ nhất sẽ xác định sau, nhưng các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021--2026 cần được khẩn trương chuẩn bị để đưa vào chương trình kỳ họp này chứ không thể lùi sang kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XV mới quyết định.
Phương Thảo