Bất ngờ việc Việt Nam xuất hàng tỷ USD linh kiện ô tô sang Mỹ, Nhật

06/08/2021, 03:08

Bất ngờ việc Việt Nam xuất hàng tỷ USD linh kiện ô tô sang Mỹ, Nhật

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính hết ngày 15/7, tổng kim ngạch xuất khẩu linh kiện ô tô của Việt Nam đạt hơn 3,7 tỷ USD, tăng hơn 1,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, hơn 750 triệu USD so với cùng kỳ 2019 và hơn 1,2 tỷ USD so với cùng kỳ 2018.

Xét kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này theo các năm, rõ ràng có sự gia tăng mạnh mẽ. Năm 2020, kim ngạch xuất linh kiện ô tô từ Việt Nam đi các nước đạt hơn 5,7 tỷ USD, năm 2019 là hơn 5,6 tỷ USD, năm 2018 là hơn 4,9 tỷ USD và năm 2017 là hơn 4,4 tỷ USD.

Bất ngờ việc Việt Nam xuất hàng tỷ USD linh kiện ô tô sang Mỹ, Nhật - 1

Việt Nam đã xuất khẩu được hàng tỷ USD linh kiện ô tô cho các cường quốc xe hơi. Tuy nhiên, 3/4 kim ngạch nằm trong tay các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và liên doanh (Ảnh: VietNamNet).

Mức tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu linh kiện cho thấy sự nỗ lực lớn của các doanh nghiệp tại Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh) nhằm gia nhập chuỗi cung ứng trên thị trường xe hơi toàn cầu và khu vực.

Nhóm khách hàng nhập linh kiện lớn nhất từ Việt Nam là Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan. Bốn cường quốc xe hơi này chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu linh phụ kiện ô tô của Việt Nam.

Tính đến ngày 15/7, xuất khẩu linh kiện ô tô Việt Nam sang Nhật đạt kim ngạch cao nhất hơn 1,3 tỷ USD, sang Mỹ hơn 1,1 tỷ USD, sang các nước như Thái Lan là 249 triệu USD, Trung Quốc hơn 230 triệu USD.

Kim ngạch xuất linh kiện ô tô của Việt Nam sang các thị trường nói trên luôn có sự gia tăng theo các năm. Từ năm 2020, kim ngạch xuất khẩu linh kiện ô tô Việt sang Mỹ đạt 1,8 tỷ USD, tăng hơn 100 triệu USD so với cùng kỳ năm trước và hơn 500 triệu USD so với cùng kỳ năm 2018.

Cũng trong năm 2020, Nhật Bản nhập hơn 2,37 tỷ USD linh kiện ô tô từ Việt Nam, giảm 200 triệu USD so với cùng kỳ 2019 và giảm hơn 270 triệu USD so với cùng kỳ 2018.

Hai nước Trung Quốc, Thái Lan luôn chi khoảng 300 đến gần 400 triệu USD nhập linh kiện ô tô từ Việt Nam qua các năm, mức độ không nhiều và thông thường chỉ tăng nhẹ vài chục % qua từng năm.

Theo Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, mã số HS hàng linh kiện ô tô xuất khẩu từ Việt Nam cho thấy phần lớn là doanh nghiệp FDI gia công các loại sản phẩm dây cáp điện, nhựa, săm lốp, sơn đóng gói của hãng, thuộc da, khung sườn chassis sử dụng cho xe tải, ốc vít, cấu thành ốp nhựa...

Nhiều chuyên gia về ô tô cho biết, hoạt động xuất khẩu linh kiện xe hơi tại Việt Nam có hai loại, một là sản phẩm gia công theo đơn đặt hàng của công ty mẹ cho các vendor (nhà cung ứng hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng) và công ty con tại Việt Nam để giảm chi phí, tận dụng ưu đãi thuế từ chính sách miễn thuế cho doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thứ hai là sản phẩm cấu kiện xuất khẩu theo đối tác, chủ yếu là đơn đặt hàng dạng rời và phát sinh theo năm.

Thường kim ngạch xuất khẩu linh kiện ô tô của Việt Nam thuộc về nhóm một, hàng đặt hàng gia công của công ty con, vendor của các công ty nước ngoài.

Ông Nguyễn Khắc Hùng, đại diện một vendor cấp một cho hãng xe tại Nhật Bản, cho biết: "Phải mất 3 năm, chúng tôi mới được phía đối tác chuyển giao toàn bộ dây chuyền sản xuất ghế lái cho xe sedan của phía doanh nghiệp Nhật Bản. Ban đầu đi từ đơn hàng nệm ghế da, sau đó thuộc da, hiện nay là toàn bộ cấu kiện liên quan đến thiết bị điều chỉnh cơ và điện tử cho ghế xe, bao gồm cả ghế lái".

"Các đối tác luôn đặt nặng vấn đề chất lượng và tuân thủ tiêu chuẩn. Nếu đạt được yêu cầu, doanh nghiệp liên doanh có thể đi sâu vào chuỗi và được giao làm nhiều chi tiết phức tạp hơn", ông Hùng nói.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, doanh nghiệp Việt có thể mua cả dây chuyền của nước ngoài và sản xuất sản phẩm có chất lượng tương đồng, song điều đó không phải điều kiện đủ của các tập đoàn lớn. Cái họ cần là tiêu chuẩn, thời gian giao hàng và độ tuân thủ chất lượng số một.

Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh các vendor ngày càng quyết liệt và sự xoay chuyển chuỗi sản xuất nhanh chóng, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn ô tô nước ngoài tại Việt Nam.

An Linh