Bán 20 kg bí đỏ chưa mua nổi bát phở, nông dân khóc ròng
Bán 20 kg bí đỏ chưa mua nổi bát phở, nông dân khóc ròng
Giữa buổi trưa nắng gắt của Tây Nguyên, nhiều nông dân tại xã Cư Bông (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) đang thu hoạch bí đỏ đem về để ở sân nhà, chờ thương lái tới mua.
Ngồi bệt giữa ruộng bí, bà Phạm Thị Lưu (thôn 19, xã Cư Bông) buồn bã khi hàng tấn bí đỏ vẫn chưa có ai đặt hàng.
Bà Lưu chia sẻ, gia đình bà trồng gần 6 sào bí đỏ với sản lượng khoảng 20 tấn. Khoảng 2 tuần trước, bà còn bán được 4.000-5.000 đồng/kg, đến hiện tại giá rớt xuống còn khoảng 1.200 đồng/kg nhưng thương lái rất kén chọn.
"Họ chỉ chọn mua những quả đẹp, còn quả xấu một chút sẽ không mua. Bây giờ có một trận mưa thôi là bí ngoài đồng thối rữa hết, nông dân sẽ chịu lỗ nặng", bà Lưu lo lắng.
Hộ ông Trần Thiên Phú (thôn 19, xã Cư Bông) thu hoạch khoảng 15 tấn bí đỏ, nhưng thương lái trả giá quá thấp nên ông không bán. Ông Phú chủ động liên hệ với chủ trang trại nuôi bò, nuôi cá… để bán bí đỏ làm thức ăn cho các vật nuôi nhằm gỡ gạc lại chút vốn.
Sau một thời gian tích cực kết nối, ông chỉ mới bán khoảng 5 tấn bí và còn khoảng 10 tấn đang nằm phơi giữa ruộng, không ai "mặn mà" mua.
"Hiện thương lái chỉ mua bí giá 800-1.200 đồng/kg, giá này quá rẻ và không đủ vốn. Tôi đã bán bí cho một số trang trại nhưng số tiền thu được cũng chẳng được là bao", ông Thiên thở dài.
Vì mùa mưa cận kề, một số nông dân đã gấp rút thu hoạch bí để tránh bị thối, hư hỏng. Dọc tuyến đường liên xã Cư Bông, xã Cư Yang (huyện Ea Kar), bí đỏ chất đống giữa sân nhưng chưa được thu mua.
Theo một thương lái thu mua bí ở huyện ở Ea Kar, nguyên nhân giá bí xuống thấp là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường tiêu thụ ít và năm nay sản lượng bí nhiều hơn các năm, kéo theo giá cả èo uột.
Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Ea Kar, địa phương có hơn 130 ha sản xuất bí đỏ các loại với năng suất 25 tấn/ha, tập trung ở địa bàn các xã Cư Yang, Cư Bông, Ea Sô, Ea Tih, Ea Pal và Cư Ni.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, ngoài việc nông sản mất giá do ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn do nguyên nhân tình trạng sản xuất chưa gắn với thị trường, dẫn tới tình trạng cung vượt cầu như hiện nay.
"Người dân cần hướng tới việc liên kết chuỗi sản xuất, tạo ra nguồn sản xuất tập trung, theo hướng nông nghiệp hữu cơ, có tiêu chuẩn. Khi đạt được những vấn đề này, nguồn sản phẩm sẽ ổn định, tránh được tình trạng được mùa mất giá", ông Dương bày tỏ quan điểm.
Bên cạnh đó, Sở cũng giao cho phòng chuyên môn liên hệ các siêu thị, cửa hàng nông nghiệp... giải quyết giúp nông dân không bán được nông sản.
Thúy Diễm