Người lao động VN ở nước ngoài: Ít việc do dịch bệnh và nỗi niềm xa xứ

07/05/2021, 03:58

Người lao động VN ở nước ngoài: Ít việc do dịch bệnh và nỗi niềm xa xứ

Ít việc do ảnh hưởng Covid-19

Anh Lê Thanh Hùng (quê Quế Võ, Bắc Ninh) đang sinh sống và làm việc tại Oederan - một thành phố nhỏ nằm ở phía đông CHLB Đức. Dịch Covid-19 khiến công việc chế biến xúc xích của anh giảm tần suất đi nhiều so với trước đây. Cũng vì Covid-19, em trai anh Hùng (đang ở CHLB Đức) cũng phải nghỉ việc từ tháng 12/2020 do dịch Covid-19.

"Dịch bệnh và thời điểm đầu năm nên "đầu ra" của mặt hàng xúc xích khó khăn hơn. Do đó, công ty khoán sản phẩm cho công nhân ít hơn trước. Nhiều ngày nay, tôi đi làm đến đầu giờ chiều đã phải về nhà nghỉ rồi", anh Hùng chia sẻ.

Người lao động VN ở nước ngoài: Ít việc do dịch bệnh và nỗi niềm xa xứ - 1

Theo anh Hùng, tuy đồng lương giảm nhưng cuộc sống vẫn tạm ổn bởi chế độ phúc lợi bên Đức rất tốt. Ảnh NVCC.

Theo anh Hùng, tuy đồng lương có giảm đi nhưng gia đình cân đối chi tiêu nên cuộc sống của gia đình vẫn tạm ổn. Bên cạnh đó, nước sở tại có chế độ phúc lợi xã hội tới người dân rất tốt.

"Vợ tôi đang nghỉ thai sản nhưng vẫn được trả lương. Ngoài ra, cả hai con nhỏ của tôi cũng có tiền trợ cấp của Nhà nước cho đến khi nào học xong tìm được việc làm mới thôi", anh nói.

Cùng tình cảnh giống anh Hùng, anh Trần Văn Hưng (quê Kinh Môn, Hải Dương) cũng không được công ty cho làm tăng ca. Dạo gần đây, xưởng cơ khí tại thành phố Đài Trung (Đài Loan) của anh chỉ cho công nhân làm 24 ngày/tháng.

Người lao động VN ở nước ngoài: Ít việc do dịch bệnh và nỗi niềm xa xứ - 2

 Dạo gần đây, anh Trần Văn Hưng (bên phải) không được làm tăng ca. Ảnh NVCC.

 "Trước đây tôi được tăng ca thêm 3-4 tiếng/ngày. Bây giờ chỉ được làm 8 tiếng, có ngày nghỉ dài ở phòng cũng không dám đi đâu. Cả tháng được trả lương tầm 20 nghìn Đài Tệ, tức chỉ khoảng 15 triệu tiền Việt Nam", anh Hưng cho hay.

Theo tính toán của anh Hưng, trừ phí dịch vụ cộng thêm tiền đóng bảo hiểm lao động thì đồng lương thực nhận của anh thậm chí còn bèo bọt hơn. Lại thêm chi tiêu sinh hoạt bên Đài Loan đắt đỏ, nếu không biết tiết kiệm sẽ không gửi về quê được đồng nào.

Để tối ưu hóa chi phí, anh Hưng thường tổ chức nấu ăn chung cùng anh em đồng nghiệp tại phòng trọ. Mỗi tháng, anh cố gắng dành dụm gửi về cho vợ con 7-8 triệu đồng.

Nỗi niềm xa xứ

Mới sang Nhật Bản theo diện xuất lao động, chị Phan Khánh Huyền (quê Thạch Hà, Hà Tĩnh) đi làm tại 1 xưởng sản xuất con chip điện tử ô tô tại tỉnh Fukui chưa được 1 tháng. Lo ngại công việc không được đều do dịch bệnh nên số tiền 8 triệu đồng mang đi từ quê nhà, chị không dám tiêu pha nhiều.

Tâm sự với PV, đây là lần đầu tiên chị Huyền đón cái Tết xa nhà: "Những lúc về phòng nghỉ ngơi, nỗi nhớ gia đình lại trào dâng. Mỗi lúc như thế, tôi thường gọi điện về nhà hỏi thăm sức khỏe bố mẹ để bớt đi phần nguôi ngoai", chị nói.

Người lao động VN ở nước ngoài: Ít việc do dịch bệnh và nỗi niềm xa xứ - 3

Đây là lần đầu tiên chị Huyền đón Tết xa gia đình. Ảnh NVCC.

 Sinh sống và làm việc bên trời Âu đã ngót nghét 13 năm nay, anh Lê Thanh Hùng giờ đây đã ổn định cuộc sống bên vợ và hai con nhỏ: một trai, một gái. Anh Hùng cho biết, cứ vài năm mới tổ chức về thăm quê hương một lần.

"Cộng đồng người Việt bên CHLB Đức hoạt động khá sôi nổi. Năm nào chúng tôi cũng tổ chức chương trình Tết với nhau. Các chị em thì gói bánh chưng nên bữa ăn ngày Tết cũng gọi là mang hương vị quê nhà. Năm nay dịch dã nên nhà nào mới phải đành ở nhà đó thôi", anh tâm sự.

Nói về dự định sắp tới, anh Hùng sẽ tổ chức cho 2 cháu về thăm ông bà khi tình hình Covid-19 lắng xuống. Anh chỉ xác định về hẳn Việt Nam khi các cháu đã trưởng thành, tự lo được cuộc sống.

Mong ước kiếm 1 khoản tiền mang về quê sửa sang cửa nhà, anh Trần Văn Hưng chấp nhận xa vợ con để làm việc nơi xa. Biết tin quê nhà Hải Dương đang có ổ dịch, anh rất lo lắng cho tình hình sức khỏe của gia đình.

"Nửa tháng nay, tôi nhiều đêm mất ngủ lo cho đứa con nhỏ đang ở trong vùng phải cách ly. Mình ở xa chỉ biết gọi điện động viên vợ là cố gắng vượt qua, hết dịch anh sẽ về", anh bộc bạch.

Anh Trần Văn Hưng mong sắp tới được công ty cho công nhân làm thêm giờ. Anh dự kiến khi về quê dành dụm 1 khoản vốn để khi về quê đầu tư vào việc mở cửa hàng kinh doanh.

Kim Sơn