Bật mí công việc của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc giữa ngày dịch Covid-19
Bật mí công việc của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc giữa ngày dịch Covid-19
Thích ứng với dịch Covid-19
Cơm nước xong xuôi, anh Nguyễn Đình Long (SN 1988, trú xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) lại chuẩn bị vào giờ làm việc ca đêm trong một doanh nghiệp tại thành phố Ansan, Hàn Quốc.
Tranh thủ thời gian chờ vào ca, anh gọi điện trò chuyện với người vợ ở quê. Đây là năm thứ 6, người đàn ông quê Nghệ An này làm việc xa nhà.
Các năm trước, mỗi năm anh Long về thăm nhà 1 lần vào dịp nghỉ phép. Từ đầu năm 2020 tới nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh Long chưa được về thăm nhà.
"Quãng thời gian đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 hoành hành thì lao động Việt Nam ở Hàn Quốc cũng khá khó khăn do công ty không nhập được nguyên liệu sản xuất nên giảm giờ làm dẫn tới giảm thu nhập, giá cả các vật dụng phòng dịch như khẩu trang, sát khuẩn... khan hiếm, đắt đỏ.
Thời điểm này, dịch Covid-19 có dấu hiệu "nóng" trở lại nhưng các doanh nghiệp đã thích ứng được với điều kiện sản xuất trong tình hình mới nên về cơ bản chúng tôi vẫn đảm bảo thời gian làm việc và thu nhập. Chỉ có giờ làm thêm bị giảm 1 nửa, còn 50-52 tiếng/tháng do Luật Lao động mới của Hàn Quốc có hiệu lực", anh Long cho hay.
Các lao động tại xưởng sản xuất phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc phòng dịch, kể cả vào giờ ăn. "Khi vào phòng ăn, chúng tôi vẫn phải mang găng tay tiện lợi, ngồi giãn cách, các bàn ăn đều được lắp màng chắn bằng nhựa để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tuy có một chút bất tiện nhưng ai cũng phải ý thức chấp hành, trước tiên là để bảo vệ bản thân", anh Long cho biết thêm.
Thời gian đầu khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Hàn Quốc cũng khiến công việc và thu nhập của anh Vũ Văn Lục (SN 1984, trú huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị ảnh hưởng. Bước vào năm 2021, các doanh nghiệp đã ổn định sản xuất, do đó, công việc của người lao động được đảm bảo hơn. Anh Vũ Văn Lục đang làm việc tại tỉnh Gyeonggi-do, Hàn Quốc.
"Vừa rồi, toàn bộ người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp ở Hàn Quốc được xét nghiệm Covid-19 miễn phí nên chúng tôi cũng khá yên tâm. Tuy nhiên, dịch đang diễn biến phức tạp, Chính phủ Hàn Quốc cũng cấm tụ tập đông người và xử phạt nặng những người không tuân thủ đúng nguyên tắc phòng dịch.
Không được gần gia đình và người thân, đối mặt với nguy cơ có thể nhiễm virus bất kỳ lúc nào khiến chúng tôi cũng khá lo lắng. Hơn nữa, mọi sinh hoạt, giải trí cũng bị đảo lộn nhưng sau đợt dịch kéo dài với những quy định nghiêm ngặt, chúng tôi đã hình thành thói quen trong sinh hoạt để tự bảo vệ mình. Trước đây chả biết khẩu trang là gì, giờ cứ ra khỏi nhà thì đó là vật bất ly thân", anh Lục nói.
Nỗi nhớ khắc khoải
Hiện nay, ngoài một số chuyến bay do đại sứ quán thực hiện để đưa công dân Việt Nam đã hết hạn hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc về nước, các hãng bay cũng mở một số chuyến bay thương mại.
Tuy nhiên tiền vé đắt đỏ cùng với thời gian, chi phí cách ly phòng chống dịch theo quy định của 2 nước nên việc về nước trong thời điểm này vẫn chỉ là lựa chọn trong trường hợp bất đắc dĩ với nhiều lao động tại Hàn Quốc.
Khi anh Lục lên đường đi làm việc theo hợp đồng tại Hàn Quốc, chị Trần Thị Long - vợ anh - đang mang bầu đứa con thứ 2. Nay cháu hơn 3 tuổi, hai bố con mới được gặp nhau 1 lần, vào năm 2019, khi anh nghỉ phép.
"Ba bố con chủ yếu gặp nhau qua điện thoại, nhiều khi thấy cháu hỏi bố bao giờ về đưa con đi chơi, thấy thương con, thương chồng nhưng dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, biết làm sao được. Đành phải động viên chồng cố gắng bởi cơ hội để đi Hàn Quốc không phải ai cũng có. Việc mua đất, làm nhà, chăm lo cho con cái học hành sau này đều trông chờ vào khoản thu nhập này", chị Long tâm sự.
Chịu khó tích góp, anh Lục cũng gửi về được khoản tiền kha khá dự tính mua đất, làm nhà trong năm 2020. Tuy nhiên, vướng dịch, không thể về được nên việc trọng đại này đành phải để vợ cáng đáng.
"Đàn ông xây nhà mà. Nếu năm vừa qua không có dịch, mình cắt phép về thì nay 3 mẹ con cũng đã thoát cảnh đi thuê trọ. Năm nay mong hết dịch, cắt phép về làm cho vợ con căn nhà để đỡ vất vả mà mình cũng yên tâm hơn", anh Lục nói.
Yêu nhau nhiều năm mới đi đến hôn nhân, sau đám cưới, chồng đi làm việc ở Hàn Quốc khiến chị Nguyễn Hoàng Oanh (Hưng Nguyên, Nghệ An) khá hụt hẫng, chênh vênh. Năm nay, chồng chị tính bảo lãnh cho vợ sang Hàn Quốc thăm nhưng kế hoạch không thể thực hiện được do chính sách nhập cảnh của nước bạn.
"Chỉ mong chồng cũng như cộng đồng lao động người Việt ở bên ấy an toàn trước dịch bệnh. Mong dịch Covid-19 sớm bị đẩy lùi để hai vợ chồng được đoàn tụ, thực hiện các kế hoạch đang dang dở", chị Oanh chia sẻ.
Tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 5.000 lao động đang làm việc ở Hàn Quốc, chủ yếu ở các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, chế tạo máy. Từ đầu năm 2021 tới nay, đã có 80 lao động Nghệ An được các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, ký kết hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên thời gian xuất cảnh chưa được xác định.
Hoàng Lam